Ngành dệt may: Triển vọng sáng trong thương chiến

Ngành dệt may: Triển vọng sáng trong thương chiến

(ĐTCK) Xung đột về thương mại chỉ là phần nổi của tảng băng chìm trong mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc. Kỳ thực, đây là cuộc đối đầu mang tính chất chiến lược, toàn diện về cả kinh tế, công nghệ lẫn quân sự của hai cường quốc nhằm khẳng định vị thế dẫn đầu. Khi mục đích hướng tới của cả hai bên đều vượt qua những lợi ích đơn thuần về mặt kinh tế, cuộc chiến này dự kiến sẽ còn tiếp diễn và hứa hẹn nhiều gay cấn phía trước.

Kinh tế thế giới đang kiểm định khả năng chống chịu

Một cuộc chiến rộng lớn về quy mô, đa dạng về mặt trận và căng thẳng về mức độ chắc chắn sẽ tạo ra một sự thay đổi có tính chất bước ngoặt đối với triển vọng kinh tế toàn cầu cũng như Việt Nam, dù có thể không cùng một xu hướng.

Ðể lại phía sau quãng thời gian phục hồi tích cực, kinh tế thế giới đang bước vào một giai đoạn mới, kiểm định khả năng chống chịu dưới thử thách mang tên “chiến tranh thương mại”, mà hệ quả của nó đến thời điểm hiện tại hay trong thời gian tới dự báo chủ đạo vẫn là một màu sắc ảm đạm, khó khăn.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu nói chung và các quốc gia phát triển nói riêng chậm lại rõ nét.

Tăng trưởng GDP giảm dần từ mức 3,6% năm 2018 xuống còn 3,5% năm 2019 và 3,2% năm 2020, theo dự báo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), mức thấp nhất kể từ năm 2010.

Trong đó, Mỹ, Trung Quốc cùng các bên có quan hệ thương mại song phương chặt chẽ với hai quốc gia này như Hàn Quốc, Singapore, Ðài Loan, Australia… thuộc nhóm chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.

Trung Quốc đang gồng mình để không đánh mất ngưỡng tăng trưởng 6% và Mỹ cũng nhiều khả năng chỉ đạt tốc độ tăng trưởng khiêm tốn 1,9% đến năm 2020.

Môi trường đầu tư kinh doanh chứa đựng nhiều bất định, cộng với chuỗi giá trị thương mại toàn cầu bị đứt gãy đột ngột đã làm suy yếu hai lĩnh vực quan trọng, động lực tăng trưởng của kinh tế thế giới là sản xuất và xuất khẩu.

Chỉ số PMI đo lường sức khỏe ngành sản xuất tại nhiều quốc gia, khu vực như EU, Nhật Bản, Hàn Quốc… liên tục đi xuống, thậm chí đã rơi xuống dưới mức 50 điểm trong vài tháng liên tiếp, báo hiệu sự co hẹp của hoạt động sản xuất.

Trong khi đó, giao dịch thương mại quốc tế của 10 quốc gia lớn nhất cũng đảo chiều, ghi nhận mức tăng trưởng âm 3,4% trong 6 tháng đầu năm 2019 so với mức tăng trưởng thông thường 5 - 10% của các kỳ gần đây.

Mặc dù vậy, khả năng xảy ra một cuộc khủng hoảng gắn liền chu kỳ kinh tế 10 năm vẫn đang ở mức thấp, xác suất vào khoảng 20 - 30%, ít nhất là trong vòng 1 năm tới với kỳ vọng thương chiến Mỹ - Trung dù chưa thể kết thúc, nhưng các bên sẽ tìm được một điểm cân bằng tương đối để tránh rơi vào một kịch bản tồi tệ nhất khi đã lường đón trước được phần nào các hậu quả.

Tác động tới Việt Nam, ẩn số cần theo dõi

Việt Nam, với đặc thù của một quốc gia có độ mở nền kinh tế lớn, khi thương chiến mới nổ ra, được dự báo sẽ đối mặt với khó khăn từ nhiều phía. Nhưng thời gian trôi qua, đầy bất ngờ, kinh tế Việt Nam lại đón nhận một kịch bản có chiều hướng thuận lợi hơn, ít nhất là trong giai đoạn 2019 - 2020.

Tốc độ tăng trưởng GDP duy trì ở mức cao, dự kiến hoàn thành mục tiêu Quốc hội đề ra trong năm 2019 ở mức khoảng 6,8% và có thể đạt khoảng 6,6% trong năm 2020.

Cần phải nhấn mạnh ở kết quả này là đóng góp của hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài và xuất nhập khẩu, vốn là các cấu phần thường có độ nhạy cảm cao trước các cú sốc từ bên ngoài.

Dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài diễn biến lạc quan khi Việt Nam trở thành “vịnh trú ẩn” cho các doanh nghiệp trong tâm chiến thương mại.

