Ngành ngân hàng đã chuyển đổi từ cơ chế trong đó Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) vận hành vừa giống một ngân hàng trung ương, vừa như một ngân hàng thương mại sang một cơ chế với sự tham gia đa dạng của các ngân hàng quốc doanh và các ngân hàng con 100% vốn nước ngoài.
5 NHTM lớn nhất Việt Nam đa phần là quốc doanh và được thành lập sau đợt cải cách cuối những năm 1980 nhằm cung cấp nghiệp vụ cho vay theo chính sách. Theo truyền thống, khách hàng của các ngân hàng thương mại quốc doanh (NHTMQD) là các DN nhà nước. Tuy nhiên, các ngân hàng này cũng nhanh chóng mở rộng ra các hoạt động NHTM truyền thống, không còn được xem là những ngân hàng chính sách nữa và chiếm lĩnh thị trường cho vay tại Việt Nam.
Ngân hàng thương mại cổ phần (NHTMCP) đa số thành lập vào đầu những năm 1990, có cơ cấu cổ đông đa dạng hơn với cổ đông bao gồm cả khối quốc doanh và khối tư nhân. Số lượng khách hàng của họ ít hơn và thường là các DN vừa và nhỏ và các khách hàng cá nhân.
Sự phát triển của ngành ngân hàng đã hỗ trợ cho sự phát triển nhanh chóng của các DN Việt Nam và đóng góp vào việc mở cửa thị trường Việt Nam ra với kinh tế thế giới. Ngày nay, ngành xuất khẩu của Việt Nam có tính cạnh tranh cao hơn với nguyên vật liệu thô và hàng hóa mang nguồn gốc Việt Nam được chuyên chở đến mọi ngóc ngách của thế giới. Việt Nam chiếm được thị phần ở nhiều ngành khác nhau từ hàng sản xuất công nghiệp đến sản phẩm nông nghiệp. Tỷ lệ nghèo đói giảm từ 60% hai thập niên trước xuống tới mức hiện tại 20% theo số liệu của Ngân hàng Thế giới. Việt Nam có dân số trẻ với nhiều khát khao xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn và yêu thích học hỏi để có công việc tốt hơn với nguồn thu nhập ổn định. Trẻ vị thành niên Việt Nam đạt thành tích cao hơn mức trung bình của các nuớc thuộc Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OCED) về toán học, khoa học và các bài kiểm tra đọc theo tiêu chuẩn quốc tế. Cạnh tranh về lao động đã thu hút đầu tư nước ngoài vào các ngành sản xuất cần nhiều nhân công.
Nhưng tăng trưởng tín dụng đang bị chựng lại và nền kinh tế tăng trưởng với tốc độ chậm do hệ thống tài chính bị trì trệ vì nợ xấu. Trong thập niên qua, tín dụng của hệ thống ngân hàng bị phân bổ vào một lượng không nhỏ doanh nghiệp đầu tư vốn không hiệu quả. Điều này khiến nợ xấu trong hệ thống tài chính gia tăng.
Năm 2011, Chính phủ quyết định thay đổi kế hoạch và kiến tạo tốc độ tăng trưởng bền vững hơn. Nghị định 254 là một phần trong tham vọng của NHNN xốc lại quản lý hệ thống tài chính. Cho đến nay, NHNN đã chia các ngân hàng thành ba nhóm và lập ra Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng (VAMC) để thu mua nợ xấu từ các ngân hàng. VAMC đóng vai trò thiết yếu như công cụ Chính phủ đưa ra giúp các ngân hàng có thời gian giải quyết nợ xấu và tái cơ cấu vốn. Ngân hàng bán nợ xấu cho VAMC phải ghi sổ 20% dự phòng cho các trái phiếu bán cho VAMC mỗi năm. Điều này cho phép họ tái mua nợ xấu từ VAMC trong vòng 5 năm sau đó.
Nâng hạn mức sở hữu của các ngân hàng ngoại, thành lập VAMC và cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước là những nỗ lực thường xuyên để bơm vốn vào hệ thống.
Dù có nhiều khó khăn, nhưng Chính phủ Việt Nam đã hành động đúng khi chọn giảm nhiệt sự tăng trưởng nóng của nền kinh tế để cải thiện tính hiệu quả và trình độ quản lý. Các năm kế tiếp sẽ có nhiều thách thức khi các ngân hàng, DN và cá nhân bắt đầu hồi phục và xây dựng lại bảng cân đối tài chính lành mạnh hơn.
Vấn đề lớn nhất tại Việt Nam cũng như nhiều quốc gia khác là làm sao tạo lập được một thị trường vốn hiệu quả đưa đến những tín hiệu giá chính xác để khuyến khích sự phát triển của nền kinh tế. Việc phát triển một NHNN độc lập hơn, minh bạch hơn và tin cậy hơn nữa để quản lý thị trường tài chính sẽ giúp ích rất nhiều. Thông tư 02 với những quy định nghiêm ngặt hơn về phân loại tài sản và trích lập dự phòng nợ xấu với các ngân hàng sẽ có hiệu lực vào tháng 6/2014. Việc Thông tư này được thi hành như thế nào sẽ là cho biết tốc độ cải cách ngành tài chính tại Việt Nam.
Con đường ở phía trước vẫn còn khá gập ghềnh khi tăng trưởng tín dụng đình trệ và lực cầu suy giảm khi vay nợ giảm xuống. Tuy nhiên, tôi tự tin rằng, Việt Nam đang đi đúng con đường để vững mạnh hóa các định chế tài chính của mình nhằm hỗ trợ cho tham vọng công nghiệp hóa và phát triển thành một nước giàu mạnh. Việt Nam càng mau chóng xây dựng một thị trường vốn hiệu quả thì các công nhân Việt Nam càng mau chóng hiện thực hóa tiềm năng của mình và nâng cao năng suất lao động.
Bài viết này nằm trong Đặc san Toàn cảnh Ngân hàng Việt Nam 2014, do Báo Đầu tư Chứng khoán - Báo Đầu tư xuất bản ngày 5/5/2014. Tinnhanhchungkhoan.vn sẽ lần lượt đăng tải bài viết của Đặc san này trong thời gian tới. Quý vị độc giả có thể theo dõi tất cả các bài viết trong Đặc san tại:Toàn cảnh ngân hàng Việt Nam 2014: “Đón vận hội mới” |