Nợ xấu
Tại buổi họp báo triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng năm 2022 vừa diễn ra, Phó thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú chia sẻ: “Hơn 10 năm trước, hậu quả của nền kinh tế phát triển nóng, bong bóng bất động sản… khiến nợ xấu toàn hệ thống ngân hàng tăng lên 12% và toàn ngành phải phấn đấu nhiều năm sau đó với sự quyết liệt của cả hệ thống chính trị (ví dụ như sự ra đời của Nghị quyết 42/2017/QH14) mới gần đạt được mục tiêu xử lý các khoản nợ xấu trước đây, thì đại dịch Covid-19 xảy đến”.
Cũng theo ông Tú, sự quyết liệt của NHNN cùng với các tổ chức tín dụng (TCTD) vào cuộc triển khai Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020” về cơ bản đã hoàn thành mục tiêu đặt ra, nhưng còn một vài chỉ tiêu chưa đạt được do yếu tố khách quan dịch bệnh, trong đó có nợ xấu.
“Mục tiêu NHNN đặt ra trong quá trình tái cơ cấu muốn duy trì tỷ lệ nợ xấu thấp dưới 3% có kiểm soát để đảm bảo an toàn tài chính cho các TCTD, tạo điều kiện để các ngân hàng phát triển quy mô, lành mạnh hóa quan hệ tín dụng, đảm bảo chất lượng tín dụng khi nợ xấu được kiểm soát ở mức hợp lý”, ông Tú nói.
Số liệu của NHNN cho biết, trước diễn biến của đại dịch, tỷ lệ nợ xấu nội bảng là 1,9% (cuối năm 2020 ở mức 1,69% - tăng 0,21%); tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ bán cho VAMC chưa xử lý và các khoản nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu là 3,79%. Đáng chú ý, nếu tính cả các khoản nợ đến hạn mà chưa trả được cơ cấu theo các Thông tư 01, 03, 14 cũng như nguy cơ chuyển thành nợ xấu thì tỷ lệ này có thể tăng lên 7,31%, thậm chí còn có xu hướng tăng cao hơn khi dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp. Rõ ràng, đây là con số không mong muốn nhưng không thể tránh khỏi do tác động của dịch bệnh khiến nhiều doanh nghiệp không trả được nợ, tất yếu dẫn đến nợ xấu tăng lên, song điều quan trọng là hệ thống ngân hàng đã nhận diện được vấn đề.
“Nợ xấu tăng lên là nợ xấu của nền kinh tế và tất cả cùng gánh vác, giải quyết. Chúng tôi cũng xác định nợ xấu là thử thách phải đối mặt, là nhiệm vụ lớn ngành ngân hàng phải quán xuyến, giải quyết”, ông Tú nhấn mạnh.
Được biết, Chính phủ đã có chỉ đạo và ngành ngân hàng cũng có những giải pháp, trong đó trước hết phải đảm bảo được an toàn tài chính cho các TCTD trước câu chuyện nợ xấu tăng. Ông Tú cho biết, NHNN đã và đang xác định quy mô, mức độ nợ xấu có thể diễn ra trong năm 2022 cũng như những năm tới để có giải pháp ứng xử thích hợp trên cơ sở vừa ngăn chặn, vừa kiểm soát không để nợ xấu tăng thêm.
“Tất nhiên, đi cùng với đó cũng phải có những biện pháp cụ thể, cả về hành lang pháp lý lẫn thẩm quyền xử lý, thậm chí sẽ trình Chính phủ và Quốc hội nâng Nghị quyết 42/2017/QH14 trở thành Luật Xử lý nợ xấu. Đây là giải pháp tích cực để vừa ngăn ngừa, vừa xử lý nợ xấu có thể phát sinh trong thời gian tới”, ông Tú nói.
TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế nhận định: “Thực tế triển khai thí điểm cho thấy, Nghị quyết 42 đã đem lại những hiệu quả tích cực, góp phần giải quyết lượng nợ xấu rất lớn. Tuy nhiên, trong bối cảnh nền kinh tế còn chịu nhiều tác động tiêu cực, nợ xấu phát sinh do nguyên nhân khách quan, rất cần một đạo luật có hiệu lực pháp lý cao hơn, mạnh hơn Nghị quyết 42 để tạo điều kiện cho ngành ngân hàng cũng như các cơ quan chức năng có liên quan trong vấn đề xử lý nợ xấu được dễ dàng, thuận lợi hơn trong thời gian tới”.
Tín dụng lĩnh vực rủi ro
Với khoảng 118 lượt tăng lãi suất và chỉ 16 lượt giảm lãi suất trên phạm vi toàn cầu và gần đây nhất, một trong các ngân hàng trung ương nhóm G7 là Ngân hàng Trung ương Anh đã tăng lãi suất, đây là diễn biến khá bất ngờ, ảnh hưởng đáng kể tới các quốc gia có nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam.
