Phiên đảo chiều lịch sử ngày 19/1
Phiên 19/1 có thể nói là phiên giao dịch lịch sử của thị trường cơ sở lẫn phái sinh khi chỉ số VN-Index giảm hơn 60 điểm. Đối với thị trường phái sinh, hợp đồng phái sinh đáo hạn gần nhất, VN30F2101 giảm hơn 70 điểm và trở về gần mốc xuất phát đầu năm 2021.
Thị trường phái sinh hợp đồng tương lai vốn là “trò chơi có tổng bằng 0”, lợi nhuận của người này là tổn thất của người khác, do đó với một phiên giảm mạnh như vậy, có những nhà đầu tư lãi lớn và cũng có những nhà đầu tư thiệt hại lớn.
Đáng nói là, với mức đòn bẩy cao, thậm chí có nhà đầu tư giao dịch ở các “kho hàng”, nhiều tài khoản phái sinh đã “cháy” trong phiên lịch sử này.
Theo ghi nhận của Báo Đầu tư Chứng khoán, với lượng hợp đồng chưa tất toán (Open Interest) ở mức cao nhất trong lịch sử (55.318 hợp đồng) khi kết thúc phiên 18/1, đây hoàn toàn có sự tham gia của nhiều nhà đầu tư lớn. Do vậy, suy giảm từ kháng cự lịch sử là bình thường nhưng phiên 19/1 rất bất thường.
Là nhà đầu tư phái sinh chuyên nghiệp, anh Nguyễn Xuân Hòa chia sẻ, do ưu điểm vượt trội của chứng khoán phái sinh là có thể giao dịch theo cả hai chiều nên những phiên thị trường biến động mạnh là cơ hội rất tốt để nhà đầu tư có thể gia tăng lợi nhuận.
Tuy nhiên, thị trường biến động quá nhanh và mạnh như phiên 19/1 khiến rủi ro trở nên rất lớn, đặc biệt với những nhà đầu tư thiếu kinh nghiệm mới tham gia thị trường phái sinh.
Thị trường biến động mạnh, khối lượng giao dịch tăng đột biến khiến hệ thống của một số công ty chứng khoán đáp ứng chậm làm trượt giá đặt lệnh rất lớn, điểm cắt lỗ rất rộng cũng làm gia tăng rủi ro cho nhà đầu tư giao dịch chứng khoán phái sinh nếu chọn nhầm vị thế.
“Nhịp giảm mạnh này kết hợp của nhiều yếu tố, trong đó F0 bị kích hoạt bán tháo tạo nên phiên giảm khủng khiếp. Điều này hoàn toàn có thể hiểu được, tuy nhiên phiên này, nhà tạo lập không phải chỉ kiếm 30 – 40 điểm, mà là 70 – 100 điểm”, anh Hòa chia sẻ và cho biết, việc bán tháo là do nhà đầu tư F0 và những người chưa thạo phân tích kỹ thuật.
Theo giải thích của một nhà đầu tư khác, khi thị trường đang hưng phấn, nhà đầu tư kỳ vọng chỉ số tiếp tục tăng, giá phái sinh sẽ cao hơn nhiều chỉ số cơ sở.
Sau đó, các tay to nhận thấy thị trường đã cao, có khả năng điều chỉnh, họ sẽ tăng cường mở vị thế bán trên phái sinh. Bán nhiều thì giá sẽ giảm, nhưng để tránh giá giảm, họ mua các mã cổ phiếu lớn để đẩy chỉ số.
Theo đó, họ sẽ bán được nhiều phái sinh ở mức giá cao. Khi đến thời điểm thích hợp, họ bán cổ phiếu cơ sở, đẩy thị trường đi xuống, kéo theo các nhà đầu tư khác bán theo.
Khi chỉ số lao dốc, họ sẽ đóng vị thế bán phái sinh (tức mua lại ở mức giá thấp) và thu lời. Cổ phiếu cơ sở có thể bị lỗ (hoặc giảm lãi vì trước đó họ đã gom mua ở mức giá thấp), nhưng mức lỗ thấp hơn nhiều so với mức lãi trên sàn phái sinh.
Trong quá khứ, thị trường phái sinh thường có những phiên biến động bất thường, đặc biệt trong phiên đáo hạn, từng làm dấy lên nghi vấn thao túng giá.
Diễn biến giá phái sinh kỳ hạn 1 tháng kể từ tháng 8/2018. |
Với những biến động được quan sát thấy trên thị trường phái sinh, cũng khó có thể phủ nhận sự tham gia của nhiều nhà đầu tư lớn trong các phiên giao dịch như vậy. Ở lần đáo hạn lần này (21/1), theo Công ty Chứng khoán TP.HCM, một số điểm đáng chú ý như lượng hợp đồng chưa tất toán ở mức cao nhất trong lịch sử và được giữ cho đến sát ngày đáo hạn (55.318 hợp đồng như đã nêu ở trên).