Giải ngân FDI 9 tháng đầu năm đạt hơn 14 tỷ USD, tăng 7,3% so với cùng kỳ 2018 và hướng tới mức kỷ lục khoảng 21 tỷ USD/năm trong 2019 và 2020.

Nhiều tập đoàn lớn như Google, Sharp, Nitendo, Foxconn… đã quyết định xây mới, mở rộng đầu tư vào Việt Nam và sắp tới có thể xuất hiện những tên tuổi như GoerTek, Apple…

Hoạt động xuất nhập khẩu cũng đạt được thành tích ấn tượng. Trái ngược với xu hướng giảm của thương mại toàn cầu nói chung và các quốc gia trong khu vực nói riêng như Thái Lan, Malaysia, Hàn Quốc, kim ngạch xuất nhập khẩu 9 tháng đầu năm của Việt Nam đạt 382,7 tỷ USD, tăng 9% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, xuất khẩu tăng 8,2% và nhập khẩu tăng 8,9%.

Một số ngành xuất khẩu thế mạnh đều giữ vững được tốc độ tăng trưởng cao như máy vi tính, linh kiện điện tử 17%, dệt may 11%, giày dép 13%, gỗ 18%. Cán cân thương mại theo đó thặng dư 5,9 tỷ USD sau 9 tháng và trạng thái tích cực này dự báo chưa có thay đổi cho đến 2020.

Bên cạnh câu chuyện tăng trưởng, nền tảng vĩ mô duy trì được sự ổn định cũng là một thành quả đáng chú ý. Nguồn cung ngoại tệ dồi dào, đồng nội tệ có xu hướng mạnh lên xét về giá trị thực, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp đã tạo dư địa để Ngân hàng Nhà nước điều hành chính sách tiền tệ nới lỏng hơn, góp phần hỗ trợ tăng trưởng.

Tuy nhiên, mọi thứ đều có hai mặt. Chiến tranh thương mại kéo dài, những rủi ro đối với kinh tế Việt Nam có thể sẽ dần lộ diện. Thứ nhất, tình trạng gian lận thương mại có dấu hiệu gia tăng, kéo theo nguy cơ bị áp thuế cao đối với hàng hóa xuất khẩu khi một bộ phận dòng vốn đầu tư nước ngoài chảy vào hướng đến mục tiêu lợi dụng xuất xứ Việt Nam.

Thứ hai, ở cấp độ nghiêm trọng hơn, Việt Nam có thể bị mắc kẹt sâu hơn nữa vào cuộc đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc, chịu áp lực gia tăng từ cả hai phía.

Về phía Mỹ, Việt Nam hiện đã rơi vào danh sách theo dõi các quốc gia thao túng tiền tệ của nước này và cần thận trọng với vấn đề thặng dư thương mại cũng như can thiệp tỷ giá. Về phía Trung Quốc, tranh chấp trên biển Ðông cũng đang trở nên căng thẳng hơn.

Ngoài ra, khả năng xảy ra khủng hoảng kinh tế toàn cầu cũng cần được tính đến. Do vậy, cộng với các vấn đề nội tại, triển vọng trong dài hạn của kinh tế Việt Nam vẫn là một ẩn số cần được theo dõi thêm.

Ngành dệt may: Cơ hội và thách thức từ thương chiến

Có nhiều lý do khiến dệt may Việt Nam là một lĩnh vực nhận được sự quan tâm trong bối cảnh chiến tranh thương mại hiện nay, trong đó phải kể đến vị trí đối tác thương mại số 1 của Mỹ và Trung Quốc lần lượt ở hai chiều xuất khẩu và nhập khẩu trong lĩnh vực này.

Xét trên tổng thể, ngành dệt may vẫn đang duy trì được đà tăng trưởng khá tốt. Trong 8 tháng đầu năm 2019, chỉ số sản xuất công nghiệp ngành dệt đạt mức tăng trưởng 10,7% và ngành sản xuất trang phục đạt 10,3%, đều cao hơn mức bình quân 9,6% của toàn ngành.

Trong đó, vải dệt từ sợi tự nhiên ước đạt 480 triệu m2, tăng 10,5%; sản xuất vải dệt từ sợi tổng hợp và sợi nhân tạo ước đạt 886 triệu m2, tăng 9,9%; quần áo mặc thường đạt khoảng 3,8 tỷ cái, tăng 9,0% so với cùng kỳ 2018.

Ngành dệt may: Triển vọng sáng trong thương chiến   ảnh 1

Kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may và may mặc đạt khoảng 24,8 tỷ USD, tăng 10,4% so với cùng kỳ năm trước, giữ vững vị trí Top 3 các mặt hàng có giá trị xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, chỉ sau điện thoại, linh kiện điện tử và máy tính.

