Tuy nhiên, công nghệ chỉ là một khía cạnh trong nền kinh tế số mà doanh nghiệp bảo hiểm đang tìm cách để thích ứng và theo kịp. Thực tế, sự trỗi dậy của hệ sinh thái kinh tế (ecosystems) và các nền tảng điện tử (platform) đặt ra bối cảnh mới, khiến ngành bảo hiểm phải định hình lại cách nghĩ về vai trò truyền thống của mình và đón nhận tư duy về hệ sinh thái kinh tế.
Hệ sinh thái kinh tế sẽ chiếm 30% doanh thu toàn cầu cho tới 2025
Platform là mô hình kinh doanh cho phép nhiều đối tượng (nhà sản xuất và người tiêu dùng) có sự kết nối, tương tác và trao đổi các giá trị.
Những doanh nghiệp thành công bậc nhất trong kỷ nguyên số, bao gồm Alibaba, Amazon và Facebook, đều được thiết kế trên mô hình này.
Trong khi đó, ecosystem mang tính chất liên kết các dịch vụ cho phép người dùng có thể thỏa mãn các nhu cầu đa dạng của mình trong một trải nghiệm đồng bộ.
Hệ sinh thái kinh tế gần đây đã trỗi dậy trên toàn cầu, trở thành trung tâm của mọi hoạt động kinh tế, bao gồm du lịch, dịch vụ sức khỏe, nhà ở…
Những thay đổi này của nền kinh tế tất nhiên tạo tác động tới ngành bảo hiểm. Ðể thành công trong hệ sinh thái kinh tế mới, nhà bảo hiểm cần xem xét lại vai trò truyền thống và mô hình kinh doanh hiện tại của mình, cân nhắc nắm bắt các cơ hội mới để đưa ra quyết định mang tính sống còn.
Theo báo cáo của McKinsey&Company, doanh nghiệp bảo hiểm cần phải hiểu rằng, hệ sinh thái kinh tế sẽ làm dịch chuyển các giá trị và thay đổi các rủi ro.
Chặng hành trình chấp nhận và ứng dụng tư duy mới sẽ rất khó khăn với doanh nghiệp bảo hiểm, nhưng người có thể hiểu và thay đổi sẽ là kẻ tiên phong tạo ra những giá trị mới.
Việc sử dụng các công nghệ số trong cuộc sống hàng ngày đã trở nên bình thường hơn bao giờ hết.
Mỗi người đều có thể cư trú qua Airbnb, gọi xe Uber hay Grab từ điện thoại, đặt hàng bữa tối qua GrubHub hay Seamless.
Apple hiện tại đã không chỉ còn là nhà sản xuất công nghệ và Facebook trở thành một lối sống.
Việc 7 trong số 10 công ty lớn nhất thế giới tính theo giá trị thị trường đều là những “tay chơi” của hệ sinh thái kinh tế (Alibaba, Alphabet, Amazon, Apple, Facebook, Microsoft, Tecent) chỉ là một dấu hiệu nhỏ cho thấy sức mạnh của kinh tế số.
Thực tế, sức tăng trưởng ấn tượng mới là điều khiến tất cả các thành viên thị trường phải kinh ngạc.
Năm 2009, Uber được sáng lập và hiện tại đã phủ sóng tại hơn 630 thành phố, 80 quốc gia. Airbnb đạt đến con số 1 triệu phòng với tốc độ nhanh hơn 50 năm so với Tập đoàn Marriott…
Thông qua hệ sinh thái kinh tế số, các công ty có cơ hội lớn để cơ cấu lại thị trường toàn cầu, thúc đẩy việc hình thành các khu vực kinh tế không giới hạn.
12 hệ sinh thái kinh tế số sẽ thế chỗ nhiều ngành công nghiệp truyền thống cho tới 2025.
Với tốc độ này, tới năm 2025, theo ước tính của McKinsey, sẽ có khoảng 12 hệ sinh thái kinh tế lớn và riêng biệt nổi lên, tập trung ở những nhu cầu cơ bản của con người (giáo dục, nhà ở, sức khỏe, dịch vụ công, du lịch và lưu trú…).
12 hệ sinh thái kinh tế này sẽ tạo doanh thu khoảng 60.000 tỷ USD cho tới năm 2025, tương đương 30% doanh thu trên toàn cầu.
Sự tiến hóa của nhà bảo hiểm trong hệ sinh thái kinh tế số
Nhà bảo hiểm có thể đóng nhiều vai trò trong hệ sinh thái kinh tế số.
Chẳng hạn, hệ sinh thái kinh tế thuộc lĩnh vực “con người - di chuyển” tạo ra hàng loạt cơ hội để ngành bảo hiểm có thể mở rộng hoạt động như mua bán phương tiện, duy trì sự quản lý, chia sẻ xe, quản lý giao thông, kết nối phương tiện và đậu đỗ.
Cụ thể hơn, với ngành vận tải truyền thống, nhà bảo hiểm vào cuộc khi có thiệt hại về vật chất.
Nhưng với một công ty dịch vụ chia sẻ xe, vốn không sở hữu các tài sản vật chất liên quan tới hoạt động di chuyển, họ không chịu thiệt hại bởi tai nạn thông thường.
Theo đó, các doanh nghiệp thuộc hệ kinh tế số này quan tâm tới các diễn biến có thể khiến con người trong khu vực đó khó tiếp cận các phương tiện, như đe dọa khủng bố, thời tiết xấu, dịch bệnh…
Tác động của những yếu tố này tới hoạt động kinh doanh là rất khó để ước lượng và tạo ra thách thức trong cung cấp sản phẩm, dịch vụ với nhà bảo hiểm truyền thống.
