Ngành cao su hưởng lợi từ chu kỳ tăng giá

0:00 / 0:00
0:00
Kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp ngành cao su, săm lốp tiếp tục hồi phục mạnh mẽ trong quý I/2021, là cơ sở để ngành này đặt kỳ vọng lớn vào kết quả chung của năm nay.

Nỗi lo bên kia bán cầu

Theo bà W. Luckett, người sáng lập Simko North America - một trong 3 nhà phân phối cao su thiên nhiên tại Mỹ, các vấn đề về nguồn cung bắt đầu ảnh hưởng đến quốc gia này từ nửa cuối năm 2020. “Trung Quốc, thị trường ô tô lớn nhất thế giới và là nước tiêu thụ cao su tự nhiên hàng đầu, đã tận dụng giá thấp và sự phục hồi của nền kinh tế để tích trữ cao su cho dự trữ quốc gia”, bà Luckett nhận định trong lần trả lời Hãng tin Bloomberg gần đây.

Intertape Polymer Group, công ty của Mỹ chuyên sản xuất băng keo cho các doanh nghiệp thương mại điện tử, từ cuối năm ngoái cũng đã cảm nhận rõ sự eo hẹp của nguồn cung cao su - loại nguyên liệu tạo nên chất kết dính của sản phẩm này.

Các nhà sản xuất ô tô vốn đang “đau đầu” bởi bài toán khan hiếm của chip bán dẫn cho biết, họ chưa cảm thấy lo ngại về nguồn cung cao su, nhưng với các nhà cung cấp phụ tùng như Carlstar Group - công ty sản xuất lốp xe địa hình và xe nông nghiệp của Mỹ, điều này đang là mối bận tâm lớn.

Nhu cầu cao su của Trung Quốc để phục vụ ngành công nghiệp ô tô đang hồi phục mạnh mẽ là yếu tố hỗ trợ tích cực cho loại hàng hóa này. Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh vẫn là biến số khó lường tác động đến giá các hàng hóa nói chung và cao su nói riêng.

Đầu tháng 2/2021, giá cao su tự nhiên kỳ hạn trên sàn giao dịch hàng hóa Tokyo vọt lên 338 JPY/kg, mức cao nhất trong gần 4 năm qua. Tình trạng thiếu hụt chip bán dẫn kéo theo lo ngại sụt giảm sản lượng ô tô và nhu cầu lốp xe khiến giá loại nguyên liệu này giảm mạnh từ cuối tháng 3, hiện giao dịch ở mức 225 JPY/kg. Tuy vậy, mức này vẫn cao gấp rưỡi thời điểm cách đây một năm.

Theo lãnh đạo của Công ty cổ phần Cao su Đà Nẵng, một trong những doanh nghiệp lớn chuyên sản xuất săm lốp của Việt Nam, giá cao su đầu vào đã tăng bình quân 20 - 25% trong cả năm 2020.

World Bank nhận định, năm 2021, giá cao su có thể tăng trên 3% do chênh lệch cung - cầu. Năng suất cao su có thể giảm đáng kể trong giai đoạn 2021 - 2022 do nguồn cung cao su thấp hơn trong điều kiện thiếu hụt lao động vì đại dịch, bất ổn tại Thái Lan và bệnh nấm lá ở cây cao su tại Indonesia, Thái Lan, Sri Lanka.

Trong khi đó, giá dầu dự báo tăng cũng là yếu tố hỗ trợ giá cao su. Nhu cầu cao su thiên nhiên và cao su tổng hợp trên thế giới có thể hồi phục mạnh nhờ tăng trưởng của phân khúc xe thương mại, găng tay hay các sản phẩm khác trong mùa dịch.

Kỳ vọng vào chu kỳ tăng giá hàng hóa mới

Số liệu do Tổng cục Hải quan công bố giữa tháng 4 cho thấy, giá trị xuất khẩu cao su và sản phẩm từ cao su của Việt Nam trong quý I/2021 đã vượt xa thời điểm trước khi Covid-19 xuất hiện. Gần 406.500 tấn cao su đã được xuất đi, tăng 77,4% so với với 3 tháng đầu năm 2020. Với giá bán tốt hơn, giá trị xuất khẩu cao su quý đầu năm 2021 thậm chí gấp hơn 2 lần với cùng kỳ năm 2020, đạt gần 675 triệu USD. Trong đó, riêng sản lượng cao su xuất sang Trung Quốc chiếm 71% về lượng và 68,6% về giá trị.

Tương tự, các sản phẩm từ cao su xuất khẩu cũng mang về gần 303 triệu USD, tăng 59% so với cùng kỳ năm 2020. Mỹ và Nhật Bản là những thị trường xuất khẩu chính của nhóm mặt hàng này.

