Nguồn thạo tin của Reuters cho hay, Tổng thống đắc cử Joe Biden của đảng Cộng hòa có thể sẽ hủy giấy phép của dự án đường ống dẫn dầu Keystone XL trị giá 9 tỷ USD - dự án mà khi ông còn là Phó tổng thống đã bị chính quyền Barack Obama bác bỏ trong nỗ lực đối phó với biến đổi khí hậu.
Trước đó, dự án đường ống dẫn dầu Keystone XL là một trong những cam kết quan trọng của ông Donald Trump trong chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ thứ 45.
Trong khi đó, ông Biden, người sẽ nhậm chức Tổng thống thứ 46 của Mỹ vào ngày 20/1 tới, từng thề sẽ hủy giấy phép mà Tổng thống Mỹ đã cấp đối với dự án Keystone XL nếu ông đắc cử tổng thống.
Dòng chữ "Hủy giấy phép dự án đường ống dẫn dầu Keystone XL" đã xuất hiện trong danh sách các hành động pháp lý mà Tổng thống Biden dự kiến thực hiện trong ngày đầu tiên nắm quyền "ông chủ" Nhà Trắng, hãng phát thanh truyền hình CBC của Canada đưa tin.
Đại sứ Canada tại Mỹ Kirsten Hillman cho biết bà sẽ tiếp tục thúc đẩy dự án vì cho rằng nó phù hợp với chiến lược môi trường của cả hai quốc gia. Đại sứ Hillman gần đây tuyên bố: "Không có đối tác nào tốt cho Mỹ trong việc ứng phó biến đổi khí hậu hơn Canada bởi chúng tôi cùng nhau hành động vì quá trình chuyển đổi xanh".
Được thiết kể để chuyển dầu mỏ từ tỉnh Alberta (Canada) về bang Nebraska (Mỹ), nhưng quá trình thực hiện dự án Keystone XL bị chậm lại do những vướng mắc pháp lý tại Mỹ. Trong nỗ lực tìm cách điều tra việc mở rộng các mỏ cát dầu ở Canada, các nhà bảo vệ môi trường đã lên tiếng phản đối dự án Keystone XL bằng cách chỉ trích việc xây dựng những đường ống mới để chuyển dầu thô đến các nhà máy lọc dầu.
Trong khi đó, Thủ hiến tỉnh Alberta, Jason Kenney cho biết trên Twitter rằng việc hủy bỏ dự án Keystone XL sẽ khiến việc làm bị hủy hoại, làm suy yếu quan hệ Mỹ - Canada, đồng thời phá hoại an ninh quốc gia của Mỹ khi khiến Mỹ phụ thuộc nhiều hơn vào nguồn dầu nhập khẩu từ OPEC.
TC Energy, đơn vị vận hành đường ống, cho biết doanh nghiệp này sẽ đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2023 khi dự án đi vào hoạt động. Công ty này cũng cam kết sẽ chỉ sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo vào năm 2030 trong một nỗ lực giành sự ủng hộ của ông Biden.
Việc xây dựng đường ống của dự án Keystone đang được tiến hành hiệu quả ở Canada, với đoạn kết nối qua biên giới đã được hoàn thành. Tại Mỹ, TC Energy đã bắt đầu xây dựng các trạm bơm ở các tiểu bang mà tuyến đường ống Keystone XL đi qua, nhưng các rào cản pháp lý tại đây khiến chi phí xây dựng dự án năm 2020 tại Mỹ trở nên rất tốn kém.
Năm 2015, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã "chặt đứt" dự án Keystone XL và cho rằng Canada sẽ thu được hầu hết các lợi ích kinh tế từ dự án trong khi dự án này sẽ làm tăng thêm lượng khí nhà kính.
Dưới thời Tổng thống Donald Trump, ngày 26/1/2017, dự án Keystone XL đã nộp đơn xin chính quyền Mỹ cấp phép lại đối với việc xây dựng các cơ sở vật chất của dự án ở khu vực biên giới. Sau đó, Tổng thống Donald Trump đã cấp phép dự án này vào năm 2017, đồng thời cho phép tiếp tục triển khai dự án. Tuy nhiên, nhiều nhóm hoạt động vì môi trường đã kiện chính phủ Mỹ vì động thái này.