Không chỉ vậy, sự phát triển của hệ sinh thái số này tạo ra cuộc đua nhằm cung cấp những chuyến đi an toàn hơn, giá rẻ hơn và dễ dàng sử dụng hơn cho tất cả mọi người.
Ðiều này khiến nhà bảo hiểm đối diện với những lĩnh vực chưa từng tiếp cận tới, như bảo hiểm trách nhiệm với xe tự lái, dịch vụ hỗ trợ đưa người từ nhà tới các điểm đón xe, bảo hiểm trách nhiệm quản lý an toàn cho các chuyến đi…
Theo đó, với sự phát triển của các doanh nghiệp chia sẻ xe như Uber, nhà bảo hiểm đang chuyển từ cách tiếp cận truyền thống là chấp nhận và phần nào khắc phục rủi ro, sang tư duy ngăn chặn rủi ro.
Ðáng chú ý, hiện tại, các rủi ro mà nhà bảo hiểm thường chứng kiến cũng thay đổi nhanh chóng với 2 lý do chính.
Thứ nhất, các yếu tố bất ngờ giảm đi bởi công nghệ giúp nâng cao khả năng theo dõi, phán đoán.
Ví dụ, các ô tô có sử dụng công nghệ dò đường, định vị, theo dõi kỹ thuật xảy ra ít sự cố và tai nạn hơn.
Thứ hai, có sự thay đổi về cơ bản đối với các yếu tố thường tạo ra rủi ro, khiến các doanh nghiệp bảo hiểm phải tập trung vào việc dự báo và quản lý rủi ro đối với những cá nhân riêng biệt, thay vì với số đông như truyền thống.
Một vấn đề khác, doanh nghiệp bảo hiểm cần có sự “tiến hóa” là áp dụng tư duy hệ sinh thái vào hoạt động kinh doanh của mình. Trong bối cảnh đòi hỏi ngành bảo hiểm phải tập trung vào vấn đề ngăn chặn rủi ro, việc tạo các mối liên kết được xem là ưu tiên hàng đầu.
Theo đó, lãnh đạo các doanh nghiệp bảo hiểm cần nỗ lực kết nối với các nhà cung cấp IoT (Internet vạn vật).
Quá trình này thực tế đã bắt đầu diễn ra, chẳng hạn, các nhà bảo hiểm hợp tác với Zubie - nhà cung cấp dịch vụ theo dõi phương tiện và chẩn đoán các vấn đề kỹ thuật, nhằm giúp khách hàng hiểu được thói quen lái xe của mình tác động như thế nào phí bảo hiểm.
Một số ví dụ khác có thể kể tới như Nest hợp tác với Liberty Mutual cung cấp thiết bị dò khói, từ đó giúp người mua bảo hiểm cháy nổ cho căn hộ giảm được các chi phí bảo hiểm. Manulife bắt tay cùng Indico Data Solutions phát triển công cụ phân tích các số liệu tài chính…
Sự trỗi dậy của các hệ sinh thái kinh tế số khiến nhiều doanh nghiệp tại các lĩnh vực khác nhau tìm tới nhau để tạo mối quan hệ cộng sinh và doanh nghiệp bảo hiểm cần sớm thiết lập hệ sinh thái của riêng mình nhằm đảm bảo khả năng cung cấp sản phẩm, dịch vụ mới thích ứng với đời sống công nghệ hiện đại, cũng như sự thay đổi thói quen của người tiêu dùng.
Một ví dụ điển hình là Discovery, nhà bảo hiểm tại Nam Phi, vừa thiết lập nên tiêu chuẩn mới của ngành bảo hiểm tại hệ sinh thái chăm sóc sức khỏe nhờ nền tảng Vitality.
Hiện tại, có hàng triệu khách hàng theo dõi sức khỏe của bản thân bằng Vitality và tham gia các hoạt động nâng cao sức khỏe để nhận được điểm thưởng có thể sử dụng tại hệ thống các đối tác của Discovery, bao gồm British Airway, Emirates, Europcar…
Theo số liệu tổng hợp trong 3 năm qua của Công ty, những khách hàng sử dụng Vitality giảm thiểu các rủi ro sức khỏe khoảng 22%.
Nhờ nền tảng này, Discovery có thể kết nối với thị trường quốc tế bằng việc bắt tay với hàng loạt nhà bảo hiểm có nền tảng tương tự như AIA tại châu Á, Generali tại châu Âu và một vài thị trường địa phương khác như Manulife tại Canada, Ping An tại Trung Quốc và Sumitomo ở Nhật Bản.
Kết quả là quá trình thâm nhập thị trường quốc tế của Công ty tăng trưởng trung bình 31% mỗi năm.
Như vậy, chiến lược tạo hệ sinh thái có khả năng thúc đẩy quá trình phát triển của các nhà bảo hiểm và hoàn thiện khả năng cung cấp sản phẩm,dịch vụ tại các lĩnh vực kinh tế mới.
Sự trỗi dậy của hệ sinh thái kinh tế số tạo nên những cơ hội khổng lồ, đồng thời cũng là những thử thách lớn nhất đối với ngành bảo hiểm.
Không phải doanh nghiệp nào trong ngành này cũng có đủ khả năng để nắm bắt cơ hội, tuy nhiên, theo McKinsey, cơ hội tuyệt vời nhất sẽ tới với nhà bảo hiểm có thể phản ứng nhanh nhất.