Gam sáng trong bức tranh tối màu
Mới đây, Tổng giám đốc PVN Lê Mạnh Hùng đã có buổi giao ban trực tuyến với tổng giám đốc các đơn vị thành viên PVN.
Tại buổi giao ban, ông Hùng nêu rõ bối cảnh kinh doanh khó khăn của Tập đoàn từ đầu năm tới nay. Theo đó, ngành dầu khí đối mặt với “khủng hoảng kép”: nhu cầu tiêu thụ xăng dầu giảm mạnh do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 đến nền kinh tế toàn cầu khiến cung vượt cầu, tồn kho gia tăng; giá dầu rơi sâu, có thời điểm xuống mức thấp nhất trong hàng trăm năm qua.
Tháng 7 tiếp tục là một tháng không bình yên của nền kinh tế thế giới khi dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp. Nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ như Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản, Trung Quốc, Hồng Kông, Brazil… ghi nhận thêm kỷ lục về số ca nhiễm mới, số ca tử vong. Cùng với đó, mối quan hệ giữa Mỹ - Trung căng thẳng hơn bằng việc đóng cửa một số trụ sở lãnh sự quán tại hai nước.
Đoàn công tác của Thường trực Ban Bí thư đến thăm Nhà máy Đạm Cà Mau
Trong bức tranh kinh tế thế giới vô cùng ảm đạm, kết quả hoạt động của một số tập đoàn, công ty dầu khí hàng đầu thế giới đều suy giảm nặng nề hơn so với quý I. Nhiều tập đoàn báo lỗ hàng tỷ USD, phải thu hẹp quy mô hoạt động.
“Mặc dù vậy, nhờ kịp thời xây dựng và thực hiện gói giải pháp ứng phó với “khủng hoảng kép”, tình hình sản xuất - kinh doanh của PVN có nhiều điểm sáng”, Tổng giám đốc Lê Mạnh Hùng nhấn mạnh.
Cụ thể, PVN vẫn giữ vững nhịp độ sản xuất, đảm bảo cung ứng các mặt hàng chiến lược như khí, điện, đạm, xăng dầu... cho nền kinh tế. Giá dầu trung bình 7 tháng của PVN là 44 USD/thùng, chỉ bằng 73% mức giá kế hoạch năm (60 USD/thùng), nhưng doanh thu toàn Tập đoàn trong 7 tháng đạt 327.798 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế đạt hơn 10.000 tỷ đồng. Tập đoàn đã đóng góp hơn 38.000 tỷ đồng vào ngân sách nhà nước.
Điểm sáng đáng kể của PVN trong 7 tháng đầu năm là đầu tháng 7 đã khẳng định được trữ lượng lớn dầu khí tại Lô 114. Sự kiện này được đánh giá sẽ mở ra cơ hội thu hút đầu tư và phát triển Tập đoàn trong các lĩnh vực từ khai thác, chế biến, công nghiệp điện khí, đến dịch vụ dầu khí trong giai đoạn tới.
Trong lĩnh vực công nghiệp điện, ngày 10/7/2020, PVN đã đóng điện thành công Sàn phân phối Trung tâm Nhiệt điện Sông Hậu, ký hợp đồng thuê quản lý vận hành với Tổng công ty Truyền tải điện Việt Nam (EVNNPT).
Trong tháng 7 đã thực hiện tiết giảm 917 tỷ đồng, tính chung 7 tháng tiết giảm được 5.624 tỷ đồng, đạt 60,4% so với kế hoạch tiết giảm Tập đoàn phê duyệt.
Hoạt động khai thác dầu, khai thác khí được tối ưu ở mức phù hợp với điều kiện kỹ thuật, đồng thời giảm tối đa thiệt hại về kinh tế khi giá dầu giảm sâu.
Các đơn vị trong Tập đoàn đều giữ được nhịp độ sản xuất - kinh doanh bình thường. Những đơn vị sản xuất như VSP, PVEP, Rusvietpetro, Biển Đông POC, PVGAS, BSR, PVFCCo, PVCFC hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch các chỉ tiêu sản lượng sản xuất.
Dòng tiền của Tập đoàn và các đơn vị thành viên đảm bảo tính thanh khoản thông suốt, ổn định, góp phần quan trọng cho hoạt động sản xuất - kinh doanh giữ được nhịp độ phát triển. Công tác đầu tư của Tập đoàn được kiểm soát theo tiến độ và kế hoạch đề ra.
Công tác quản trị đã có nhiều chuyển biến tích cực, đã hoàn thành và chính thức ban hành Bộ quy chế quản trị dưới dạng E-Book áp dụng thực hiện từ ngày 1/7/2020. Đây là dấu mốc rất quan trọng trong quá trình củng cố các yếu tố mang tính nền tảng trong quản trị doanh nghiệp, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Công ty mẹ - PVN cũng như các đơn vị thành viên Tập đoàn.
Nỗ lực đối phó với khủng hoảng “kép”
Gói giải pháp ứng phó với “khủng hoảng kép” của dịch bệnh Covid-19 và giá dầu giảm sâu, được Tổng giám đốc PVN nhắc tới bao gồm 5 nhóm giải pháp tổng thể.
Đó là: Nhóm giải pháp về quản trị; Nhóm giải pháp về tài chính; Nhóm giải pháp về đầu tư; Nhóm giải pháp về thị trường; Nhóm giải pháp về cơ chế chính sách.
Các nhóm giải pháp này được PVN chi tiết hóa cho 5 lĩnh vực hoạt động của Tập đoàn, đặt trọng tâm vào 3 lĩnh vực được xác định chịu ảnh hưởng trực tiếp và nặng nề nhất là (1) tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí; (2) chế biến dầu khí và phân phối sản phẩm dầu khí; (3) dịch vụ dầu khí.
Đại dịch được dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp trên toàn cầu, nhiều tổ chức năng lượng/tài chính uy tín trên thế giới về giá dầu năm 2020 và 2021 duy trì dự báo ở mức thấp, khoảng 40 USD/thùng. Ở trong nước, làn sóng tái bùng phát dịch bệnh ảnh hưởng nặng nề đến kinh tế, Tổng giám đốc Lê Mạnh Hùng nhận định, hoạt động sản xuất - kinh doanh và đầu tư của PVN sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức.
Từ kinh nghiệm ứng phó với “khủng hoảng kép” trong thời gian qua, ông Hùng cho biết, trong những tháng còn lại của năm 2020, PVN tiếp tục thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp đã xây dựng, thường xuyên cập nhật để có những giải pháp tối ưu nhất phù hợp với tình hình thực tế.
“Trong khó khăn càng cần cố gắng, nỗ lực cao, kiểm soát và giảm thiểu rủi ro, phấn đấu hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu kế hoạch sản xuất năm 2020”, ông Hùng nhấn mạnh.