Tính đến cuối năm 2017, tổng giá trị thuốc sử dụng tại thị trường Việt Nam đạt khoảng 4,6 tỷ USD

Tính đến cuối năm 2017, tổng giá trị thuốc sử dụng tại thị trường Việt Nam đạt khoảng 4,6 tỷ USD

Ngành dược tăng cường quản lý hoạt động phân phối thuốc

(ĐTCK) Câu chuyện mở cửa thị trường phân phối dược phẩm cho các doanh nghiệp ngoại ngày một nóng lên cùng với những quan điểm trái chiều xung quanh Dự thảo Thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định 54/2017/NĐ-CP theo quy định tại Luật Dược đang được Bộ Y tế xây dựng.

Doanh nghiệp FDI ngành dược kêu khó

Chia sẻ với Báo Đầu tư Chứng khoán, một số doanh nghiệp đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực dược tỏ ra quan ngại việc Bộ Y tế xây dựng Dự thảo Thông tư hướng dẫn thi hành Nghị định 54 theo hướng thắt chặt hoạt động phân phối dược phẩm sẽ cản trở hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp này, khi quy định các doanh nghiệp 100% vốn FDI không được phép phân phối thuốc, đồng thời phải ngừng các hoạt động bảo quản và vận chuyển thuốc ngay khi Dự thảo có hiệu lực.

Theo các doanh nghiệp, việc Dự thảo Thông tư mở rộng các hạn chế của Nghị định 54 như hạn chế vận chuyển từ kho hải quan đến kho của cơ sở bán buôn; hạn chế cho thuê, mượn kho bãi; hạn chế lưu trữ số liệu... sẽ làm tăng chi phí đầu tư để xây dựng kho bãi bảo quản thuốc, cũng như tăng chi phí vận chuyển, khiến giá thuốc tăng lên, trong khi không tận dụng được cơ sở kho bãi đã xây dựng.

“Đây là những dịch vụ không bị cấm hay hạn chế bởi Luật Dược. Hơn nữa, luật pháp Việt Nam cũng không áp dụng hồi tố, trừ một số trường hợp đặc biệt được quy định trong Luật Ban hành các văn bản quy phạm pháp luật.

Do đó, Ban soạn thảo Dự thảo cần cân nhắc lại các quy định để vừa không gây ảnh hưởng tới quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp, vừa đảm bảo quản lý thị trường phân phối dược phẩm đúng với các quy định của Nhà nước Việt Nam và các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã tham gia”, ông Chung Yee Seck, Luật sư Công ty Luật Baker & McKenzie, đại diện cho Tiểu ban Pháp lý của Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ khuyến nghị.

Cơ quan quản lý nói gì?

Trong khi các doanh nghiệp FDI ngành dược kêu khó, thì việc Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) đưa ra một số ví dụ minh chứng hoạt động "núp bóng" của một số doanh nghiệp dược nước ngoài kinh doanh tại Việt Nam trong một cuộc tọa đàm mới đây về chính sách mới đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực dược phẩm, là điều đáng lưu tâm.

Ông Nguyễn Tất Đạt, Phó cục trưởng Cục Quản lý dược cho biết, gần đây, 3 tập đoàn dược phẩm nước ngoài được cấp giấy phép thực hiện dịch vụ bảo quản thuốc tại Việt Nam đã núp bóng quyền này để kinh doanh trá hình.

Cụ thể, có doanh nghiệp đã lợi dụng tình trạng khan hiếm vắc-xin khó sản xuất tại Việt Nam để đầu cơ thuốc, hay một doanh nghiệp lợi dụng quyền được nhập khẩu, bảo quản vận chuyển thuốc đã tự ý xúc tiến tiếp thị thuốc trực tiếp tới bệnh nhân và bác sĩ tại các bệnh viện, vi phạm các quy định của pháp luật.

“Những vi phạm này hiện vẫn chưa có chế tài xử lý, nên Dự thảo Thông tư hướng dẫn thi hành Nghị định 54 cần có các quy định để giải quyết bất cập này. Đây cũng là lý do rất cần bảo lưu quyền phân phối khi đàm phán tham gia các cam kết quốc tế nhằm đảm bảo việc quản lý thị trường, tránh xảy ra tình trạng doanh nghiệp đầu cơ, gây nhiễu loạn thị trường dược phẩm, ảnh hưởng tới việc cung cấp thuốc và đáp ứng nhu cầu chữa trị của người dân”, ông Đạt nhấn mạnh.

Thống kê của Cục Quản lý dược cho thấy, tính đến cuối năm 2017, tổng giá trị thuốc sử dụng tại thị trường Việt Nam đạt khoảng 4,6 tỷ USD. Từ chỗ không chủ động sản xuất, đến nay, Việt Nam đã sản xuất được 50% số lượng thuốc tiêu thụ, trong đó 28 nhóm dược lý. Tuy nhiên, Cục Quản lý dược cũng cho biết, Việt Nam sẽ vẫn phải phụ thuộc vào các doanh nghiệp nước ngoài trong sản xuất, nhập khẩu và phân phối thuốc ở một mức độ nhất định.

Theo ông Nguyễn Tất Đạt, trong các cam kết của WTO cũng có điều khoản hạn chế hoạt động phân phối thuốc của các doanh nghiệp nước ngoài, song trên thực tế, vẫn có tới 50% trong tổng số 800 doanh nghiệp FDI, với lượng thuốc nhập khẩu và tiêu thụ chiếm tới 50% thị trường thuốc chữa bệnh Việt Nam, được kinh doanh theo hình thức bán trực tiếp cho các đơn vị phân phối, có nghĩa là doanh nghiệp dù chỉ được quyền nhập khẩu thuốc nếu đáp ứng đủ các điều kiện pháp luật thì vẫn được bán thuốc, chứ không chỉ doanh nghiệp có quyền phân phối mới được bán.

“Hiện có khoảng 200 doanh nghiệp nước ngoài đáp ứng được điều kiện này. Họ đều được quyền chủ động kinh doanh tại thị trường dược Việt Nam. Điều này cho thấy, cơ quan quản lý đã mở cửa theo hướng tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp tự do kinh doanh, nhằm đảm bảo minh bạch trong hoạt động cung cấp thuốc, cũng như đảm bảo việc tiếp cận thuốc với giá cả hợp lý, cạnh tranh của người dân”, ông Đạt nhấn mạnh.

Tin bài liên quan