Ngành thực phẩm - đồ uống: Thách thức từ doanh nghiệp ngoại

(ĐTCK) Ngành thực phẩm - đồ uống được nhận định sẽ tăng trưởng cao trong năm 2015 do người tiêu dùng tăng chi tiêu, tuy nhiên, sức ép cạnh tranh đang gia tăng. Trong ngành này, mặt hàng sữa dự báo có chi phí bán hàng tăng, còn mặt hàng bia vẫn có nhiều cơ hội phát triển.
Ảnh Internet

Ảnh Internet

Người tiêu dùng tăng chi tiêu

Sau hơn hai năm, chỉ số niềm tin tiêu dùng theo báo cáo của Nielsen Việt Nam vượt ngưỡng 100 điểm trong quý III và IV/2014. Kết quả này cho thấy, động thái thắt chặt chi tiêu của người tiêu dùng đã giảm đáng kể; thay vào đó, họ trở nên lạc quan hơn với sự cải thiện của nền kinh tế. Tín hiệu tích cực trong thói quen tiêu dùng có thể giúp ngành thực phẩm - đồ uống tăng trưởng trong năm 2015.

Mặt khác, sự chuyển dịch cơ cấu dân số và sự lớn mạnh của tầng lớp trung lưu sẽ mang lại nhiều cơ hội cho ngành thực phẩm. Tỷ lệ tiêu thụ thực phẩm giai đoạn 2012 - 2014 duy trì trên hai con số (trung bình 14%/năm) và theo dự báo của BMI, tỷ lệ này sẽ tăng cao trong giai đoạn 2015 - 2018.

Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng tận dụng được cơ hội tăng trưởng này của thị trường, do sức ép cạnh tranh đang ngày càng tăng. Sức ép cạnh tranh bắt đầu phản ánh từ năm 2014 khi hàng loạt doanh nghiệp tăng chi phí marketing cũng như đẩy mạnh các hoạt động M&A. Rồng Việt Research dự báo, động thái này tiếp tục diễn ra trong năm nay, thậm chí tăng tốc đáng kể khi Việt Nam đang có những bước hội nhập kinh tế sâu rộng hơn.

Với thói quen tiêu dùng chịu ảnh hưởng lớn bởi giá bán, cạnh tranh về giá có thể là xu thế ngắn hạn. Nhưng theo nghiên cứu của Nielsen, người tiêu dùng Việt Nam hiện có khuynh hướng quan tâm nhiều hơn đến chất lượng sản phẩm, đặc biệt là vấn đề sức khỏe.

Do vậy, nghiên cứu dòng sản phẩm mới với đặc tính nâng cao sức khỏe là chiến lược được nhiều doanh nghiệp nội địa áp dụng. Không chỉ vậy, các doanh nghiệp còn đẩy mạnh sự hiện diện thương hiệu thông qua gia tăng các chiến dịch quảng cáo. Rồng Việt Research cho rằng, những doanh nghiệp nội địa nào có khả năng thích ứng và chuẩn bị chiến lược phù hợp sẽ có lợi thế lớn nhất trong môi trường cạnh tranh của năm 2015.

Ngành sữa - chi phí bán hàng có thể tăng

Độ tập trung trong ngành sữa khá lớn khi chỉ riêng Vinamilk đã chiếm hơn 50% thị phần. Tuy vậy, vị trí đầu ngành này đang bị ảnh hưởng bởi sự cạnh tranh ngày càng lớn dần từ các “công ty sữa nhỏ đang lên”, với sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài có tiềm lực tài chính dồi dào. Các thương vụ M&A xuất hiện trong năm vừa qua là kết quả của quá trình đào thải hoặc biến đổi trong quá trình cạnh tranh. Độ tập trung trong ngành dự kiến nằm trong tay các doanh nghiệp lớn có chiến lược quảng bá hiệu quả và tiềm lực tài chính mạnh, đủ để duy trì hệ thống phân phối bán hàng rộng.

Về hiệu quả kinh doanh, ngành sữa trong năm 2015 có thể tiếp tục hưởng lợi từ đà giảm giá của các yếu tố đầu vào. Biên lợi nhuận gộp của các công ty sữa có cơ hội cải thiện nếu như đà giảm giá nguyên liệu vẫn tiếp diễn đúng như dự báo của các tổ chức nghiên cứu. Tuy nhiên, Rồng Việt Research cho rằng, có khả năng cao là trần giá sữa sẽ được điều chỉnh trong vòng 6 tháng tới, cùng với sức ép cạnh tranh, chi phí bán hàng của nhiều doanh nghiệp sữa có thể gia tăng. Điều này ảnh hưởng phần nào đến lợi nhuận của các doanh nghiệp sữa nội địa trong năm 2015.

