1. Bữa rồi đọc một đoạn ghi chép của người quen. Anh viết với sự hối lỗi rất thành khẩn khiến tôi ấn tượng. Đầu tiên, anh xin lỗi đồng nghiệp trong cơ quan, rồi sau thì cứ tự trách mình mà lại không trách được, muốn trách con mà lại không trách được. Bởi vậy, câu chuyện kể mang đầy vẻ bí bách, rất hợp hoàn cảnh.
Anh kể, mấy bữa nay con cái nghỉ hè nên không có cách nào khác hơn phải mang tới cơ quan. Hai thằng con trai, ở nhà nghịch phá thế nào, thì đi ra ngoài quậy cũng y chang vậy.
Con nít, đâu có biết giữ ý giữ tứ như người lớn. Trong lúc ba đang tất bật làm việc, thì hai thằng nhỏ lấy viết vẽ bậy lên bàn làm việc và trên tường tùm lum. Ông ba lật đật kiếm đồ để lau chưa xong, thì chúng lại đuổi nhau chơi trò gì đó hò hét um sùm khắp hành lang.
Giữ được con ngồi vào phòng chưa được 5 phút, thì tụi nhóc lại phá bĩnh, đi tới máy tính làm việc của ba đòi chơi game. Mà máy tính của ba nó thì tuyệt đối không được tải bất cứ phần mềm nào xuống, do có lưu trữ công việc đặc thù. Làm gì cũng bị cấm, chơi gì cũng không được, hai thằng bé càng phá tợn. Chúng lên cơn giận dữ xé rất nhiều giấy tờ trong phòng.
Kết thúc của nửa ngày giữ con là người cha cho tụi nhỏ ăn đòn đau. Ba bực, con khóc, cứ gọi là um sùm nơi làm việc. Đồng nghiệp ái ngại và tất nhiên cũng bực bội chẳng kém. Công sở chứ đâu phải là nhà mẫu giáo. Nhưng nghỉ hè rồi, 2 vợ chồng phải thay nhau giữ con hơn 10 ngày, sau đó thì mới tới đợt vào học hè.
Ông bà nội ngoại vừa ở xa, vừa đã già yếu, khó chăm sóc được cháu. Hơn thế, thời gian đi tàu mang con ra miền Trung gửi rồi lại đi đón về, cũng khó thu xếp, mà đi máy bay thì dịp này đang cao điểm, giá rẻ không có, tốn bộn tiền. Vậy nên, đã xảy ra “thảm cảnh” như đã kể.
Anh còn viết, hai cậu con trai còn sợ ba, nên còn nói được mà gây chuyện như thế, chứ mẹ chúng mang con tới chỗ làm, thì muốn khóc. Chị bị sếp gọi vào phòng mắng xối xả, bắt mang con về rồi quay trở lại chỗ làm ngay. Mà về thì ai coi tụi nhóc. Nhốt trong nhà lỡ chúng nghịch điện nghịch nước, có chuyện gì thì lại ân hận cả đời.
2. Câu cửa miệng những ngày hè của mọi người, là nghỉ rồi cho các con về quê. Chị bạn tôi nói, chị mua miếng đất vườn ở quê đã 3 năm nay, kế nhà ông bà ngoại. Cứ đến hè, là anh chị xin nghỉ phép đưa các con về để trồng cây, sửa sang, chăm sóc. Sau 2 tuần quay trở lại thành phố, thì giao lại cho 1 người bà con coi ngó dùm.
Ngày không mưa thì người ta tưới cây, ngày mưa thì làm cỏ. Tới dịp hè và Tết được nghỉ lâu, cả nhà lại lên kế hoạch cải tạo và chăm sóc lại khu nhà vườn. Diện tích đất nhỏ thôi, nhà cũng nhỏ xíu xiu thôi, vì cũng cần gì rộng thênh thang, miễn sao có chút đất trồng cây, chút đất đào kênh dẫn nước để nuôi cá, là ổn lắm rồi. Nghỉ hè, cả người lớn và trẻ nhỏ về quê đúng nghĩa, vui biết chừng nào!
Nhưng, cũng có nhiều người không… có quê. Nhiều người ở Sài Gòn, mà quê cũng ở Sài Gòn. Ngày hè ngày Tết nhìn người ta kéo nhau ra bến xe, ra ga tàu, ra sân bay mà thèm quá.
Ao ước có quê để cho tụi nhỏ được biết thế nào là sự trở về. Bởi vậy, nếu ai vẫn còn cha mẹ, còn anh chị em, còn bà con thân quyến ở quê, thì rất nên tạo kỳ nghỉ đúng nghĩa. Vì kỳ nghỉ của tụi nhỏ không phải là đỡ quấy rầy cha mẹ, mà thực sự đó là những gắn kết và kỷ niệm đi theo suốt cuộc đời.
Sau này, con cái chúng ta sẽ có nhiều câu chuyện để nhắc nhớ thời ấu thơ được về quê nghỉ hè với nhiều trò chơi, mà chắc chắn rằng trên thành phố không bao giờ có được!
Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com