HSBC có lịch sử trên 150 năm hoạt động tại Việt Nam.

HSBC có lịch sử trên 150 năm hoạt động tại Việt Nam.

Ngành ngân hàng đang chuyển đổi mạnh mẽ

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Đánh giá cao về cách mà Việt Nam nói chung và ngành ngân hàng ứng phó với đại dịch, ông Tim Evans, Tổng giám đốc Ngân hàng HSBC Việt Nam kỳ vọng sẽ có thêm những bước tiến mới với ngành ngân hàng trong năm 2021, năm kỷ niệm 70 năm thành lập ngành. 

Năm 2020, hệ thống tài chính nhiều nền kinh tế đã phải xoay xở khó khăn vì Covid-19. Là một ngân hàng hoạt động toàn cầu, ông đánh giá thế nào về việc thích ứng của hệ thống ngân hàng tại Việt Nam?

Năm 2020 chứng kiến hoạt động khá tốt của ngành ngân hàng Việt Nam và triển vọng của ngành này sẽ vẫn rất tích cực trong thời gian tới nhờ vào các yếu tố như: nhu cầu tín dụng ngày càng tăng, nhu cầu phát triển cơ sở hạ tầng tạo ra nhu cầu cho tín dụng, và lợi ích của nguồn vốn rẻ sau những đợt cắt giảm lãi suất chính sách diễn ra trong năm 2020.

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trong năm 2020 đã cắt giảm lãi suất điều hành ba lần do đó giảm được chi phí vốn cho nền kinh tế, cho các doanh nghiệp, các tổ chức tín dụng và khách hàng cá nhân.

Tăng trưởng tín dụng ở Việt Nam năm 2020 đạt mức 12,13% bất chấp tình hình dịch Covid-19 diễn ra xuyên suốt cả năm. Hầu hết nhu cầu tín dụng đến từ các hoạt động thương mại, vận tải và viễn thông (30%) nhờ vào những chuẩn bị cơ sở hạ tầng cho các dự án giao thông và hoạt động xuất khẩu ngày càng phát triển…

Trong năm 2020, bất chấp tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn ra, các ngân hàng và tổ chức tín dụng đã triển khai hàng loạt các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người dân, cung cấp các gói tín dụng với lãi suất ưu đãi, cơ cấu lại nợ và giãn thời hạn trả nợ….

Ngành ngân hàng đã thể hiện vai trò hỗ trợ đối với nền kinh tế, luôn luôn đồng hành cùng doanh nghiệp và người dân trong những tình huống khó khăn.

Các ngân hàng và tổ chức tín dụng trong năm qua cũng đã xúc tiến xây dựng chiến lược và triển khai nhiều hoạt động chuyển đổi số và nhờ đó đã giúp tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt thông qua hệ thống Internet Banking, Mobile Banking, ví điện tử… có sự tăng trưởng vượt bậc.

HSBC vừa đưa ra triển vọng rất tích cực cho kinh tế Việt Nam năm 2021 với triển vọng tăng trưởng 6,6% năm nay, đâu là cơ sở cho nhận định đó?

Đầu tiên ở góc độ tài chính, mạch máu của nền kinh tế, có thể thấy NHNN đã đưa ra những chỉ dẫn rất nhanh chóng và rõ ràng cho hệ thống ngân hàng thương mại ngay khi đại dịch Covid-19 bắt đầu xảy ra.

Điều này cùng với sự quản lý rất hiệu quả của các cơ quan chức năng Việt Nam đã giải thích tại sao Việt Nam có thể trở thành một trong số ít các quốc gia đạt mức tăng trưởng kinh tế dương trong năm 2020 và dự kiến sẽ đạt mức tăng trưởng 6,6% trong năm 2021.

