Giá bán bằng giá sản xuất
Ngành mía đường đang bước vào giai đoạn khó khăn nhất trong 15 năm trở lại đây và là thời kỳ khó khăn thứ hai kể từ khi ngành được thành lập. Nhìn lại lịch sử, năm 1995, ngành mía đường ra đời, chính thức có tên trong bản đồ ngành nghề Việt Nam. Nhưng ngay sau đó 4 năm, tức năm 1999, cuộc khủng hoảng đầu tiên diễn ra khiến nhiều doanh nghiệp lao đao, thậm chí bị xóa sổ. Bấy giờ, giá đường bán ra chỉ bằng một nửa giá thành sản xuất. Cụ thể, giá bán là 300 đồng/kg, thậm chí có lúc rớt xuống còn 200 đồng/kg, trong khi giá sản xuất là 400 đồng - 450 đồng/kg.
Tới năm 2018, lịch sử lặp lại khi ngành mía đường đang ở điểm trũng với khó khăn chồng chất. Theo đó, tồn kho của ngành mía đường đang ở mức cao ngất ngưởng, nếu niên vụ 2015 - 2016, có giai đoạn tỷ lệ tồn kho lên tới 70% thì trong niên vụ 2016 - 2017, tình trạng tồn kho vẫn tiếp diễn theo chiều hướng xấu.
Thống kê của Hiệp hội Mía đường Việt Nam cho thấy, tính đến ngày 15/3/2018, tồn kho của các doanh nghiệp trong hiệp hội đang rất cao, ước tính trên 70%. Tổng sản lượng sản xuất đường ở thời điểm này đạt 750 nghìn tấn, nhưng tồn kho 530 nghìn tấn.
So với giá bán của năm 2017, giá bán đường năm nay sụt giảm 31%. Nếu như năm ngoái trung bình mỗi kg đường bán ra thị trường đạt 15.000 đồng - 16.000 đồng/kg thì năm nay chỉ đạt 11.000 đồng - 11.200 đồng/kg.
Trong khi đó, giá mua mía nguyên liệu vẫn giữ nguyên, dao động quanh mức 850.000 đồng/tấn đến 900.000 đồng/tấn, chỉ một số địa phương có xu hướng giá mua nguyên liệu mía giảm nhưng không đáng kể, khoảng 30.000 đồng/tấn.
Riêng tại Thanh Hóa, giá mía đường được Ủy ban Nhân dân Tỉnh ấn định với mức 1.150.000 đồng/tấn và hiện các nhà máy mía đường đóng tại địa bàn này là Mía đường Lam Sơn, Mía đường Việt Đài đều phải duy trì mua mức giá này, trong khi giá bán thành phẩm đang lao dốc.
Với những diễn biến này, các doanh nghiệp ngành mía đường như Thành Thành Công Tây Ninh (SBT), Mía đường Quảng Ngãi (QNS), Mía đường Sơn La (SLS)… đang gặp khó khăn chung. Tồn kho tăng, tiêu thụ giảm, kéo theo doanh thu, lợi nhuận sụt giảm mạnh. Thị giá cổ phiếu của nhiều doanh nghiệp mía đường lao dốc khiến nhà đầu tư cũng ít nhiều lo lắng.
Trao đổi với Đầu tư Chứng khoán, TS. Phạm Quốc Doanh, Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam cho biết: “Nhiều doanh nghiệp bán giá rất thấp, chấp nhận thua lỗ để đẩy tồn kho và cạnh tranh với đường nhập lậu. Như Nhà máy mía đường Sơn La vừa qua nâng công suất từ 3.000 tấn mía/ngày lên 5.000 tấn mía/ngày để nâng chất lượng, tăng cạnh tranh nhưng chính họ cũng đang kêu trời vì khó khăn, lượng hàng tồn lớn”.
Ghi nhận từ thực tế, doanh nghiệp mía đường như đang “ngồi trên đống lửa” khi con số hàng tồn kho ngày càng tăng cao. Đối với một doanh nghiệp mía đường tại miền Trung, vấn đề mà công ty phải đối mặt là dù giảm giá thành bằng với giá đường nhập lậu nhưng sản lượng tiêu thụ vẫn chậm.
Chia sẻ với Đầu tư Chứng khoán, lãnh đạo doanh nghiệp này cho biết, Công ty đang bán đường với giá 11.000 đồng/kg, chỉ bằng giá thành sản xuất nhưng vẫn không “ăn thua” với đường Thái Lan nhập lậu.
“Chúng tôi xác định cạnh tranh trực tiếp bằng giá và giảm giá liên tục ngang bằng đường Thái Lan nhập lậu vào Việt Nam. Nhưng đường nhập lậu qua biên giới từ 29 - 30 tấn mỗi lần, giá giảm theo từng chuyến nên việc bán hàng của Công ty vẫn gặp khó”, vị này chia sẻ.
Khó khăn chồng chất
Chưa giải quyết được bài toán về tồn kho tăng, tiêu thụ giảm, doanh thu, lợi nhuận xuống dốc thì một thông tin mới về chính sách lại tạo thêm áp lực cho doanh nghiệp mía đường.
Theo đó, Bộ Tài chính đề xuất từ năm 2019 sẽ áp dụng mức thuế suất 10% đối với mặt hàng nước ngọt có đường, trừ sữa. Đây là nội dung nằm trong phần sửa đổi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt vừa được Bộ Tài chính hoàn thành dự thảo lần hai.
Bộ Tài chính lý giải, hiện nay ở Việt Nam, tỷ lệ người trưởng thành bị thừa cân, béo phì chiếm khoảng 25% dân số, đặc biệt trẻ em dưới 5 tuổi có tỷ lệ béo phì tăng nhanh (tăng từ 0,6% năm 2000 lên 5,3% năm 2015, tức hơn 8 lần sau 15 năm).
