"Đại gia" đến từ nội lực doanh nghiệp chứ không phải "mác" bề ngoài.

"Đại gia" đến từ nội lực doanh nghiệp chứ không phải "mác" bề ngoài.

Ngày Tết, nói chuyện giấc mơ “đại gia”

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Đâu đó, tôi nghi ngờ các chủ doanh nghiệp tư nhân Việt Nam, to hay nhỏ, vẫn muốn trước mọi ưu tiên, tranh giành một vị trí. Đó là vị trí đại gia.

Không có việc nào khó hơn là viết một bài báo Tết. Người đọc những trang báo này thường thích nghe những câu chuyện vui, còn gì chính đáng hơn việc muốn nghe chuyện vui vào ngày đầu năm mới. Nhưng rồi có bạn đọc cho rằng, năm hết Tết đến mong được đọc đôi bài có chút chiêm nghiệm, sâu sắc.

Tôi mong chiều được cả hai phái, vừa hời hợt cho vui cửa vui nhà, vừa đào sâu vài chủ đề để kích động sự suy nghĩ của những độc giả khó tính.

Khi nói đến doanh nghiệp tư nhân Việt Nam, chúng ta không nên quên rằng, đa số là các doanh nghiệp gia đình. Tất cả sức mạnh của doanh nghiệp gần như vịn vào giá trị của văn hoá gia đình. Nhưng, hầu hết tình huống tiêu cực cũng đi ra từ đó. Tôi xin liệt kê vài nét chính để bạn đọc nào làm chủ doanh nghiệp tự xét rồi điều chỉnh hay không thì tuỳ hỉ.

Bạn đọc sẽ chẳng ngạc nhiên khám phá ra rằng, một trong những khuyết điểm lớn nhất của doanh nghiệp Việt Nam là “giấc mơ đại gia”. Giấc mơ phải nói là chính đáng (vì nói cho cùng, nước ta chưa có mấy doanh nghiệp như thế này ngoài vài thương hiệu hàng đầu), nhưng lại có những khía cạnh vô cùng tai hại.

Bởi với giấc mơ này, một số doanh nghiệp có khuynh hướng nghiêng về phát triển doanh thu, chứ không quan tâm thực sự đến lợi nhuận. Nói vậy, thực lòng, hơi bất công đối với nhiều doanh nghiệp.

Nhưng ở đây, tôi đã từng quan sát hàng ngàn công ty và tôi phát hiện ra rằng, hễ phải lựa chọn giữa lợi nhuận và doanh thu thì nhiều doanh nghiệp không những nghiêng về doanh thu, mà còn coi quyết định như thế là dĩ nhiên.

Có doanh nghiệp còn sẵn sàng đi xa hơn một chút, nhận rủi ro về lỗ lã, nhưng không thể từ chối một con số doanh thu hoành tráng. Đó là những chương trình đồ sộ, những dự án lớn, rủi ro cao và xác suất tạo được lợi nhuận rất khó khăn.

Trong tình huống này thì những doanh nghiệp ấy, cho dù có đến 10.000 nhân viên hay đông hơn nữa, cách hành xử không khác gì bà bán bánh cuốn ngoài chợ, lấy công làm lãi, đôi khi lấy công làm lỗ. Làm mà vẫn lỗ, biết lỗ mà vẫn làm.

Cái gì giải thích được thái độ này thì thực sự tôi không tìm ra câu trả lời thoả đáng!

Đành rằng, chúng ta không thể để cho những công ty đối thủ lấy mất cơ hội, nhưng có thể coi lỗ lã như là một cơ hội không? Đâu đó, tôi nghi ngờ các chủ doanh nghiệp tư nhân vẫn muốn tranh giành một vị trí. Đó là vị trí đại gia, vua của bao bì, hoàng đế của ngũ cốc, thượng đế của dịch vụ…, đại loại thế.

Lấy vị trí đó với bất cứ giá nào, rồi sau đó hạ hồi phân giải. Kỳ tình, loại tình huống này quá kinh điển và phổ biến, đó là ưu tiên cho tương lai gần, rất gần. Khi đó, phát triển bền vững lại lùi đi xa, rất xa, tuy vẫn là khẩu hiệu trong các mục quảng cáo của doanh nghiệp đó.

Tất nhiên, khi doanh nghiệp chạy theo mục tiêu này, chuyện gì phải tới sẽ tới. Đó là đi ra ngân hàng bạn xin thêm đặc ân mượn tiền để trả lương nhân viên.

Một số doanh nghiệp sẽ cho rằng, cuối cùng, ngân hàng phải cứu giải, nếu không thì “sập cả đám”. Họ nghĩ rằng đây là một chuyện không thể để xảy ra và tôi nhìn nhận rằng, đến thời điểm này thì sự ước mong của họ vẫn là thực tế, tuy rất mông lung.

Chuyện khôi hài nhất là, tuy nhân viên quá đông, việc trả lương quá nặng nề, nhưng ông đại gia vẫn khư khư giữ trọn số nhân viên này. Liệu có phải vì quân càng đông thì đại gia càng được kính nể?!