Bên cạnh đó, việc giá hàng hóa neo ở mức cao và xu hướng lạm phát tăng nhanh, hay áp lực lạm phát lớn trên toàn cầu và hiện hữu trong bối cảnh kinh tế Việt Nam có độ mở lớn khi xuất nhập khẩu chiếm gần 200% GDP, nên áp lực lạm phát nhập khẩu là rất cao. Vì thế, để duy trì mặt bằng lãi suất ổn định trong năm 2022 là một thách thức rất lớn đối với hệ thống ngân hàng.
Dẫu vậy, theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, tác động của đại dịch Covid là rất lớn, nên câu chuyện giảm lãi suất cho vay của doanh nghiệp là mong muốn chính đáng. Phó Thống đốc Đào Minh Tú cũng khẳng định lại mục tiêu xuyên suốt của NHNN trong năm 2022 là sẽ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ theo hướng linh hoạt, tạo điều kiện tối đa cho việc hỗ trợ doanh nghiệp và thanh khoản cho nền kinh tế.
“Trong điều hành chính sách tiền tệ cũng như hoạt động ngân hàng, NHNN cũng sẽ bám sát các chương trình phục hồi và phát triển kinh tế của Chính phủ, trên cơ sở đó tiếp tục đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo giá trị đồng tiền, đảm bảo tỷ giá chủ động, linh hoạt, cũng như quản lý tốt thị trường ngoại tệ và thị trường vàng. Ổn định lãi suất và chỉ đạo các TCTD tiếp tục tiết giảm chi phí để giảm lãi suất cho vay hỗ trợ nền kinh tế”, ông Tú nói.
Trong diễn biến có liên quan, ông Tú nhấn mạnh, điều hành tín dụng sẽ tiếp tục tập trung vốn cho doanh nghiệp, đặc biệt hỗ trợ doanh nghiệp chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch, cùng với đó là hướng dòng vốn tín dụng vào 5 lĩnh vực ưu tiên theo chỉ đạo của Chính phủ. Đồng thời, tạo điều kiện khai thác tối đa những nguồn lực trong nền kinh tế thông qua các TCTD để góp phần thực hiện được những chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình tín dụng ưu đãi hiện nay.
Số liệu của NHNN cho biết, tín dụng cả 5 lĩnh vực ưu tiên trong năm 2021 đều có mức tăng trưởng cao hơn so với mức tăng trưởng của năm 2020, cụ thể: Tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn tăng 12,29% và ước cuối năm 2021 tăng khoảng 13,5% so với cuối năm 2020; tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tăng 9,04% và ước cuối năm 2021 tăng khoảng 11,98%; tín dụng lĩnh vực xuất khẩu tăng 11,3% và ước cuối năm 2021 tăng khoảng 13,32%; tín dụng lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ tăng khoảng 19,26% và ước cuối năm 2021 tăng khoảng 21,52%; tín dụng đối với doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao tăng 18,74% và ước cuối năm 2021 tăng khoảng 19,2%.
Vấn đề được thị trường rất quan tâm đó là dòng tiền vào bất động sẽ như thế nào trong năm 2022? Phó Thống đốc thông tin, với tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, NHNN tiếp tục theo chủ trương tạo điều kiện thuận lợi cho những lĩnh vực ưu tiên, cần thiết, đặc biệt cung ứng dòng vốn để nhanh chóng khôi phục nền kinh tế và khắc phục khó khăn cho hệ thống. Bên cạnh đó, NHNN tiếp tục kiểm soát chặt chẽ dòng tiền đưa vào lĩnh vực có độ rủi ro cao như bất động sản, chứng khoán, trái phiếu.. của những doanh nghiệp không đảm bảo độ an toàn.
“Tất nhiên, tín dụng liên quan đến nhà ở cho xã hội, nhu cầu mua bán nhà ở thực tế của người dân… vẫn được quán xuyến, tiếp tục tăng cường nguồn vốn, còn lại những phân khúc có thể dẫn đến đầu cơ, thổi giá, gây hiện tượng “bong bóng” sẽ phải được kiểm soát chặt chẽ hơn”, ông Tú nhấn mạnh.
TS. Hiếu nêu quan điểm: “Các lĩnh vực trên đều là trụ đỡ và là động lực tăng trưởng của nền kinh tế. Do đó, NHNN sẽ tiếp tục định hướng và có giải pháp để hướng dòng vốn tín dụng vào các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ là điều dễ hiểu”.
“Để đáp ứng các nhu cầu của nền kinh tế, NHNN đang đặt ra mục tiêu tăng trưởng tín dụng trong năm 2022 khoảng 14%, nhưng cũng có thể cao hơn hoặc thấp hơn tùy theo tín hiệu và nhu cầu vốn của nền kinh tế, đặc biệt là theo yêu cầu kiểm soát lạm phát trong năm 2022”, ông Tú nói.