Spread (chênh lệch giữa VN30F và VN30) được duy trì dương khá lâu, trong 2 tuần liên tiếp và có lúc được đẩy lên trên 20 điểm, đặc biệt sau phiên 19/1, spread bị đẩy về mức âm. Ngoài ra, nhà đầu tư cũng cần lưu ý thêm về những biến động bất thường khi không có thông tin đáng chú ý nào trong nước và thế giới.
Tính đến cuối năm 2020, số tài khoản đầu tư chứng khoán phái sinh đã đạt con số gần 168.000 (tăng khoảng 85% so với năm 2019), thể hiện sự quan tâm ngày càng lớn của công chúng đầu tư đối với thị trường chứng khoán phái sinh. Dù vậy, so với chứng khoán cơ sở, thị trường chứng khoán phái sinh Việt Nam có quy mô khá nhỏ nên vẫn dễ bị thao túng.
Ở lần đáo hạn này, thị trường biến động rất khó lường vì ngoài nguy cơ thao túng của nhà tạo lập thì sự biến động rất mạnh của thị trường giai đoạn này còn bị ảnh hưởng bởi tâm lý đám đông rất mạnh mẽ do sự cộng hưởng của số lượng đông đảo nhà đầu tư F0.
Công cụ phòng ngừa rủi ro bị bỏ quên
Thị trường chứng khoán vừa trải qua một chu kỳ dài tăng điểm, nguy cơ đảo chiều luôn hiện hữu. Ở thời điểm này, đầu tư vào chứng khoán phái sinh hay cơ sở sẽ có nhiều cơ hội hơn đang là điều trăn trở của nhiều nhà đầu tư.
Theo giám đốc tư vấn đầu tư tại một công ty chứng khoán có trụ sở ở Hà Nội, sau phiên 19/1, kỳ vọng về thị trường trong trung hạn của giới chuyên gia, nhà đầu tư vẫn thiên về quan điểm tích cực. Do đó, thị trường cơ sở vẫn có nhiều cơ hội.
Tuy nhiên, với những cú điều chỉnh ngày càng mạnh đã xuất hiện, thanh khoản thị trường phái sinh sau chuỗi ngày bình lặng cũng đã bắt đầu dội lên.
Lợi thế của thị trường phái sinh là có thể kiếm lời ngay cả khi thị trường giảm và có lẽ ở những lần kiểm định các ngưỡng nhạy cảm tới đây, thị trường phái sinh sẽ càng được chú ý. Tại vùng đỉnh, phái sinh cũng là một công cụ tốt để phòng ngừa rủi ro.
Chính vì vậy, lời khuyên của các chuyên gia phái sinh, đó là nhà đầu tư không có kinh nghiệm thì không nên giao dịch trong phiên đáo hạn, hoặc chỉ tham gia với một tỷ trọng vốn rất nhỏ (10 - 20%). Bởi phiên đáo hạn luôn tiềm ẩn rất nhiều bất ngờ nên nhà đầu tư không nên đặt cược tất cả tài sản vào việc giữ vị thế chờ đáo hạn, mà nên đóng bớt vị thế trước phiên ATC ngày đáo hạn để bảo toàn lợi nhuận.
Giai đoạn này, thị trường đã thoát khỏi xu hướng giảm trung hạn và chuyển sang xu hướng tăng, nên sau mỗi nhịp điều chỉnh, thị trường sẽ tiếp tục tăng và những nhịp điều chỉnh như vừa rồi là cơ hội để cơ cấu lại danh mục nhắm tối ưu hóa lợi nhuận.
Theo đuổi thị trường chứng khoán cơ sở nhưng nhà đầu tư cũng nên tìm hiểu thị trường chứng khoán phái sinh để khi cần thiết, chứng khoán phái sinh sẽ là công cụ phòng ngừa rủi ro cho danh mục cổ phiếu cơ sở.
Mục tiêu ban đầu của thị trường chứng khoán phái sinh là đa dạng hóa kênh đầu tư, phòng ngừa rủi ro cho danh mục cổ phiếu cơ sở khi thị trường đảo chiều. Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư chỉ quan tâm đến một thị trường, đã bỏ quên công cụ hữu ích để phòng ngừa rủi ro và tối ưu lợi nhuận.
Hoạt động giao dịch chứng khoán được giám sát hàng ngày
Trước câu hỏi của Đầu tư Chứng khoán về nghi vấn có hiện tượng biến động bất thường trong những phiên đáo hạn chứng khoán phái sinh lãnh đạo Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội cho biết, cần phải xem xét diễn biến bất thường phát sinh từ nguyên nhân gì, có thể giải thích bằng các nguyên nhân khách quan trên thị trường hay không. Trong trường hợp bất thường xuất phát từ các giao dịch có dấu hiệu nghi vấn hành vi thao túng giá, HNX sẽ thực hiện phân tích và báo cáo UBCK để xử lý theo quy định.
Hiện nay, hoạt động giám sát giao dịch chứng khoán được thực hiện hàng ngày đối với toàn bộ chứng khoán trên thị trường theo hai cấp giám sát chính là Sở Giao dịch chứng khoán và UBCK, ngoài ra có cả sự tham gia giám sát của các công ty chứng khoán thành viên.