Ngành ngân hàng, những bài học lớn về đổi mới còn nguyên giá trị

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Nếu thuộc về cảm xúc, mỗi kỷ niệm đều mang nặng những dấu ấn không thể nào quên của mỗi cá nhân, mỗi tập thể và mỗi ngành lĩnh vực, mỗi khi ngày thành lập, ngày kỷ niệm đến gần.

Ngành ngân hàng tự hào cùng góp phần làm nên lịch sử thắng lợi vẻ vang trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và xây dựng đất nước phát triển như ngày hôm nay.

Trong mỗi giai đoạn của lịch sử đều mang dấu ấn đậm nét về vai trò, nhiệm vụ của ngành ngân hàng, đó là dấu ấn về sự sáng tạo, đổi mới.

Chỉ có sáng tạo mới có nguồn vốn, nguồn ngoại tệ cho nhiệm vụ kinh tài thời kỳ kháng chiến; chỉ có sáng tạo, mới giúp ngành ngân hàng phát triển và góp phần quan trọng cho sự nghiệp đổi mới và phát triển kinh tế xã hội đất nước suốt 30 năm qua mà lịch sử đã ghi nhận.

Ông Nguyễn Đức Lệnh, NHNN Việt Nam - TP.HCM

Ông Nguyễn Đức Lệnh, NHNN Việt Nam - TP.HCM

30 năm đổi mới, với những dấu ấn không thể nào quên về sự đa dạng trong phát triển các loại hình tổ chức tín dụng, về sự sáng tạo, linh hoạt trong điều hành chính sách tiền tệ và sự đột phá trong hoạt động thanh toán mà mỗi chúng không thể hình dung được khi mỗi lệnh chuyển tiền được hoàn tất tính bằng giây và càng không thể hình dung được khi khách hàng ngồi tại nhà để giao dịch với ngân hàng. Điều không thể trở thành có thể nhờ công nghệ hiện đại, song cũng chính là bước đột phá trong phát triển của ngành ngân hàng và mang đậm dấu ấn của đổi mới.

Chính đổi mới đã thúc đẩy ngành ngân hàng phát triển, thúc đẩy thị trường tài chính phát triển, với việc hình thành hệ thống ngân hàng hai cấp, tách bạch quản lý và hoạt động kinh doanh, gắn với định hướng phát triển nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa, đã thúc đẩy và phát triển các loại hình tổ chức tín dụng đa thành phần: nhà nước, cổ phần, liên doanh, nước ngoài và loại hình tín dụng hợp tác xã phát triển đa dạng, phong phú khai thác tốt động lực cho tăng trưởng và phát triển.

Mọi nguồn lực được sử dụng hiệu quả và đặc biệt quan trọng, sự đổi mới này giúp cho việc thực hiện và điều hành chính sách tiền tệ tín dụng, tỷ giá và lãi suất có sự thay đổi hẳn, tạo ra sự khác biệt và hiệu quả trong việc thực hiện, đạt được mục tiêu của chính sách tiền tệ: ổn định tiền tệ, kìm giữ lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Mục tiêu này đạt được trong mỗi giai đoạn phát triển có những lúc khó khăn và chông gai, với những tác động ảnh hưởng nghiêm trọng của khủng hoảng kinh tế toàn cầu, của đại dịch, của những nội tại hạn chế từ nền kinh tế.

Song bằng sự không ngừng đổi mới và sáng tạo, sự điều hành linh hoạt chính sách tiền tệ tín dụng, tỷ giá và lãi suất, đã góp phần quan trọng cho sự ổn định ngày càng bền vững kinh tế vĩ mô và thực hiện tốt nhiệm vụ hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Đây là dấu ấn nổi bật, để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý báu trong công tác quản lý, điều hành chính sách tiền tệ của NHTW, với kết quả ấn tượng về quản lý thị trường vàng, thị trường ngoại hối…, trong đó đã không ít lần sự biến động của giá vàng, của đồng Dollar gây khó cho thị trường tiền tệ và hoạt động ngân hàng bởi yếu tố đầu cơ, găm giữ ngoại tệ và kinh doanh vàng thiếu minh bạch.

Nhìn lại chặng đường vẻ vang trong quá trình hình thành và phát triển của ngành ngân hàng, lịch sử ghi nhận sự đổi mới và phát triển đột phá trong hoạt động thanh toán, với sự phát triển của hệ thống thanh toán quốc gia - thanh toán điện tử liên ngân hàng.

Đây là sự đầu tư đúng hướng, sự đổi mới và nhận thức mang tầm chiến lược của NHTW. Chính hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng - mới là cơ sở, nền tảng cho sự đổi mới và phát triển các dịch vụ ngân hàng hiện đại của các tổ chức tín dụng. Nhờ đó, người dân, doanh nghiệp có thể thực hiện các lệnh thanh toán, chuyển tiền ở mọi lúc, mọi nơi không kể thời gian và không gian; ngày nay khách hàng có thể ngồi tại nhà để giao dịch thanh toán và thực hiện các dịch vụ có liên quan.

Đây cũng là ước mơ nếu chúng ta nhìn về khoảng thời gian 30 năm trước đây, với một lệnh chi trả tiền của một doanh nghiệp yêu cầu ngân hàng thực hiện cho một doanh nghiệp khác địa phương, khác ngân hàng và khác hệ thống ngân hàng.

Nói như vậy để thấy sự phát triển tự hào của ngành ngân hàng sau 30 năm đổi mới và 70 năm ngày thành lập và phát triển. Niềm tự tạo đó cần phải được khơi dậy, phải được chuyển hóa trở thành động lực, nguồn lực cho sự phát triển trong giai đoạn tới nhằm thực hiện hiệu quả chiến lược phát triển ngành ngân hàng giai đoạn 2021-2025 và tầm nhìn đến năm 2030, với những kỳ vọng về sự phát triển ngân hàng số, kỳ vọng về vị trí của thị trường tài chính tiền tệ của Việt Nam trong khu vực và quốc tế, về những thương hiệu ngân hàng uy tín trên Thế giới, mang đậm bản sắc Việt Nam với tính thần của khát vọng phát triển.

Tin bài liên quan