Ngành bia còn nhiều tiềm năng

Với ngành bia, Rồng Việt Research nhận định, ngành bia Việt Nam vẫn còn nhiều tiềm năng tăng trưởng trong năm 2015.

Thứ nhất, nền kinh tế dần phục hồi, tạo động lực cho sự gia tăng nhu cầu sản phẩm của ngành này. Năm 2014, tốc độ tăng trưởng của ngành bia được cải thiện, tăng 8,1%, trong khi năm 2013 tăng xấp xỉ 7%. Theo Hiệp hội Bia Rượu Nước giải khát Việt Nam, tốc độ tăng trưởng của ngành bia từ 6 - 8% trong 10 năm tiếp theo.

Thứ hai, tiêu thụ bia bình quân tại Việt Nam xếp thứ 5 trong khu vực châu Á, ở mức 30 - 32 lít/năm, sau Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Lào và Thái Lan. Trên thế giới, tỷ lệ tiêu thụ bia bình quân ở mức khá cao như Cộng hòa Czech 149 lít/năm, Đức 106 lít/năm, Hòa Kỳ 77 lít/năm. Với thói quen tiêu dùng cộng với sự chuyển biến trong thu nhập bình quân đầu người, Rồng Việt Research cho rằng, mức tiêu thụ bia bình quân tại Việt Nam có khả năng tăng trưởng tốt trong tương lai.

Ngành thực phẩm - đồ uống: Thách thức từ doanh nghiệp ngoại ảnh 3

Thứ ba, giá bia tại Việt Nam đang ở mức thấp so với các nước trên thế giới. Theo thống kê của Numbeo.com, giá bia bình quân tại Việt Nam vào khoảng 0,59 USD/chai, xếp thứ hai sau Ukraine trong bảng xếp hạng những nước có giá bia rẻ nhất.

Thứ tư, các doanh nghiệp nước ngoài đang tăng vốn rót vào thị trường bia Việt Nam. Chẳng hạn, AB InBev với thương hiệu bia Budweiser công bố sẽ xây dựng nhà máy bia tại Bình Dương. Sapporo dự kiến xây dựng nhà máy bia tại Long An, nâng công suất từ 40 triệu lít/năm lên 100 triệu lít/năm. Hai tập đoàn ThaiBev và Singha của Thái Lan có ý định mua 40% cổ phần của CTCP Bia Rượu Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco)…

Ngành thực phẩm - đồ uống: Thách thức từ doanh nghiệp ngoại ảnh 4

Hiện tại, thị trường bia Việt Nam tập trung vào Tổng CTCP Bia Rượu Nước giải khát Hà Nội (Habeco, chiếm 19% thị phần) và Sabeco (34% thị phần). Mặc dù có khá nhiều nhãn hiệu nước ngoài như Carlsberg, SAB Miller, Diageo…, nhưng Habeco và Sabeco lần lượt nắm giữ phần lớn thị phần tại khu vực miền Bắc và miền Nam. Tuy nhiên, Rồng Việt Research dự báo, với sự chuyển dịch cơ cấu dân số và gia tăng của thu nhập bình quân đầu người, các nhãn hiệu bia nước ngoài sẽ ngày càng được ưa chuộng.

Mặt khác, chúng tôi cho rằng, ngành bia có thể chứng kiến nhiều sự dịch chuyển, đặc biệt khi tốc độ đầu tư của các doanh nghiệp nước ngoài nhiều khả năng sẽ gia tăng trong năm nay.

Nếu kế hoạch mua cổ phần Sabeco của hai tập đoàn của Thái Lan nêu trên thành công, thì sự chi phối của các doanh nghiệp nước ngoài trong ngành bia Việt Nam sẽ có sự thay đổi đáng kể. Khi đó, cạnh tranh trong ngành sẽ gia tăng mạnh mẽ. Vì thế, các doanh nghiệp nội địa trong ngành bia, cũng như các doanh nghiệp nội địa khác trong ngành thực phẩm - đồ uống cần năng động hơn để thích nghi trong điều kiện mới này.

Chọn lọc doanh nghiệp

Với sự gia tăng cạnh tranh trong năm 2015, đặc biệt từ việc đầu tư mạnh của các doanh nghiệp nước ngoài, một số doanh nghiệp nội địa có thể sẽ mất vị thế hàng đầu.

Trong xu thế mới, Rồng Việt Research đánh giá cao các doanh nghiệp có sự chuẩn bị để thích ứng linh hoạt thông qua các chiến lược ngắn và dài hạn như gia tăng tính tự chủ của dây chuyền sản xuất, nghiên cứu các dòng sản phẩm mới, đẩy mạnh quảng bá thương hiệu, hoặc có sự thay đổi trong cơ cấu quản lý theo hướng tích cực hơn.

Tin bài liên quan