Ôi, tôi sẽ không đi sâu hơn vào tâm lý đại gia trong các doanh nghiệp gia đình và tôi sẽ quên đi bao nhiêu cuộc đấu đá giữa các anh em ruột, hay cha con khi đề cập đến những đề tài nhạy cảm như chiến lược dài hạn. Những câu chuyện này mênh mông, nhưng quá phổ biến, nên trong đám nhân viên người nào cũng thuộc lòng.

Chẳng trách được việc nhiều “công tử” chẳng muốn kế thừa sản nghiệp kinh doanh của gia đình… Doanh nghiệp nợ đến cổ rồi thì vào thế cha ông để làm gì, trong khi thị trường trong nước còn nhan nhản hàng trăm, hàng ngàn cơ hội đầu tư hấp dẫn, nhất là khi mình sẵn có nhiều vốn!

Một trong những khuyết điểm không kém khôi hài trong doanh nghiệp của ta là khi nói tới việc định nghĩa sứ mệnh và văn hoá doanh nghiệp.

Không thiếu những doanh nghiệp mới có được khoảng trăm nhân viên, nhưng nhất quyết phải chọn những câu, từ vĩ đại nhất cho sứ mệnh của mình.

"Giấc mơ" toàn cầu là chính đáng, nhưng trước hết cần hành động thực tế dựa trên nội lực của mình.

"Giấc mơ" toàn cầu là chính đáng, nhưng trước hết cần hành động thực tế dựa trên nội lực của mình.

Doanh nghiệp dù tí hon đến đâu cũng đều mơ phát triển ra toàn lãnh thổ, vươn tầm thế giới, sẵn sàng ganh đua văn minh và công nghệ với đủ mọi tập đoàn đa quốc gia.

Họ chẳng bao giờ vắng mặt tại các hội thảo 4.0 hoặc số hoá. Trong tâm trí, họ sẵn sàng “nuốt chửng” vài đô thị thông minh, mua đầy đủ bộ phần mềm công nghệ mà không nề hà đến những chi phí liên quan. Tầm nhìn cứ phải thật cao và rộng, có đúng thế không bạn nhỉ?

Đến khi phải xây dựng văn hoá doanh nghiệp (một ý tưởng chính đáng) thì cuốn tự vị sẽ thiếu cả chữ để đánh giá văn hoá. Nào là “văn minh”, “tiến bộ”, “động lực”, “đoàn kết”, “liêm khiết”, “đạo đức”, “quên mình”, “tầm nhìn”, “cần kiệm”, “quyết thắng”, “nhiệt huyết”, “tận tuỵ”, “trung thành”, “tích cực”… mà điều khôi hài là họ không chọn giữa những từ ngữ sáo rỗng đó, mà ghép luôn cả bộ vào với nhau.

Thế nhưng, công việc hàng ngày ở những doanh nghiệp ấy vẫn chẳng có gì thay đổi. Có lẽ một số chủ doanh nghiệp viết lên những chữ đó như một ý tưởng để áp đặt trên nhân viên? Chẳng biết họ có áp dụng cho chính bản thân hay không? Và chẳng biết nhân viên có tủm tỉm cười thầm không?

Một khuyết điểm nữa là khuynh hướng muốn áp dụng mọi bí quyết quản lý từ Hoa Kỳ đưa về. Một số đông chủ doanh nghiệp Việt vẫn khư khư nghĩ rằng mọi phương pháp quản lý từ Hoa Kỳ đều tốt cho doanh nghiệp Việt Nam.

Này nhé, những nhà quản trị nổi tiếng của Hoa Kỳ như Jack Welch, Henry Ford, Louis Gerstner… chẳng bao giờ áp dụng nhưng công cụ quản lý mà người ta muốn bán cho thị trường mình. Những CEO Hoa Kỳ đã thành công đều chỉ mang một sứ mệnh đơn giản là yêu nước và yêu nhân viên của họ. Chỉ có thế thôi!

Liệu các chủ doanh nghiệp của chúng ta có yêu nhân viên không? Khi phong cách quan liêu còn tồn tại thì câu trả lời quá rõ, đó là: Không. Tôi đã nhắc nhở khá nhiều công ty, nhất là những doanh nghiệp nhỏ và vừa, về những điều trên và họ đều đã đạt được những kết quả tốt, quá tốt sau khi áp dụng những nguyên lý ở trên.

Một số khác vẫn mơ tới những mô hình ở đâu đấy, vì họ vẫn cho rằng cứ phải nhập khẩu từ nước ngoài thì mới tốt. Thế là tôi đã mất mấy năm trời đi hàng trăm công ty để giải thích rõ về những thứ như KPI và OKR…, để rồi chính họ bắt đầu nhìn nhận hư, thực.

Chúng ta chẳng cần nhập ngoại, mà chỉ nên tập trung vào việc kề vai sát cánh với toàn nhân viên của chúng ta để cùng đồng hành và tiến bước.

Điều này tôi đã trải nghiệm một trăm lần như một rồi bạn đọc nhé. Bỏ quan liêu đi, hãy bình đẳng, hồn nhiên và thẳng thắn, bạn sẽ ngạc nhiên là công ty của bạn sẽ nở như hoa mùa xuân.

