Ảnh Shutterstock.

Ảnh Shutterstock.

Ngành công thương đặt mục tiêu xuất khẩu 300 tỷ USD

(ĐTCK) Ghi nhận kỷ lục về kim ngạch xuất nhập khẩu với trên 500 tỷ USD vào năm 2019, mức cao chưa từng có từ trước tới nay, tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2019 và triển khai nhiệm vụ năm 2020 của ngành công thương, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc giao nhiệm vụ, năm 2020, ngành công thương cần đưa kim ngạch xuất khẩu chạm mốc 300 tỷ USD.

Với 517 tỷ USD kim ngạch xuất nhập khẩu 2019, Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng ngoại thương gấp 4 lần so với bình quân các quốc gia trên thế giới.

Trong số này, kim ngạch xuất khẩu đạt gần 264 tỷ USD; xuất siêu 9,94 tỷ USD duy trì thặng dư 4 năm liên tiếp.

Có 32 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, trong đó có 8 mặt hàng xuất khẩu trên 5 tỷ USD và 6 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD.

"10 năm trước, chúng ta chưa thể hình dung được con số này bởi nhập siêu liên tục. Ðến nay, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu chững lại, đầu tư thương mại sụt giảm, đây là thành quả không thể bàn cãi của ngành công thương, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế nói chung”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Tuy nhiên, Thủ tướng cho rằng, đây mới chỉ là thành công bước đầu khi Việt Nam tiến sâu vào chặng đường hội nhập.

Với việc tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) và đã thực thi Hiệp định Ðối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Việt Nam có điều kiện thuận lợi để đẩy mạnh xuất khẩu, tạo động lực cho tăng trưởng chung của nền kinh tế.

Thủ tướng lưu ý Bộ Công thương cần có các giải pháp gia tăng mạnh hơn nữa kim ngạch xuất khẩu, đồng thời kiểm soát nhập khẩu, trong đó đặc biệt lưu ý giữ được thị trường bán lẻ trong nước, cùng với mở rộng thị trường nước ngoài.

Mục tiêu cụ thể là kim ngạch xuất khẩu đạt 300 tỷ USD trong năm 2020, công nghiệp chế biến - chế tạo tăng 12%; tăng trưởng thương mại nội địa, bán lẻ đạt 12%. 

Về phía doanh nghiệp, ông Phạm Văn Tài, Tổng giám đốc CTCP Ô tô Trường Hải (Thaco) kiến nghị, Bộ Công thương cần có cơ chế, chính sách thu hút đầu tư phát triển công nghiệp ô tô và công nghiệp hỗ trợ.

Ðặc biệt cần có cơ chế khuyến khích xuất khẩu ô tô và linh kiện phụ tùng ô tô cơ khí.

“Trong bối cảnh hội nhập sâu rộng hiện nay, việc xuất khẩu được ô tô và linh kiện phụ tùng ô tô, cơ khí... có ý nghĩa hết sức quan trọng cho ngành công nghiệp ô tô Việt Nam, khẳng định khả năng hiện thực hóa chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô của Chính phủ, góp phần giảm nhập siêu và cân bằng cán cân thương mại. Ðây là điều rất cần thiết đối với các doanh nghiệp sản xuất ô tô và linh kiện, phụ tùng”, ông Tùng nhấn mạnh.

Năm 2019, Thaco đã mở hàng xuất khẩu được 186 xe các loại sang các thị trường như Philippines, Thái Lan, Singapore, Campuchia, Myanmar, Mỹ…

Bên cạnh đó, Thaco đã ghi dấu ấn trong xuất khẩu phụ tùng linh kiện sang thị trường khu vực với tổng giá trị 14,5 triệu USD.

Mục tiêu năm 2020 được Tổng giám đốc Thaco chia sẻ là xuất khẩu 1.026 xe các loại và linh kiện phụ tùng trị giá 21 triệu USD.

Doanh số xuất khẩu sẽ tiếp tục gia tăng trong những năm tiếp theo cùng với việc mở rộng thị trường và các loại sản phẩm.

Trong lĩnh vực dệt may, các FTA đã ký kết tạo cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu, kêu gọi đầu tư trong và ngoài nước vào ngành công nghiệp nguyên vật liệu vải sợi.

Ông Vũ Ðức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, năm 2019, toàn ngành xuất khẩu được 39 tỷ USD, thặng dư thương mại của ngành là 17 tỷ USD.

Tuy nhiên, theo ông Giang, hiện nay quy hoạch ngành đã trở nên lỗi thời, đòi hỏi phải có sự đổi mới.

“Các FTA có tác động rất lớn đến ngành dệt may. Riêng năm 2019, nhiều khách hàng đã quay vào thị trường Việt Nam để mua hàng, nên việc điều chỉnh lại quy hoạch ngành là nhu cầu bức thiết trong mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu”, ông Giang nhấn mạnh.

Ông Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Bộ Công thương

Ngành công thương đặt mục tiêu xuất khẩu 300 tỷ USD ảnh 1

Năm 2020, có nhiều thách thức lớn đặt ra đối với hoạt động xuất nhập khẩu trong bối cảnh kinh tế thế giới chững lại, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, trào lưu bảo hộ mậu dịch ngày càng gia tăng, tác động tới hoạt động thương mại toàn cầu.

Theo đó, việc tham mưu, dự báo chính sách cần đảm bảo sát thực tế, nâng cao hiệu quả cơ chế phối hợp đồng bộ xử lý các vấn đề phát sinh trong thương mại quốc tế như vượt qua các rào cản thương mại, chống trợ cấp chống bán phá giá, gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp để lẩn tránh phòng vệ thương mại... Bên cạnh đó, yêu cầu đặt ra là liên tục hoàn thiện công tác xúc tiến thương mại và mở rộng thị trường cho hàng hóa xuất khẩu để đảm bảo thực hiện mục tiêu gia tăng kim ngạch và tốc độ tăng trưởng xuất khẩu. 

Tin bài liên quan