Cuộc khủng hoảng kép
Thực trạng buồn của ngành mía đường niên vụ 2020-2021 (từ quý III năm trước đến quý II năm sau) được Hiệp hội Mía đường phác thảo trong cuộc họp trực tuyến giữa tháng 10/2021.
Cụ thể, sản lượng mía nguyên liệu đưa vào các nhà máy chế biến đường chỉ đạt 6,7 triệu tấn, trong khi niên vụ 2019-2020 là 11,2 triệu tấn và niên vụ 2018-2019 là 14 triệu tấn. Trong tổng số 41 nhà máy của ngành mía đường có đến 17 nhà máy phải ngừng hoạt động hoặc phá sản.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tổng diện tích trồng mía toàn quốc năm 2020 là 187.100 ha, giảm gần 20%; năng suất mía bình quân 63,5 tấn/ha, giảm gần 3%; sản lượng mía hơn 11,8 triệu tấn, giảm 22,2% so với năm 2020.
Ông Lê Trung Thành, Phó chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Mía đường Lam Sơn (Lasuco, mã chứng khoán LSS) cho biết, cuộc cạnh tranh không cân sức với mía đường nhập khẩu bán phá giá và mía đường nhập lậu, gian lận thương mại là nguyên nhân chính khiến nhiều nhà máy không trụ lại được.
Bên cạnh đó, giá mía nguyên liệu trong một thời gian dài sụt giảm dẫn tới một bộ phận nông dân bỏ cây mía sang trồng cây khác có hiệu quả kinh tế tốt hơn. Ngoài ra, một số vùng mía bị hạn hán, bão lụt, làm giảm cả diện tích và năng suất, chất lượng. Do đó, vùng nguyên liệu của các nhà máy bị ảnh hưởng.
Cuộc khủng hoảng ngành mía đường bắt đầu từ năm 2018 và kéo dài 3 năm. Đây là cuộc khủng hoảng thứ nhất. Cuộc khủng hoảng thứ hai diễn ra kể từ năm 2020 khi đại dịch Covid-19 tác động mạnh mẽ đến kinh tế Việt Nam và toàn cầu, nhất là giai đoạn giãn cách xã hội trên diện rộng trong quý III/2021. Cuộc khủng hoảng kép đã “hạ gục” không ít nhà máy mía đường.
Lấy lại vị thế cho đường Việt
Ngành mía đường dần lấy lại vị thế kể từ khi Bộ Công thương công bố kết quả điều tra và áp thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp tạm thời đối với mía đường có nguồn gốc xuất xứ từ Thái Lan kể từ ngày 9/2/2021.
Theo Bộ Công thương, sản phẩm mía đường nhập khẩu từ Thái Lan bao gồm đường tinh luyện và đường thô đã được trợ cấp, bán phá giá ở mức 47,64%. Đến tháng 6/2021, Bộ đã ban hành quyết định áp dụng thuế chống bán phá và thuế chống trợ cấp chính thức đối với một số sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái Lan.
Nhằm ngăn chặn đường Thái Lan đi qua các nước khác vào Việt Nam nhằm lẩn tránh phòng vệ thương mại, ngày 21/9/2021, Bộ Công thương đã ra quyết định điều tra áp dụng biện pháp chống lẩn tránh phòng vệ thương mại đối với sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái Lan thông qua 5 quốc gia gồm Lào, Campuchia, Indonesia, Malaysia và Myanmar.
Các quyết định kể trên là động lực quan trọng để mía đường Việt Nam dần lấy lại chỗ đứng tại thị trường trong nước và cạnh tranh sòng phẳng với đường nước ngoài. Các doanh nghiệp mía đường tập trung nâng cao năng lực, năng suất và mở rộng vùng nguyên liệu, kỳ vọng sớm khép lại cuộc khủng hoảng thứ nhất.
Nhiều nhà máy đường đã nâng giá mua mía từ mức 800.000 - 850.000 đồng/tấn lên 900.000 - 1.100.000 đồng/tấn tùy theo vùng, nhằm khuyến khích nông dân mở rộng diện tích trồng mới, từng bước khôi phục vùng nguyên liệu mía.
Giá đường thế giới năm 2021 có diễn biến phục hồi sau 4 năm dao động ở vùng đáy. |
Chẳng hạn, tại Lasuco, giá mua mía vụ 2021-2022 đạt 10 chữ đường (CCS) tại ruộng là 1,1 triệu đồng/tấn, giá sàn là 1 triệu đồng/tấn. Giá mua vụ 2022-2023 là 1,15 triệu đồng/tấn mía sạch tại ruộng. Ngoài ra, người nông dân còn được hỗ trợ về phân bón và một số khoản khác (100.000 - 150.000 đồng/tấn), theo đó, người trồng mía sẽ có thu nhập từ 1,25 -1,3 triệu đồng/tấn.