Theo dự báo của Khối Nghiên cứu Kinh tế Ngân hàng HSBC, Việt Nam sẽ quay lại quỹ đạo tăng trưởng khi kinh tế thế giới bắt đầu thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng đại dịch Covid-19. Việt Nam làm được điều này với một thương hiệu quốc gia được củng cố bởi hoạt động quản lý khủng hoảng hiệu quả trong năm 2020.

Trong tương lai, chúng tôi đánh giá có một số động lực chính dẫn dắt nền kinh tế Việt Nam, bao gồm dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đang tiếp tục đổ mạnh vào Việt Nam, khối doanh nghiệp địa phương luôn bắt kịp xu thế và phát triển lành mạnh, số lượng người thuộc tầng lớp trung lưu tại Việt Nam gia tăng nhanh chóng, việc tăng ngân sách cho các hạng mục phát triển cơ sở hạ tầng và Việt Nam đang nỗ lực để được nâng hạng từ trạng thái thị trường cận biên sang thị trường mới nổi.

Đối với bản thân các ngân hàng trong năm 2021, tôi hy vọng các ngân hàng sẽ triển khai đầy đủ ba trụ cột của Basel II nhằm hoàn thành chiến lược giúp họ phát triển bền vững, nâng cao năng lực quản trị rủi ro, tối ưu hóa hiệu quả sử dụng vốn, từ đó tăng mức độ tín nhiệm của ngân hàng và góp phần tăng xếp hạng tín nhiệm của quốc gia.

Ngoài ra, các ngân hàng và tổ chức tài chính cần tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ quá trình chuyển đổi số để tiếp cận khách hàng dễ dàng với chi phí rẻ hơn, nâng cao chất lượng dịch vụ, cá nhân hóa trải nghiệm người dùng. Để làm được điều đó, các ngân hàng cần đầu tư đầy đủ công nghệ, hệ thống bảo mật theo chuẩn mực thế giới, mở rộng và kết nối hệ sinh thái số của mình.

Một loạt hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam ký kết giai đoạn vừa qua được coi là sự mở đường cho các ngân hàng ngoại tại Việt Nam, nhưng nhìn một cách thực tế từ hoạt động của mình, ông đánh giá thế nào việc tận dụng cơ hội này của các ngân hàng ngoại?

Thực ra không phải bây giờ mà ngay từ năm 2009, sau khi Việt Nam gia nhập WTO, các ngân hàng 100% vốn nước ngoài đã được phép thành lập tại Việt Nam, đánh dấu một cột mốc quan trọng cho sự thay đổi mang tính bước ngoặt của ngành ngân hàng.

Các ngân hàng nước ngoài với khả năng tài chính và chuyên môn vững vàng có thể mở rộng mạng lưới kinh doanh và cạnh tranh lành mạnh với các ngân hàng trong nước.

Việc phát triển của các ngân hàng 100% vốn nước ngoài và ngân hàng liên doanh thúc đẩy cạnh tranh trong lĩnh vực ngân hàng trong nước, đưa các ngân hàng Việt Nam nâng cao sức mạnh cạnh tranh vì sự phát triển của ngành và đồng thời góp phần vào sự tăng trưởng bền vững của nền kinh tế.

Sự tham gia của các ngân hàng nước ngoài vào thị trường tài chính trong nước mang lại những lợi ích xuất phát từ việc tìm hiểu kỹ nhu cầu của khách hàng, nâng cấp và đa dạng hóa sản phẩm và dịch vụ, đồng thời cải tiến quy trình để phục vụ mọi phân khúc khách hàng.

Việc tham gia đầu tư vào các ngân hàng trong nước đóng vai trò là chìa khóa để nâng cao năng lực tài chính, đặc biệt là năng lực quản trị doanh nghiệp, năng suất lao động của các ngân hàng địa phương và ở mức độ rộng hơn là nâng cao khả năng cạnh tranh của nền kinh tế địa phương.

