Ngày 7/11, Báo Đầu tư tổ chức Tọa đàm “Thúc đẩy triển khai cơ chế Sandbox trong kinh tế chia sẻ tại Việt Nam”

Ngày 7/11, Báo Đầu tư tổ chức Tọa đàm “Thúc đẩy triển khai cơ chế Sandbox trong kinh tế chia sẻ tại Việt Nam”

(ĐTCK) Ngày 7/11/2019, Báo Đầu tư sẽ tổ chức Tọa đàm “Thúc đẩy triển khai cơ chế Sandbox trong kinh tế chia sẻ tại Việt Nam”.

Tại Việt Nam, trong vài năm trở lại đây, mô hình kinh tế chia sẻ bắt đầu được đề cập nhiều hơn, điển hình với sự góp mặt của các công ty cung ứng dịch vụ taxi công nghệ như Uber, Grab, hay hàng loạt start-up trong nước như: Ahamove.com, Jupviec.vn, Dobody… đã minh chứng cho những lợi ích mà mô hình này đem lại.

Ở tầm vĩ mô, kinh tế chia sẻ giúp đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến, hướng tới xây dựng đất nước theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hòa nhập với xu hướng phát triển Cách mạng công nghiệp 4.0. Đồng thời, góp phần đẩy mạnh kinh tế vùng địa phương và đóng góp vào tăng trưởng kinh tế đất nước...

Để hiện thực hóa mục tiêu này, Quyết định số 999/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ đã đưa ra yêu cầu cụ thể: Quản lý nhà nước cần đảm bảo cho các hoạt động kinh tế hợp pháp được phát triển trong đó có các hoạt động kinh tế chia sẻ; thay đổi tư duy và cách thức quản lý nhà nước cho phù hợp với xu thế phát triển của kinh tế số và cách mạng công nghiệp 4.0; đồng thời nâng cao nhận thức và năng lực của doanh nghiệp, địa phương và người dân về mô hình kinh tế chia sẻ.

Đồng thời, Chính phủ sẽ xây dựng các chính sách tạo chủ động phát triển kinh tế chia sẻ, ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn phù hợp: Khuyến khích đổi mới và phát triển công nghệ, ưu tiên nghiên cứu phát triển các nền tảng công nghệ, phát triển nguồn nhân lực, phát triển cơ sở hạ tầng cho phát triển kinh tế chia sẻ…

Xét trên khía cạnh vi mô, mô hình kinh tế chia sẻ được kỳ vọng mang lại nhiều cơ hội phát triển, giúp nhiều người tận dụng tốt hơn những thành tựu công nghệ thông tin để tối đa hoá lợi ích từ những nguồn lực có sẵn, thông qua việc chia sẻ.

Tuy nhiên, theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, hiện nay, kinh tế chia sẻ tại Việt Nam chưa thực sự phát triển và cũng sẽ đối mặt với không ít thách thức. Đặc biệt là rào cản từ hệ thống pháp luật. Hiện chưa có khuôn khổ pháp luật chặt chẽ để quản lý các mô hình hoạt động này.

Với mục đích giúp các nhà quản lý, các doanh nghiệp có góc nhìn toàn diện hơn về cơ chế Sandbox, Báo Đầu tư sẽ tổ chức chương trình Tọa đàm với chủ đề “Thúc đẩy triển khai cơ chế Sandbox trong kinh tế chia sẻ tại Việt Nam”, vào 8h30-12h00, ngày 7/11/2019, tại Trụ sở báo Đầu tư. 

Tại Tọa đàm, các chuyên gia sẽ cùng nhau phân tích về sự cần thiết tạo lập một cơ chế Sandbox tại Việt Nam, cách thức triển khai phù hợp nhất dựa trên những kinh nghiệm thành công của các nước trên thế giới. Đại diện các doanh nghiệp cũng sẽ đưa những góc nhìn từ thực tế hoạt động và kiến nghị các giải  pháp chính sách tới các cơ quan chính phủ.

Thông qua đó sẽ cung cấp các thông tin hữu ích giúp các cơ quan quản lý có thêm góc nhìn toàn diện về nền kinh tế chia sẻ, thấu hiểu hoạt động của doanh nghiệp, từ đó tạo lập và sửa đổi các khuôn khổ pháp lý một cách linh hoạt và hợp lý trước khi đưa ra các quy chế quản lý mới. Đồng thời, giúp nâng cao nhận thức của thị trường, lan tỏa thông điệp về những giá trị tích cực, lợi ích thiết thực mà các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ đã mang lại cho nền kinh tế Việt Nam và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

Các chuyên gia tham dự Tọa đàm
Ngày 7/11, Báo Đầu tư tổ chức Tọa đàm “Thúc đẩy triển khai cơ chế Sandbox trong kinh tế chia sẻ tại Việt Nam” ảnh 1
Tin bài liên quan