Lasuco cho hay, Công ty sẽ tiếp tục đầu tư, ứng trước bằng hiện vật, đầu tư trả chậm các khoản phân bón, làm đất và các dịch vụ cơ giới, giống mía chất lượng cao, thuốc bảo vệ thực vật; cho các hộ ứng tiền mặt để chuẩn bị lao động đốn chặt, bốc xếp, sửa đường giao thông... trước khi vào vụ thu hoạch.
Tại buổi đấu thầu hạn ngạch đường nhập khẩu ngày 29/9/2021, dù sản lượng đường vụ 2021-2022 dự kiến sụt giảm, nhưng không ít công ty đường trong nước quyết định không tham gia đấu giá nhập khẩu thêm nguồn đường trong hạn ngạch này, mà sẽ tập trung đầu tư cho nông dân nhằm khôi phục vùng mía nguyên liệu, tiến tới có thể tự đáp ứng đủ nhu cầu mía nguyên liệu để sản xuất đường.
Công ty Chứng khoán SSI cho rằng, với mức thuế suất 47,6% đối với đường tinh luyện và đường thô nhập khẩu, các nhà máy nhỏ nhập đường thô về sẽ không có lợi nhuận. Do đó, việc mở rộng diện tích trồng mía rất quan trọng đối với tăng trưởng của ngành mía đường trong những năm tới.
Niên vụ mới dần khởi sắc
Ông Cao Anh Đương, quyền Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam dự báo, ngành đường Việt Nam sẽ khởi sắc nhờ Bộ Công thương áp dụng thuế chống bán phá, chống trợ cấp chính thức đối với sản phẩm mía đường xuất xứ từ Thái Lan trong thời hạn 5 năm. Trong khi đó, nguồn cung đường thế giới niên độ 2021-2022 có khả năng thiếu hụt gần 2,7 triệu tấn.
Đáng chú ý, giá đường thế giới năm 2021 có diễn biến phục hồi sau 4 năm dao động ở vùng đáy, đặc biệt kể từ tháng 5 tới nay. Vì thế, bước vào niên vụ 2021-2022, các nhà máy đường tăng tốc hoạt động nhằm tận dụng cơ hội từ giá tăng.
Hiện giá đường thế giới cũng như trong nước đang ở mức cao nhất 4 năm qua. Công ty Chứng khoán Agribank (Agriseco) nhận định, giá đường sẽ duy trì mức cao trong thời gian tới, qua đó giúp cải thiện biên lợi nhuận gộp của các doanh nghiệp sau nhiều năm giá đường sụt giảm và không cạnh tranh được với đường nhập khẩu.
Báo cáo tài chính quý III/2021, tức quý I niên độ 2021-2022 cho thấy, kết quả kinh doanh của hầu hết doanh nghiệp mía đường tăng mạnh so với cùng kỳ.
Để tăng tốc ở niên vụ mới, ông Nguyễn Văn Lộc, quyền Tổng Thư ký Hiệp hội Mía đường Việt Nam cho rằng, các doanh nghiệp phải nâng cao năng lực cạnh tranh, có giải pháp giúp tăng năng suất và giảm chi phí cho người nông dân dựa trên xu hướng phát triển của công nghệ, phát triển sản xuất theo nguyên tắc nông nghiệp số.
Thực tế, tại Lasuco, doanh nghiệp này đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, đồng thời mở rộng vùng nguyên liệu. Không ít doanh nghiệp khác như Công ty cổ phần Đường Quảng Ngãi (mã chứng khoán QNS), Công ty cổ phần Mía đường Sơn La (mã chứng khoán SLS) cũng đang tập trung mở rộng vùng nguyên liệu.
Niên vụ 2021-2022, Hiệp hội Mía đường Việt Nam dự kiến, diện tích trồng mía sẽ tăng khoảng 10 - 20% (niên vụ trước, tổng diện tích mía thu hoạch là 148.196 ha) và việc mở rộng có thể tiếp tục diễn ra trong những năm tiếp theo, khi nông dân thu được lợi nhuận tốt từ cây mía.
“Doanh nghiệp đang thấy có động lực để đầu tư mở rộng tăng năng suất, tăng sản lượng, mở rộng diện tích trồng mía trong niên vụ mới, đồng thời đầu tư cho nông dân, tiến tới tăng giá mía thu mua. Thời gian tới, giá mía có thể tăng 15 - 20%”, ông Lê Trung Thành, Phó chủ tịch Hội đồng quản trị Lasuco nói.
Trong một thời gian dài, nhiều cổ phiếu mía đường có xu hướng giảm giá, bởi ngành này chịu sự cạnh tranh bất bình đẳng với đường Thái Lan và đường nhập lậu. Năm 2021, diễn biến khả quan của thị trường chứng khoán giúp cổ phiếu ngành này dần hồi phục, đặc biệt kể từ khi Bộ Công thương ra quyết định áp thuế chống bán phá và thuế chống trợ cấp đối với một số sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái Lan. Giá một số mã dao động ở vùng đỉnh trong vài năm qua như QNS, LSS, SLS…