Giá cao su phục hồi từ quý III/2020 giúp nhiều doanh nghiệp cao su tự nhiên lẫn nhóm săm lốp đạt được kết quả kinh doanh khả quan. Dù mới ở giai đoạn đầu kỳ công bố kết quả kinh doanh quý I/2021, một số doanh nghiệp cao su đã cho biết những con số tích cực từ hoạt động kinh doanh lõi.

Cụ thể, doanh thu hợp nhất của Công ty cổ phần Đầu tư cao su Đắk Lắk trong quý I/2021 đạt 124,5 tỷ đồng, cao gấp 2,37 lần quý I/2020. Cùng với mức tỷ suất lợi nhuận gộp tăng từ 12,7% lên gần 34%, Công ty báo lãi trước thuế 21,5 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ 8,3 tỷ đồng. Doanh nghiệp với 8.810 ha cao su tại Lào đặt mục tiêu lợi nhuận năm 2021 cao gấp đôi năm 2020. Đến nay, kế hoạch này đã hoàn thành tới 35%.

Tương tự, theo báo cáo tài chính riêng của công ty mẹ, quý I/2021, Cao su Tân Biên và Cao su Tây Ninh đều đạt được mức doanh thu cao gấp đôi cùng kỳ. Với biên lợi nhuận tăng vọt, Cao su Tân Biên thu về 27,3 tỷ đồng lợi nhuận, trong khi cùng kỳ lãi chưa đến 2 tỷ đồng. Lợi nhuận của Cao su Tây Ninh cũng tăng gấp rưỡi so với cùng kỳ năm 2020.

Công ty mẹ Cao su Phước Hòa do không ghi nhận khoản lãi đột biến, nên chỉ báo lãi trước thuế 26,5 tỷ đồng, bằng hơn 15% lợi nhuận cùng kỳ năm 2020. Dù vậy, tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận gộp vẫn rất mạnh, lần lượt đạt 41% và 162%.

Với doanh nghiệp sản xuất săm lốp như Công ty cổ phần Cao su Đà Nẵng, giá trị sản xuất quý I/2021 đạt 1.083 tỷ đồng, tăng 33% so với cùng kỳ. Doanh thu thuần nhờ đó tăng 18% lên 944 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế đạt 71 tỷ đồng, cao gấp rưỡi cùng kỳ. Giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, nhưng Cao su Đà Nẵng vẫn đang duy trì tốt biên lợi nhuận gộp.

Ông Lê Hoàng Khánh Nhựt, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Cao su Đà Nẵng cho biết, trong bối cảnh giá nguyên liệu đầu vào tăng, Công ty đã có hai lần tăng giá sản phẩm và đều được thị trường chấp nhận. Cụ thể là tăng giá bán lốp ô tô thêm 3%; tăng giá lốp xe máy và lốp xe đạp lên 5%.

Việc khách hàng chấp nhận mức giá mới mà doanh số bán ra của Cao su Đà Nẵng không bị ảnh hưởng phần nào phản ánh quyền lực của bên bán ở ngành kinh doanh này.

Đông Nam Á là khu vực trồng cao su quan trọng nhất thế giới. Cùng với Ấn Độ, Thái Lan, Indonesia, Việt Nam là những quốc gia sản xuất lớn trong ngành này. Vài năm trước khi đại dịch Covid-19 xảy ra, nhiều nhà sản xuất và xuất khẩu cao su lớn của thế giới đã phải vật lộn với khó khăn do giá bán duy trì ở mức thấp trong thời gian dài vì tình trạng dư cung xuất phát từ làn sóng mở rộng diện tích các đồn điền cao su giai đoạn 2004 - 2010. Sự điều tiết của bàn tay vô hình thời gian qua phần nào thu hẹp nguồn cung thị trường.

Nhu cầu cao su của Trung Quốc để phục vụ ngành công nghiệp ô tô đang hồi phục mạnh mẽ là yếu tố hỗ trợ tích cực cho loại hàng hóa này. Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh vẫn là biến số khó lường tác động đến giá các hàng hóa nói chung và cao su nói riêng. Ngay giữa tháng 4 này, Tokyo lại bắt đầu một đợt phong tỏa khẩn cấp mới khi chỉ còn hơn 100 ngày nữa sẽ bắt đầu Thế vận hội mùa hè. Ấn Độ, Hàn Quốc và Thái Lan cũng đang phải đối mặt với số lượng ca nhiễm gia tăng, đang làm giảm hy vọng vào sự hồi phục kinh tế mạnh mẽ của khu vực.

Tin bài liên quan