Hơn một năm nay, đại dịch Covid-19 xuất hiện và tàn phá nền kinh tế toàn cầu. Nhiều doanh nghiệp phát triển không bền vững đã rơi vào tình trạng rất khó khăn, kiệt quệ. Vinh quang thay những doanh nghiệp chỉ đơn thuần không giảm lương của nhân viên, mà cũng không chia tay với nhân viên thừa thãi.

Tuy nhiên, nếu nhìn thật kỹ thì thời kỳ này sẽ tạo thêm cơ hội cho những doanh nghiệp đang tự quản một cách bài bản. Đó là những doanh nghiệp luôn luôn theo sát thị trường, sẵn sàng mang giá trị tới khách hàng, không bán lỗ, không đi quá khả năng thực của mình.

Nhân sự mất động lực là một mối quan tâm thường trực của bất cứ doanh nghiệp nào, nhưng dịch bệnh lại đắp thêm một mối quan tâm mới, đó là sự mất tin tưởng vào tay lái. Chính ở đây mới là cơ hội.

Những doanh nghiệp nào quản trị đúng việc, đúng người với việc thật, công nghệ thật đều sẽ tìm ra những lý do để lạc quan vì mình có dịp kiểm tra sự vững chắc của mình, trong khi thị trường lạng bớt những công cuộc nghiệp dư vớ vẩn.

Với những chủ doanh nghiệp nhỏ, hãy bỏ tư duy xây dựng hình ảnh đại gia hão huyền, mà tập trung vào việc thật, lợi nhuận thật, khách hàng thật với những giá trị thật.

Giáo sư Phan Văn Trường

Với những chủ doanh nghiệp nhỏ, tôi sẽ chỉ khuyên là hãy bỏ tư duy xây dựng hình ảnh đại gia hão huyền, mà tập trung vào việc thật, lợi nhuận thật, khách hàng thật với những giá trị thật. Và nhất là tinh thần bình đẳng thật và chân thật với nhân viên.

Đối với ai đang có ý tưởng khởi nghiệp, tuy ý tưởng đó là chính đáng, cũng nên tìm cơ hội học hỏi thêm nơi những người đã khởi nghiệp thành công. Trong thời kỳ bình thường, việc khởi nghiệp đã khó và tiềm ẩn nhiều rủi ro, huống hồ là trong giai đoạn các hoạt động kinh tế, xã hội đang bị đảo lộn bởi dịch bệnh Covid-19 như hiện tại.

Đối với các doanh nghiệp lớn, tôi chỉ xin khuyên các bạn ấy giữ tay lái trên vài ý niệm cơ bản của quản trị: sở hữu công nghệ của mình, bỏ kim tự tháp quan liêu và đi dần vào quản trị theo chức năng, quản lý tiền mặt thật sát sao và nhất là… khi đến khi phải tìm người kế vị, hãy đừng ngần ngại chọn người xứng đáng xứng tầm ngoài gia đình, vì dĩ nhiên là tiêu chuẩn xuất sắc phải là ưu tiên. Thời kỳ sau Covid sẽ dành cho những doanh nghiệp Việt Nam đã can đảm lột xác, để cuối cùng chạy đua thực cùng thế giới.

Tóm lại, giấc mơ tạo nên một doanh nghiệp lớn phải bắt đầu bằng việc tạo giá trị thực cho khách hàng và cho chính nhân viên của mình. Công cuộc thực hoá đó gặp đúng thiên thần mà nó đang cần, con Covid tàn nhẫn đã xoá bỏ tất cả những gì mà xã hội không có đủ tinh tế hay can đảm để xoá bỏ. Âu cũng là một niềm an ủi, nhưng an ủi này khá đau thương.

Tết đến, tôi xin cầu nguyện cho sự phát triển bền vững của tất cả các doanh nghiệp to và nhỏ. Và tôi cũng tin vào sự khôn ngoan và khả năng đáp ứng của toàn thể nền kinh tế chúng ta. Hãy cứ lạc quan nhé!

Giáo sư Phan Văn Trường là chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đàm phán quốc tế, hiện là Cố vấn cao cấp của Chính phủ Pháp về thương mại quốc tế.

Ông từng đảm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng tại các tập đoàn hàng đầu thế giới trong các lĩnh vực xây dựng, điện lực, giao thông vận tải, lọc nước, đô thị và dầu khí như Alsthom Power, Alsthom Transport, Suez… với quy mô lên đến 25.000 người.

Sau khi nghỉ hưu, Giáo sư thường xuyên ở Việt Nam, tham gia giảng dạy tại nhiều trường đại học, trung tâm bồi dưỡng doanh nhân; tư vấn cho nhiều doanh nghiệp, doanh nhân về quản trị doanh nghiệp… với mong muốn đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước…

Ông là tác giả của bộ ba cuốn sách quản trị “Một đời thương thuyết”, “Một đời quản trị” và “Một đời như kẻ tìm đường”. Ba cuốn sách được tái bản nhiều lần. Cuốn “Một đời thương thuyết” đã đạt Giải Sách Hay 2016.

Tin bài liên quan