Ảnh tác giả

Ngành ngân hàng cũng cần tiếp tục hỗ trợ các cộng đồng và thúc đẩy các hoạt động tài chính bền vững để vừa đạt được tăng trưởng kinh tế vừa đảm bảo xây dựng và bảo tồn một môi trường phù hợp cho các thế hệ tương lai.

Ông Tim Evans, Tổng giám đốc Ngân hàng HSBC Việt Nam

Nếu các ngân hàng trong nước có lợi thế về mạng lưới chi nhánh thì các ngân hàng nước ngoài có những thế mạnh về sản phẩm và dịch vụ đã được quốc tế công nhận, cộng thêm hệ thống quản trị doanh nghiệp bao gồm quản trị rủi ro với chuẩn quốc tế.

Ngoài ra, các ngân hàng nước ngoài còn sở hữu một mạng lưới hoạt động có quy mô toàn cầu mà cả khách hàng doanh nghiệp lẫn khách hàng cá nhân đều rất cần trong kỷ nguyên kết nối kinh tế đang phát triển mạnh mẽ hơn bao giờ hết và thu nhập của người dân ngày càng tăng thêm mỗi năm.

Ngân hàng nước ngoài thể hiện vai trò hỗ trợ Việt Nam phát triển bằng cách mang đến chuyên môn, năng lực và trải nghiệm mà họ đã thu thập được trong suốt quá trình hoạt động tại những thị trường khác.

Các ngân hàng nước ngoài cũng đã và đang chia sẻ những điều này với các nhà điều hành chính sách, với các ngân hàng trong nước, với cả khách hàng doanh nghiệp và cá nhân trong quá trình phát triển của họ cũng như quá trình lựa chọn sử dụng các dịch vụ tài chính một cách có chọn lọc và sâu sắc hơn.

Những ngân hàng nước ngoài cũng tạo cơ hội cho nhân viên địa phương được tiếp cận các cách thức làm việc khác nhau và những trải nghiệm làm việc tại nước ngoài.

Từ đó, quá trình này có thể giúp họ phát triển, mang lại cho họ một sự nghiệp được ghi nhận, đồng thời cũng góp phần vào sự thành công và phát triển không ngừng của nền kinh tế Việt Nam.

Một câu hỏi riêng, HSBC khi giới thiệu về mình với khách hàng Việt Nam thường rất tự hào khi nói rằng Ngân hàng có lịch sử trên 150 năm hoạt động tại Việt Nam (từ năm 1870), lịch sử đó cho phép HSBC đánh giá cả chặng đường dài 70 năm phát triển của hệ thống ngân hàng Việt Nam như thế nào?

Ngành ngân hàng Việt Nam đã có những phát triển mạnh mẽ xứng đáng với vai trò xương sống của nền kinh tế. Hệ thống các ngân hàng, các tổ chức tín dụng luôn củng cố và phát triển cả về quy mô và chất lượng hoạt động, đáp ứng ngày càng hiệu quả nhu cầu phát triển kinh tế xã hội của đất nước, từng bước mở rộng hoạt động ra thị trường quốc tế.

Tôi hy vọng rằng ngành ngân hàng luôn vững vàng để đóng vai trò trung gian kết nối và hỗ trợ cho các quốc gia, cho các doanh nghiệp và các cá nhân phát triển ngày một thịnh vượng. Ngành ngân hàng Việt Nam sẽ tiếp tục hoàn thành vai trò của mình để đảm bảo các công ty Việt Nam có nền tảng tốt có thể được tiếp sức để mở rộng và nắm bắt các cơ hội kinh doanh trong bối cảnh Việt Nam tăng trưởng không ngừng.

Bên cạnh đó, ngành ngân hàng cũng cần tiếp tục hỗ trợ các cộng đồng và thúc đẩy các hoạt động tài chính bền vững để vừa đạt được tăng trưởng kinh tế vừa đảm bảo xây dựng và bảo tồn một môi trường phù hợp cho các thế hệ tương lai.

Tin bài liên quan