Được ví như một nghề “làm dâu trăm họ”, nhưng trên TTCK, thậm chí ngay với nhiều CTCK vẫn chưa thực sự thừa nhận tầm quan trọng của bộ phận này. Ngay từ khi thành lập, các CTCK đều xây dựng bộ phận phân tích khá chỉnh chu. Ở giai đoạn đầu, phần lớn các báo cáo của bộ phận phân tích được CTCK sử dụng cho mục đích tự doanh. Những báo cáo khi đó, dù còn ít thông tin và đơn giản, nhưng không phải vì thế mà họ không chịu áp lực như bây giờ. Áp lực đó không đến từ môi giới, mà đến từ Ban lãnh đạo công ty, bởi nhiều ông chủ CTCK thời đó không thực sự am hiểu TTCK khi họ lập ra CTCK theo trào lưu và chủ yếu mong muốn bán lại. Những nhịp tăng mạnh của thị trường và điều đó cho thấy lợi nhuận mà tự doanh mang lại. Vì thế, bộ phận phân tích chủ yếu phục vụ nhiều hơn cho hoạt động tự doanh. Khi thua lỗ hay lỗi nhịp, đây cũng là bộ phận gánh chịu nhiều chỉ trích nhất trong chuyện khuyến nghị đầu tư.
Hiện tại, những Analyst đã được tách biệt một cách độc lập hơn. Công việc thầm lặng nhưng không phải ai cũng hiểu hết giá trị mà họ tạo ra. Họ được ví như những con ong chăm chỉ, luôn luôn phải cập nhật và đánh giá những gì đang diễn ra để sao cho khách hàng có thể nhìn vấn đề một cách nhanh nhất và dễ hiểu nhất. Thị trường luôn vận động, đặc biệt là với TTCK, nên công việc của những Analyst không khác một người công nhân thực sự. Những người làm nghề vẫn tự gọi mình với một cụm từ “công nhân tài chính” để nói lên sự vất vả mà họ đang làm.
Thế nhưng, để có thể làm việc tại vị trí phân tích đầu tư, ít ai biết rằng, mỗi con người đó phải nỗ lực hết mình. Những cuộc trường chinh để lấy được chứng chỉ CFA đã cho thấy mồ hôi và nước mắt của người học. Nhưng CFA mới chỉ là bước đầu, còn để bước chân vào làm việc tại vị trí này ở những CTCK hàng đầu, còn là một thử thách khốc liệt tiếp theo. Những ai từng “lướt” qua công việc của các Analyst hẳn không khỏi “sốc” trước những tài năng về học vấn. CFA Charterholder chưa hẳn đã là điều gì quá ghê gớm ở môi trường này, chỉ điều đó thôi đủ nói lên tất cả. Tuy nhiên, đó đâu đã là tất cả, khi số lượng CTCK đang giảm dần, trong khi các quỹ thực sự lớn chưa nhiều, những CFA hay MBA ngày càng nhiều, thì cuộc cạnh trong công việc càng trở nên gay gắt. Và một điều quan trọng hơn cả là, không phải công ty nào cũng duy trì tiềm lực tài chính để có thể vận hành tốt bộ phận này.
Trên thực tế, phần lớn CTCK đều lựa chọn môi giới là lĩnh vực kinh doanh chính. Theo đó, môi giới sẽ là vị trí quan trọng số 1 trong công ty. Vì thế, Analyst phải chịu áp lực rất lớn từ bộ phận này và không phải công ty nào cũng có chiến lược kinh doanh rõ ràng trong việc tách biệt 2 bộ phận và sử dụng họ trong những mục tiêu khác nhau. Những khoảng cách với môi giới vẫn luôn được tạo ra, và đôi khi, khoảng cách đó tạo ra những mâu thuẫn. Trong con mắt của môi giới, cổ phiếu nào cũng có thể sinh lời, nhưng trong con mắt của Analyst thì không hẳn. Sự khác biệt đó thể hiện rõ hơn khi một bên mang nhiều tính lý thuyết, còn một bên là một cuộc chiến thực thụ. Không phải Analyst nào cũng đã từng chịu trách nhiệm trước số tiền lớn để hiểu được cảm giác giống như môi giới và cũng ít Analyst phải chịu áp lực từ những vị khách hàng VIP khó tính. Chính điều này cho thấy, nhiều bản báo cáo của các Analyst vẫn chưa thực sự hiểu thị trường, đặc biệt là TTCK Việt Nam, để có thể hỗ trợ cho những bộ phận khác tích cực hơn.
Một bài viết chưa thể nói hết đầy đủ và trọn vẹn về những người làm phân tích, nhưng chúng tôi tin tưởng, những người làm phân tích giỏi (những CFA Charter, những cá nhân xuất sắc về tài chính) sẽ luôn có đất “dụng võ” và họ sẽ sớm trở thành những nhà quản lý tài chính giỏi. Yêu nghề và luôn duy trì sự đam mê với nghề sẽ giúp Analyst trưởng thành. Những gì mà Analyst đang làm hiện nay dường như đang góp phần định hình dần TTCK, rộng hơn là thị trường tài chính của Việt Nam phát triển chuyên nghiệp hơn.