Ngành thép: khó chung, tự tin riêng

Ngành thép: khó chung, tự tin riêng

(ĐTCK)Trong bối cảnh ngành thép trong nước đang gặp nhiều khó khăn, một số DN niêm yết trong ngành vẫn giữ lợi nhuận ổn định và tiếp tục mở rộng sản xuất - kinh doanh.

Sản xuất trong nước dư thừa so với nhu cầu sử dụng nên năm nay được đánh giá là năm cạnh tranh khốc liệt của các DN ngành thép. Kế hoạch tăng trưởng sản xuất toàn ngành năm 2012 chỉ còn 4%, bằng một phần tư so với mức tăng trưởng bình quân trong giai đoạn 2005 – 2010. Tuy nhiên, trong bối cảnh khó khăn chung của ngành, vẫn có những tín hiệu khả quan của các DN niêm yết.

Tập đoàn Hòa Phát đã có quyết định quan trọng trong ngày đầu tiên của năm mới là sẽ tiếp tục đầu tư giai đoạn 2 dự án Khu liên hiệp gang thép ở Hải Dương sau một năm đình hoãn tiến độ do lo ngại sự biến động của kinh tế và thị trường trong nước. Đây là một quyết định khá bất ngờ của Hòa Phát, vì cuối năm ngoái, tập đoàn này vẫn cho biết, đang chờ tín hiệu thị trường ấm lên, tăng trưởng kinh tế lạc quan hơn mới quyết định khởi động lại giai đoạn 2 của dự án. Trong khi đó, thị trường thép cho đến thời điểm này vẫn chưa cho thấy dấu hiệu lạc quan hơn so với năm trước.

Ông Trần Tuấn Dương, Tổng giám đốc Hòa Phát cho biết: “Chúng tôi quyết định khởi động giai đoạn 2 dự án Khu liên hiệp gang thép Hòa Phát vì đây là dự án cốt lõi của Hòa Phát trong chiến lược phát triển sản xuất công nghiệp, trong đó, sản xuất thép là cốt lõi. Đặc biệt, sản phẩm thép của Khu liên hiệp giai đoạn 1 có giá rẻ hơn 5 - 7% so với sản xuất công nghệ lò điện nên thép Hòa Phát có khả năng cạnh tranh trên thị trường”. Được biết, năm 2011, sản lượng thép tiêu thụ của Hòa Phát đạt tốc độ tăng trưởng 11% so với năm 2010.

Ngành thép: khó chung, tự tin riêng ảnh 1

Hiện nay, cung thép đã vượt xa cầu tại thị trường trong nước - Ảnh: Lê Toàn

Đồng thời với việc phát triển ngành kinh doanh cốt lõi là thép, có tín hiệu cho thấy Hòa Phát sẽ mở rộng đầu tư sang Lào ở lĩnh vực nông nghiệp. Trên trang web của Hòa Phát trong ngày làm việc đầu năm đã đăng thông báo tuyển dụng biên dịch viên tiếng Lào, “ưu tiên người có kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp”. Hòa Phát cũng là thành viên của Hiệp hội DN Việt Lào, mới được thành lập năm ngoái.

Theo nhận định của Hiệp hội Thép Việt Nam, hiện nay, cung thép đã vượt xa cầu thị trường trong nước nên các DN phải hướng đến thị trường xuất khẩu.

Trong tháng  Tết, Tập đoàn Hoa Sen (HSG) đã duy trì sản xuất liên tục, không nghỉ để đáp ứng đơn hàng cho hợp đồng xuất khẩu đã ký trước đó. Đại diện của tập đoàn này cho biết, theo thông lệ hàng năm, các tháng Tết, nhu cầu tiêu thụ của thị trường trong nước giảm mạnh nên HSG đã chủ động ký trước hợp đồng xuất khẩu để sản xuất trong tháng Tết không bị sụt giảm.

Tuy nhiên, sản phẩm xuất khẩu là tôn cuộn có tỷ suất lợi nhuận thấp hơn tôn màu bán trong nước, lợi nhuận của tháng này sẽ không bằng các tháng trước đó. Nhưng từ tháng 2, HSG sẽ tập trung vào thị trường nội địa. Theo báo cáo thường niên vừa công bố, niên độ 2011 - 2012, HSG tăng trưởng cả về doanh thu và lợi nhuận so với niên độ trước, riêng lợi nhuận sau thuế đạt 240 tỷ đồng, tăng 150% so với niên độ 2010 - 2011. Trong các tháng đầu niên độ, HSG đã đạt chỉ tiêu này, tính bình quân theo tháng.

Là DN sản xuất kinh doanh ngành hàng tôn thép, CTCP Đại Thiện Lộc (DTL) cũng cho biết, đầu năm, do tiêu thụ trong nước rất chậm, Công ty chủ yếu sản xuất hàng xuất khẩu. Tín hiệu đáng lạc quan là giá thép thế giới đã tăng trở lại sau khi các nhà cung cấp cắt giảm sản lượng. Giá thép cán nóng đã tăng lên 700 USD/tấn từ mức 650 USD/tấn từ trước Tết. DTL đang xây dựng kế hoạch sản xuất - kinh doanh năm 2012, với doanh thu dự kiến sẽ tăng trưởng và phấn đấu lợi nhuận không giảm so với năm trước trong tình hình khó khăn hiện nay.

Trong ngày đầu tiên của năm mới, CTCP Đầu tư thương mại SMC (SMC) đã ký hợp đồng tiêu thụ gần 2.000 tấn thép. Ông Nguyễn Ngọc Anh, Tổng giám đốc SMC đánh giá. Dù trong tháng Tết, sản lượng tiêu thụ thép của SMC chỉ bằng 40% so với tháng khác nhưng ông Anh kỳ vọng, sau Rằm tháng Giêng, tình hình tiêu thụ sẽ ổn định trở lại do bước vào mùa xây dựng.

Trên thị trường, cổ phiếu của DN thép niêm yết đang được định giá ở mức thấp. Đáng lưu ý là một số DN trong ngành hiện không còn lãi khủng do không đầu cơ nguyên liệu đầu vào như trước kia, nhưng lợi nhuận lại ổn định vì dựa vào sản xuất. Đặc biệt, hầu hết các DN thép niêm yết đều không bị thua lỗ và với sự thận trọng mà phóng viên ĐTCK ghi nhận ở hầu hết các DN, cùng với chiến lược sản xuất - kinh doanh riêng thì nguy cơ các DN thép niêm yết nói trên bị thua lỗ là rất thấp, cho dù nền kinh tế có xảy ra nhưng biến động lớn.