Khối lượng nợ xấu VAMC mua lại từ các NHTM đến thời điểm hiện tại đạt trên 50.000 tỷ đồng

Khối lượng nợ xấu VAMC mua lại từ các NHTM đến thời điểm hiện tại đạt trên 50.000 tỷ đồng

Ngành ngân hàng hiện vẫn còn khoảng 161.000 tỷ đồng nợ xấu cần xử lý

(ĐTCK) Với nỗ lực làm sạch bảng cân đối kế toán và kiểm soát nợ xấu ở mức an toàn, các NHTM ra sức xử lý nợ xấu bằng cách trích lập dự phòng rủi ro và đẩy mạnh việc bán nợ cho VAMC. Tuy nhiên, khoản dự phòng rủi ro phải trích lập vẫn tăng cao, khiến lợi nhuận thu về bị ăn mòn dần.

Ông Võ Tấn Hoàng Văn, Tổng giám đốc SCB cho biết, từ đầu năm đến nay, SCB bán khoảng 2.000 tỷ đồng nợ xấu cho VAMC, nâng tổng nợ xấu đã bán lên khoảng 9.000 tỷ đồng. Kế hoạch trong tháng 10 tới, SCB sẽ bán tiếp khoảng 2.000 tỷ đồng nợ xấu. Như vậy, đến cuối năm 2014, tỷ lệ nợ xấu của SCB sẽ được kiểm soát dưới 3%, nên khả năng không bán tiếp nợ.

Tính đến giữa năm 2014, khoản dự phòng rủi ro mà SCB đã trích lập, kể cả sau khi bán khối lượng lớn nợ xấu cho VAMC, lên đến 3.100 tỷ đồng. Vì thế, theo Tổng giám đốc SCB, Ngân hàng không dám kỳ vọng mục tiêu lợi nhuận cao, mà quan trọng hơn là mục tiêu an toàn trong hoạt động, nhất là khi SCB đang trong giai đoạn đẩy mạnh tái cấu trúc. 6 tháng đầu năm, SCB đạt 123 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế.

Trao đổi với ĐTCK, ông Trần Ngô Phúc Vũ, Tổng giám đốc Nam A Bank cho hay, Ngân hàng vừa bán trên 100 tỷ đồng nợ xấu cho VAMC. Nợ xấu của Nam A Bank được kiểm soát ở mức an toàn, Ngân hàng cũng tăng cường trích lập dự phòng rủi ro, nên số nợ xấu cần bán không nhiều. Tăng trưởng tín dụng của Nam A Bank gần 9 tháng đầu năm đạt trên 30%, vì thế Ngân hàng đệ trình lên NHNN xin được nâng room. 

Phó tổng giám đốc HDBank, ông Lê Thành Trung chia sẻ, Ngân hàng vừa hoàn tất việc bán 1.500 tỷ đồng nợ xấu cho VAMC, đồng thời tích cực xử lý nợ bằng trích dự phòng rủi ro. Vì thế, tỷ lệ nợ xấu của HDBank được kiểm soát ở ngưỡng an toàn 3% tính đến thời điểm này.

Tổng giám đốc VietCapital Bank Đỗ Duy Hưng cho hay, Ngân hàng đang xúc tiến để bán khoảng 200 tỷ đồng nợ xấu cho VAMC.

Ông Đỗ Anh Tuấn, quyền Tổng giám đốc Techcombank cho biết, kế hoạch trong năm 2014, Techcombank sẽ bán khoảng 1.600 tỷ đồng nợ xấu cho VAMC. Trong 8 tháng đầu năm, Tecombank đã bán được 800 tỷ đồng nợ xấu cho VAMC, vì thế, thời gian còn lại của năm, Ngân hàng sẽ xem xét để bán tiếp khoảng 800 tỷ đồng nợ xấu. Bên cạnh đó, Techcombank nỗ lực tự xử lý nợ xấu, với con số nợ xấu đã xử lý thu hồi được khoảng 500 tỷ đồng trong 8 tháng đầu năm. Vì thế, ông Tuấn cho rằng, khả năng chỉ tiêu lợi nhuận Ngân hàng đặt ra năm nay gần 1.200 tỷ đồng là đạt được.

Ông Cấn Văn Lực, hàm Phó tổng giám đốc BIDV cho biết, từ đầu năm đến nay, các NHTM đã trích lập dự phòng để tự xử lý nợ xấu được khoảng 33.000 tỷ đồng. Cùng với đó xử lý nợ xấu thông qua việc bán nợ xấu cho VAMC, để làm sạch bản cân đối kế toán. Tuy nhiên, hoạt động của VAMC hiện nay chưa xử lý được triệt để nợ xấu. Vì thế, theo ông Lực, cần tăng vốn điều lệ của VAMC tăng thêm 2.000 tỷ đồng, đồng thời hình thành thị trường mua - bán nợ xấu, để các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài có thể tham gia mua nợ.

Nợ xấu toàn ngành ngân hàng hiện chiếm khoảng 4,17% trên tổng dư nợ toàn nền kinh tế. Tổng nợ xấu đã xử lý đến cuối tháng 8/2014 vào khoảng 210.000 tỷ đồng, còn lại khoảng 161.000 tỷ đồng, trong đó bao gồm cả nợ xấu mới phát sinh. Theo mục tiêu của NHNN, đến năm 2015 sẽ kéo nợ xấu xuống 3%. Tuy nhiên, việc phân loại nợ và trích lập dự phòng theo quy định mới tại Thông tư 02 và Thông tư 09 đã khiến nợ xấu gia tăng. 

Khối lượng nợ xấu VAMC mua lại từ các NHTM đến thời điểm hiện tại đã đạt con số trên 50.000 tỷ đồng, cùng với lượng trích lập dự phòng lớn từ chính các ngân hàng, song tình hình nợ xấu của các nhà băng vẫn chuyển biến theo chiều hướng tăng nhẹ, gây áp lực lên tín dụng. Trong khi đó, việc hình thành thị trường mua - bán nợ vẫn còn mơ hồ, do đó, việc kỳ vọng sớm bán nợ xấu cho nhà đầu tư nước ngoài mà VAMC công bố xem ra vẫn còn nhiều khó khăn. 

Tổng giám đốc điều hành VinaCapital ông Don Lam cho rằng, tái cấu trúc ngân hàng đang đem lại nhiều cơ hội cho nhà đầu tư nước ngoài. Qua quá trình trao đổi với các nhà đầu tư nước ngoài, VinaCapital nhận thấy, nhu cầu về mua nợ xấu của họ rất lớn. Vì thế, theo ông Lam, cần có cơ chế, tạo điều kiện để nhà đầu tư mua nợ.             

Tin bài liên quan