Do đó, để định hướng và hạn chế tiêu dùng các loại đồ uống có đường, việc áp thuế là cần thiết bởi nguyên nhân chủ yếu gây ra béo phí là lạm dụng nước ngọt, đồ uống có đường. Theo tính toán của Bộ Tài chính, nếu áp thuế 10%, số tiền thu thêm được sẽ vào khoảng 5.005 tỷ đồng.
Trước thông tin này, Hiệp hội Mía đường Việt Nam cho rằng, chính sách kể trên sẽ tác động trực tiếp theo chiều hướng tiêu cực đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp trong ngành.
Bổ sung thêm, ông Doanh cho rằng, chỉ nên áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với sản phẩm nước ngọt có đường có sử dụng thành phần siro ngô (corn syrup), gọi tắt là HFCS, hay còn gọi đường lỏng, đường hóa học bởi trong siro ngô có chứa 55% fructose, có độ ngọt cao gấp 1,3 - 1,5 lần mía đường và là tác nhân gây béo phì. Trong khi nước ngọt làm từ đường tinh khiết không gây nguy cơ béo phì.
Theo lãnh đạo Hiệp hội Mía đường, Hội sẽ có ý kiến chính thức về vấn đề này. Nếu áp dụng chung, không phân biệt rõ thành phần, doanh nghiệp mía đường sẽ gặp nhiều khó khăn hơn nữa.
Tự cứu mình
Có 4 yếu tố là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng tiêu thụ đường của các nhà máy tại Việt Nam gặp khó khăn. Thứ nhất, tồn kho từ các năm trước cộng dồn khiến doanh nghiệp chịu áp lực. Thứ hai, tình trạng đường nhập lậu số lượng lớn, giá thành rẻ, dẫn tới cạnh tranh không lành mạnh.
Thứ ba, một số đối tác của các nhà máy chuyển sang sử dụng đường lỏng thay đường kính, vì đường lỏng có giá tốt hơn do hưởng ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt. Thứ tư, hiệu ứng từ Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) khiến nhiều đại lý kinh doanh lớn tạm dừng mua đường nội từ các nhà máy để nghe ngóng tính hình.
Để giải bài toán khó khăn, các doanh nghiệp phải tự đi gỡ từng nút thắt với phương châm là “tự cứu mình” như lời khẳng định của Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam.
Trước mắt, các doanh nghiệp nội địa đã cạnh tranh trực tiếp với đường nhập lậu, hạ giá thành, chấp nhận thua lỗ, mục đích cuối cùng là đẩy lùi đường lậu.
Bên cạnh đó, nhiều nhà máy đã có động thái thay đổi để nâng cao năng suất, giảm giá thành sản xuất. Hiện tại, giá nguyên liệu mía đang chiếm 70 - 85% giá thành sản xuất đường, để giảm được giá nguyên liệu, các nhà máy bắt đầu từ việc hỗ trợ người nông dân giống tốt, từ đó nâng năng suất, trữ lượng đường, cải tiến quy trình canh tác, đẩy mạnh cơ giới hóa nhằm giảm lao động thủ công, hạ giá thành.
Những nhà máy đi đầu trong chiến lược này có thể kể tới Mía đường Quảng Ngãi, Mía đường Thành Thành Công Tây Ninh… Một số khác nâng cao năng lực sản xuất như Mía đường Sơn La, Mía đường Nasu, Sông Lam…
Trả lời câu hỏi vì sao doanh nghiệp mía đường trong nước vẫn “đuối” trong cạnh tranh, lãnh đạo một doanh nghiệp cho hay, vấn đề chính là bởi làm nông nghiệp không phải thay đổi là có ngay kết quả, ít nhất cần qua 1 - 2 vụ.
Tuy nhiên, một nút thắt khác mà doanh nghiệp khó có thể tự giải quyết là thiếu cơ chế hỗ trợ. Hiện tại, nông dân Thái Lan được hỗ trợ giống cây trồng miễn phí, ước tính giá trị khoảng 10 - 15 triệu đồng/hecta, do Quỹ Phát triển mía đường chi trả. Đây là lý do, doanh nghiệp mía đường Thái Lan đang mua mía nguyên liệu với giá 600.000 đồng/tấn, thấp hơn từ 240.000 - 400.000 đồng/tấn so với Việt Nam. Thêm vào đó, doanh nghiệp còn được hỗ trợ lãi suất vay từ 1 - 2%/năm để phát triển.
Ở trong hoàn cảnh chịu thiệt thòi, doanh nghiệp mía đường Việt Nam đang phải “tự bơi” trong cuộc đua hội nhập, nếu không đủ sức đồng nghĩa với dừng lại. Dự kiến, trong thời gian tới, các hoạt động mua bán, sáp nhập sẽ diễn ra với nhiều doanh nghiệp ngành này, như câu chuyện từng diễn ra năm 1999.
“Hiện đã có nhiều thương vụ mua bán, sáp nhập diễn ra như Nhà máy đường Khánh Hòa về với Vinamilk, TH Truemilk đầu tư vào Mía đường Nghệ An, Mía đường Biên Hòa về chung một nhà với Mía đường Thành Thành Công… Trong tương lai sẽ có thêm các cuộc đua tăng trưởng mới theo hướng liên kết nhà máy mía đường với nhà máy tiêu thụ, hoặc với các công ty thực phẩm để phát huy thế mạnh, cải thiện bức tranh khó khăn của ngành mía đường”, ông Doanh nhìn nhận.