Ngành viễn thông, công nghệ cũng khó qua “ải” Covid-19

Ngành viễn thông, công nghệ cũng khó qua “ải” Covid-19

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Các công ty viễn thông, công nghệ cũng khó “ăn nên làm ra” mùa Covid-19, bởi theo Tập đoàn Dữ liệu Quốc tế (IDG), chi tiêu cho CNTT trên toàn thế giới dự kiến giảm 5,1% trong năm nay xuống còn 2,25 nghìn tỷ USD. Tuy nhiên, trong đại dịch, “làng” viễn thông vẫn có các ngoại lệ.

Theo IDG, tổng chi tiêu cho các thiết bị bao gồm PC và điện thoại sẽ giảm đáng kể trong năm nay (12,4%) và là lực cản chính trong tổng chi tiêu CNTT.

Chi tiêu viễn thông sẽ giảm gần 1%. Tuy nhiên, các nhà mạng sẽ tiếp tục đầu tư vào triển khai mạng 5G ở nhiều quốc gia, trong khi việc cách ly xã hội làm tăng nhu cầu đối với các dịch vụ băng rộng cố định trong thời gian ngắn, IDG cho biết.

Thị trường viễn thông toàn cầu hiện tại vẫn đang tăng trưởng nhẹ so với cùng kỳ 2019. Tuy nhiên, ngành viễn thông trong năm 2020 dự báo sẽ phải đối mặt với những thách thức do tác động từ Covid 19, dẫn tới không đạt mức tăng trưởng như kỳ vọng.

Ngành viễn thông, công nghệ cũng khó qua “ải” Covid-19 ảnh 1

Theo thống kê của Global Data, thị trường viễn thông Trung Quốc đã sụt giảm 15 triệu thuê bao chỉ tính riêng trong Q1/2020, đây là mức giảm lớn nhất kể từ năm 2000. China Mobile ghi nhận 8 triệu thuê bao rời mạng, trong khi China Telecom và China Unicom sụt giảm lần lượt 5,6 triệu thuê bao và 1,2 triệu thuê bao. China Mobile ghi nhận mức sụt giảm 2% tổng doanh thu, lợi nhuận ròng Q1/2020 giảm 0,8% so với cùng kỳ năm trước.

Ngành viễn thông, công nghệ cũng khó qua “ải” Covid-19 ảnh 2

AT&T báo cáo đã không đạt mục tiêu doanh thu và thu nhập trong quý 1/2020, với mức giảm lên tới 4,6%. Đại dịch Covid-19 đã làm AT&T giảm tới 433 triệu USD thu nhập (doanh thu giảm 600 triệu USD).

Đối thủ của AT&T - Verizon Communications cho biết trong báo cáo kết quả quý 1 rằng lợi nhuận của khách hàng doanh nghiệp không đủ để bù đắp cho sự suy giảm từ phía người tiêu dùng. Trong 3 tháng đầu năm, Verizon đã mất 68.000 thuê bao điện thoại trả sau, con số này tăng 54% so với cùng kỳ năm 2019.

BT cũng tuyên bố thiệt hại 7% doanh thu và 11% lợi nhuận sau thuế vì Covid-19 trong báo cáo tài chính mới nhất. Doanh thu trung bình của Airtel và Vodafone trên mỗi người dùng cũng dự kiến sẽ giảm.

Với Orange, nhà mạng này chỉ tăng doanh thu 0,3% so với 6 tháng đầu năm 2019; còn Telefonica thậm chí còn giảm 10% doanh thu, lợi nhuận giảm tới 53%.

Giá cổ phiếu của các nhà mạng đa số đều ghi nhận sự sụt giảm trong Q1/2020, đặc biệt tại các quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19.

Như vậy, những cái tên lớn nhất của ngành viễn thông (đều nằm trong top 30 của danh sách 150 nhà mạng có giá trị lớn nhất thế giới 2020 (Telecoms 150) do Brand Finance xếp hạng) phần lớn đều chịu thiệt hại trong thời điểm này.

Tuy nhiên, nếu nhìn một cách tích cực, cuộc khủng hoảng từ Covid-19 sẽ trở thành sự thúc đẩy của các loại hình dịch vụ kinh doanh trực tuyến và mở ra cơ hội cho các công ty viễn thông và CNTT nếu họ thay đổi cách làm việc, nắm lấy các cơ hội hợp tác mới với chính phủ cũng như các dịch vụ cho người dùng.

Có một vài điểm sáng trong số những thương hiệu nằm trong Top 30 toàn cầu mà Việt Nam có một cái tên: Viettel.

Trong 6 tháng đầu năm, hoạt động kinh doanh tại Việt Nam của tập đoàn này vẫn tăng trưởng tốt và Viettel có những đóng góp đáng kể về mặt công nghệ cho chống dịch Covid-19. Bên cạnh đó, kết quả kinh doanh quốc tế tại 10 quốc gia trên thế giới của Viettel rất ấn tượng so với Top 30.

Trong 6 tháng, 10 thị trường quốc tế của Viettel có số thuê bao thực tăng thêm là 1,65 triệu; doanh thu hợp nhất của Viettel Global (đơn vị phụ trách đầu tư ra nước ngoài của Tập đoàn Viettel) vẫn tăng gần 10%. Đặc biệt, doanh thu từ 3 công ty liên doanh ở thị trường Myanmar (Mytel), Lào (Unitel), Campuchia (Metfone) tăng tới 76% trong 6 tháng đầu năm.

Bên cạnh Viettel, Jio (Ấn Độ) cũng đã tăng gần gấp ba lần lợi nhuận ròng của mình trong quý 2/2020 - quý có lợi nhuận thứ 11 liên tiếp. Jio đã vượt qua đối thủ của mình là Airtel trong tăng trưởng quý 2.

Tin bài liên quan