Tuy nhiên, một số mảng trong ngành lại đối mặt với nhiều khó khăn hơn, đơn cử là sợi dệt. Giá trị xuất khẩu mặt hàng xơ, sợi dệt của Việt Nam chỉ tăng 3% trong 8 tháng đầu năm 2019 so với mức bình quân 20% của các năm trước do xuất khẩu sang thị trường chủ lực Trung Quốc giảm 10%.

Ðây là hệ quả tất yếu khi doanh nghiệp dệt may tại Trung Quốc co hẹp quy mô sản xuất, giảm nhu cầu nguyên liệu đầu vào trước các đòn trừng phạt từ phía Mỹ.

Bên cạnh đó, giá bông thế giới giảm mạnh 20% chỉ trong vòng 1 năm qua vô hình trung làm gia tăng thêm khó khăn cho ngành sợi dệt.

Với các nhà đầu tư quan tâm tới ngành dệt may, trong giai đoạn 2019 - 2020, có nhiều điểm cần chú ý từ diễn biến kinh tế thế giới và trong nước.

Ðó là, kinh tế thế giới có thể chưa suy thoái nhưng tốc độ tăng trưởng vẫn trên đà chậm lại, bao gồm tại các thị trường xuất khẩu quan trọng của Việt Nam như Mỹ, châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản.

Ðiều này sẽ ảnh hưởng đến lực cầu tiêu dùng nói chung và hàng dệt may nói riêng, dù mức độ co giãn của hàng dệt may thường ở mức thấp hơn so với nhóm hàng hóa cao cấp trong bối cảnh khó khăn.

Tuy nhiên, lực cầu tiêu dùng và đầu tư yếu đến cùng thời điểm với nguồn cung của hai hàng hóa cơ bản là bông và dầu thô trên thế giới khá dồi dào có thể sẽ giúp cho giá bông cũng như giá dầu duy trì khá ổn định.

Theo dự báo của Bộ Nông nghiệp Mỹ, tồn kho bông toàn cầu có thể đạt 83,7 triệu kiện trong vụ mùa 2019 - 2020, bao gồm tại cả Mỹ cũng như Ấn Ðộ, kéo theo giá bông Cotlook A có thể giảm xuống còn 1.400 USD/tấn, giảm khoảng 10% so với thời điểm cuối tháng 8/2019. Trong khi đó, giá dầu Brent dự báo vẫn duy trì tương đối ổn định quanh khoảng 60 USD/thùng.

Hiện khoảng 80% giá trị hàng dệt may xuất khẩu sang Mỹ của Trung Quốc đều đã bị đánh thuế ở mức 15 - 25% và đến cuối năm 2019 tỷ lệ này có thể lên tới 100%.

Ðồng thời, đồng Nhân dân tệ có thể tiếp tục giảm giá so với USD, tỷ giá USD/CNY có thể tăng lên mức 7,2 - 7,3 nếu chiến tranh thương mại Mỹ - Trung tiếp tục leo thang.

Ở trong nước, tăng trưởng kinh tế Việt Nam vẫn duy trì ở mức khá cao và dư địa thị trường tiêu dùng trong nước rộng lớn với quy mô dân số xấp xỉ 100 triệu người.

Xu hướng dịch chuyển sản xuất hàng hóa dệt may từ Trung Quốc sang Việt Nam tiếp tục diễn ra và dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào công nghiệp chế biến chế tạo nói chung, dệt may nói riêng có thể gia tăng.

Ðiểm đáng chú ý nữa là, nguồn cung ngoại tệ dồi dào giúp ổn định tỷ giá cũng như lãi suất trên thị trường. Tỷ giá USD/VND nhiều khả năng chỉ biến động bình quân khoảng 1%/năm trong giai đoạn 2019 - 2020, trong khi lãi suất VND sẽ được hỗ trợ từ xu hướng điều hành chính sách tiền tệ nới lỏng của Ngân hàng Nhà nước.

Nền tảng vĩ mô và thị trường này sẽ mở ra cả cơ hội và thách thức cho ngành dệt may.

Cơ hội sẽ đến từ xu hướng ổn định của giá nguyên liệu đầu vào như giá bông, giá dầu, khả năng thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài để gia tăng xuất khẩu sang thị trường Mỹ cũng như sự tăng trưởng tích cực của kinh tế mô trong nước, diễn biến thuận lợi của tỷ giá và lãi suất.

Trong khi đó, thách thức sẽ đến từ xu hướng sụt giảm chung của kinh tế toàn cầu, sự tăng giá tương đối của VND so với USD, sự cạnh tranh của hàng Trung Quốc tại các thị trường ngoài Mỹ…

Năm 2020 đang đến gần và sẽ có không ít biến động thú vị đang chờ đón ở phía trước. Có khó khăn, có thách thức, nhưng kỳ vọng màu sắc tươi sáng vẫn là chủ đạo đối với kinh tế Việt Nam nói chung, ngành dệt may nói riêng.

Tin bài liên quan