Nghi án FTM bị làm giá: Kịch bản đường đi của tiền margin

Nghi án FTM bị làm giá: Kịch bản đường đi của tiền margin

(ĐTCK) Không phải 13 tài khoản, mà có gần 30 tài khoản đã được các cổ đông lớn cá nhân tại CTCP Ðầu tư và phát triển Ðức Quân (FTM) mở tại các công ty chứng khoán để giao dịch cổ phiếu.

Việc có nhiều tài khoản sẽ giúp thuận lợi trong việc điều tiết các giao dịch chéo nhằm tạo lập cung - cầu, tạo thanh khoản và tạo giá cổ phiếu FTM. Ðây là vấn đề trọng yếu cơ quan điều tra cần vào cuộc và làm rõ.

Ghi nhận từ thị trường cho thấy, để có thể tạo lập và duy trì thanh khoản ở mức hơn 1 triệu cổ phiếu/phiên, nhiều ý kiến cho rằng, “nhóm hành động” có thể phải kiểm soát nhiều hơn 30 tài khoản của 9 cá nhân có dư nợ lớn tại các công ty chứng khoán đang bị thiệt hại.

Tới phiên giao dịch ngày 24/9, cổ phiếu FTM vẫn chưa có dấu hiệu dừng giảm sàn, từ mức đỉnh 24.200 đồng/cổ phiếu trong phiên 9/8 nay còn trên 3.000 đồng/cổ phiếu.

Một số chủ thể bị nghi vấn là có hành vi thao túng, tạo thanh khoản và đẩy giá cổ phiếu FTM lên cao để dùng cổ phiếu FTM làm tài sản đảm bảo vay ký quỹ (margin) tại các công ty chứng khoán, sau đó rút tiền ký quỹ ra khỏi tài khoản… đều đã lên tiếng thông qua truyền thông. Một số chủ thể khẳng định không liên quan tới vụ việc, cáo buộc thông tin báo chí không chính xác.

Về phía công ty chứng khoán, hơn 10 công ty đang “ôm” khối tài sản đảm bảo là cổ phiếu FTM giảm sàn, mất thanh khoản khiến khả năng không thể thu hồi vốn vay là nhìn thấy trước.

Nếu không tìm ra cách giải quyết hài hòa giữa “nhóm hành động” tại FTM với các công ty chứng khoán, thì báo cáo quý III cũng như cuối năm nay nhiều công ty sẽ phải trích lập nhiều tỷ đồng dự phòng rủi ro cho việc lỡ cấp margin cho mã FTM.

Theo nguồn tin của Báo Ðầu tư Chứng khoán, hiện Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã vào cuộc thanh tra vụ việc tại FTM. Ngoài nghi vấn mã FTM bị làm giá, dư luận đang hướng sự quan tâm đến việc làm cách nào để dòng tiền vay margin được rút ra khỏi cả chục công ty chứng khoán.

Ghi nhận từ thị trường cho thấy, tổng số lượng cổ phần FTM mà nhóm cổ đông nói trên sử dụng để vay ký quỹ lên tới gần 30 triệu đơn vị, chiếm khoảng 60% vốn điều lệ của Công ty FTM. Con số ước tính thiệt hại của các công ty chứng khoán là khoảng 200 tỷ đồng.

Tuy nhiên, con số cụ thể về số tiền margin bị rút ra khỏi tài khoản hiện chưa được thống kê chính xác.

Nguồn tin của Báo Ðầu tư Chứng khoán cho biết, tiền margin có bị rút ra, nhưng phần không nhỏ trong số này đã được sử dụng để trả một phần tiền gốc và lãi, phí giao dịch…

Hiện tại, tổng dư nợ trên toàn thị trường của cổ phiếu FTM chỉ tập trung vào gần 30 tài khoản được đứng tên của khoảng 9 - 10 cá nhân tại các công ty chứng khoán, trong đó hầu hết các cá nhân này đều là các cổ đông lớn nhất của FTM.

Kịch bản thị trường nghi ngờ là các tài khoản của 9 cá nhân (là các cổ đông lớn) đóng vai trò mua vào cổ phiếu FTM ở vùng giá cao. Ðây là những tài khoản sở hữu nhiều cổ phiếu FTM, có sức mua lớn nhờ chủ tài khoản sử dụng dịch vụ cho vay ký quỹ mà các công ty chứng khoán cấp.

Ở chiều ngược lại, một số tài khoản sẽ bán cổ phiếu FTM ở vùng giá cao, rồi rút ra khỏi thị trường khoản tiền lớn.

Những tài khoản bên mua, bên bán này về mặt hình thức không có liên quan với nhau, nhưng về bản chất thì có thể cùng một chủ thể đạo diễn.

Với hệ thống công nghệ và khả năng giám sát dòng chu chuyển cổ phiếu “tận chân” từng tài khoản như hiện nay, dư luận kỳ vọng, nhà quản lý sẽ sớm tìm ra bản chất thực sự của dòng giao dịch mã FTM.

Trong động thái mới nhất từ FTM, Công ty dự kiến sẽ Ðại hội đồng cổ đông bất thường để bầu thêm thành viên vào Hội đồng quản trị.

Người sáng lập FTM, nguyên Chủ tịch Công ty Lê Mạnh Thường dự kiến sẽ ứng cử lại vị trí thành viên Hội đồng quản trị, sau đó nếu được tín nhiệm sẽ vào lại vị trí Chủ tịch Hội đồng quản trị với hy vọng ở vị trí này sẽ có thể chủ động hơn trong thu xếp tài chính, xử lý các khoản nợ có liên quan đến Công ty cũng như cổ đông lớn của Công ty.          

Tin bài liên quan