Ngành hàng xuất khẩu lớn chông chênh

Các ngành hàng xuất khẩu lớn của Việt Nam từ dệt may, da giày, thủy sản, rau quả… đều chịu tác động nặng nề từ Covid-19, với mức sụt giảm 2 con số sau 5 tháng đầu năm.
Xuất khẩu túi xách, ví, va li, mũ, ô dù 5 tháng đầu năm chỉ đạt 1,3 tỷ USD, giảm 15,5% so với cùng kỳ. Ảnh: internet.

Xuất khẩu túi xách, ví, va li, mũ, ô dù 5 tháng đầu năm chỉ đạt 1,3 tỷ USD, giảm 15,5% so với cùng kỳ. Ảnh: internet.

Phần lớn doanh nghiệp dự báo doanh thu xuất khẩu trong năm 2020 sẽ giảm 2 chữ số, đơn hàng cho mùa cuối năm chưa có tín hiệu khả quan, vì hệ lụy sụt giảm tiêu dùng bởi Covid-19.

Theo Hiệp hội Da - Giày - Túi xách Việt Nam (Lefaso), xuất khẩu túi xách, ví, va li, mũ, ô dù 5 tháng đầu năm chỉ đạt 1,3 tỷ USD, giảm 15,5% so với cùng kỳ, là mức giảm sâu nhất kể từ khi Covid-19 xảy ra. Tương tự, xuất khẩu giày dép chỉ đạt 6,8 tỷ USD, giảm 5%.

Dựa trên lượng đơn hàng ký được và đơn hàng bị hủy hoãn, Lefaso đã dự trù mức giảm mạnh trong tháng 5 và tình hình sẽ còn giảm trong tháng 6, lo ngại hơn là đơn hàng cho mùa cuối năm đều chưa chốt được.

Sau khi hoàn thành 22 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu trong năm 2019, ngành da giày, túi xách đặt mục tiêu xuất khẩu 24 tỷ USD trong năm 2020, nhưng dịch bệnh ập đến bất ngờ đang làm lung lay mục tiêu. Thông tin từ Lefaso cho biết, ngành phải điều chỉnh mục tiêu xuất khẩu trong năm nay, với mức giảm trên 10%.

Xuất khẩu 8,2 tỷ USD giày dép, túi xách sang Mỹ trong năm 2019, ngành da giày kỳ vọng thị trường Mỹ tiếp tục là địa chỉ tiêu thụ sản lượng hàng lớn, nhưng nay thì tình hình khó hơn nhiều.

Thông tin tới các doanh nghiệp Việt Nam về thị trường giày dép Mỹ, ông Matt Priest, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ và phân phối giày dép Mỹ (FDRA) cho biết, Covid-19 đã khiến tình hình thất nghiệp tại nước này tăng cao, thu nhập của người dân giảm, khiến họ e dè hơn trong việc mua sắm hàng hóa, trong đó có mặt hàng giày dép.

"Nhu cầu thị trường giày dép tại Mỹ từ tháng 1-5/2020 đã giảm và dự báo những tháng còn lại của năm sẽ có xu hướng giảm tương tự, gây khó khăn hơn cho các nhà xuất khẩu, trong đó có Việt Nam", ông Matt Priest nói.

Xuất khẩu thủy sản cũng dự báo một năm sụt giảm bởi dịch bệnh. Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, năm 2019, nhiều mặt hàng thủy sản giảm giá trị như tôm, cá tra, bạch tuộc…; trong đó, xuất khẩu tôm của Việt Nam đạt 3,38 tỷ USD, giảm gần 5% so với năm 2018.

5 tháng đầu năm 2020, thủy sản đạt 2,8 tỷ USD, giảm 10,3%. Trong đó, bất lợi cho ngành này là thị trường tiêu thụ chính tại EU đã sụt giảm rất mạnh nhu cầu, kéo theo xuất khẩu của Việt Nam sang EU giảm 12% so với cùng kỳ, đạt 12,9 tỷ USD.

Với tình hình thị trường toàn cầu hiện nay, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó tổng thư ký VASEP cho rằng, ngành đang nỗ lực để không phải điều chỉnh giảm chỉ tiêu, mà mục tiêu kỳ vọng là đạt được bằng mức thực hiện của năm 2019.

Đóng góp gần 40 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu trong năm 2019, ngành dệt may cũng bị sụt giảm mạnh giá trị, khi chỉ mang về 10,4 tỷ USD sau 5 tháng, giảm 14,5% so với cùng kỳ; xơ, sợi dệt đạt 1,3 tỷ USD, giảm 21,4%.

Phần lớn doanh nghiệp dự báo doanh thu xuất khẩu trong năm 2020 sẽ giảm 2 chữ số, đơn hàng cho mùa cuối năm chưa có tín hiệu khả quan.   

Tổng công ty Đức Giang cho biết, đơn hàng cho những tháng cuối năm hiện vẫn chưa chốt được với khách hàng, do các thị trường lớn như Mỹ, EU dù đã qua tâm điểm dịch, nhưng hệ thống bán lẻ dù có được mở lại thì sức mua của người tiêu dùng còn giảm sâu trong một thời gian dài. Do đó, doanh nghiệp khó có thể ký kết được đơn hàng xuất khẩu như giai đoạn trước dịch bệnh.

Không ngạc nhiên là một loạt doanh nghiệp dệt may lớn đã công bố kế hoạch năm 2020, hầu hết đều ước tính giảm lợi nhuận. Cụ thể, May Thành Công ước tính sẽ giảm khoảng 13%; Tổng công ty May Việt Tiến ước tính sụt giảm 70% lợi nhuận so với 2019, chỉ còn 150 tỷ đồng; Tổng công ty May 10 giảm khoảng 20% trong kịch bản cơ sở và 39% trong kịch bản xấu nhất.

Một trong những động lực được kỳ vọng cho xuất khẩu của nhiều ngành hàng từ nay đến cuối năm là Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), theo kế hoạch sẽ có hiệu lực từ tháng 8/2020. Tuy nhiên, đặt trong bối cảnh dịch bệnh đã làm kinh tế Mỹ, EU yếu đi nhiều, các doanh nghiệp không trông chờ có thể gia tăng được xuất khẩu ngay trong 4 tháng còn lại của năm 2020.

Kể cả hàng dệt may, giày dép đến nông, thủy sản đều khó kích cầu xuất khẩu vào EU khi nhu cầu tại toàn khu vực này đang giảm rất thấp.

Trong khi đó, xuất nhập khẩu của Việt Nam phụ thuộc vào sức mua của thị trường toàn cầu. Ngoài việc xuất khẩu sang EU giảm 12%, 5 tháng qua, xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang thị trường ASEAN đạt 9,4 tỷ USD, giảm 13,4%; sang Hàn Quốc đạt 7,7 tỷ USD, giảm 0,5%.

Dẫu vậy, về dài hạn, EVFTA đi vào thực thi vẫn được khẳng định sẽ giúp hàng hoá trong nước tạo lối đi riêng tại thị trường EU khi có lợi thế cạnh tranh về thuế quan hơn. Đặc biệt, các đối thủ cung cấp hàng hóa có tính cạnh tranh với Việt Nam tại EU như Trung Quốc đều chưa có hiệp định với nền kinh tế này.

Tin bài liên quan