Ngành bảo hiểm: Thua lỗ và “chuẩn mực”

Ngành bảo hiểm: Thua lỗ và “chuẩn mực”

(ĐTCK) Một nửa số DN bảo hiểm nhân thọ thua lỗ, một phần tư số DN bảo hiểm phi nhân thọ thua lỗ. Làm thế nào để cải thiện tình trạng này?

Thua lỗ tăng nhanh

Ông Lê Hải Phong, Giám đốc Tài chính Tập đoàn Bảo Việt cho biết, chưa có số liệu thống kê cho năm 2013, nhưng theo tổng hợp của Tập đoàn, năm 2012, có 7/29 DN bảo hiểm phi nhân thọ thua lỗ (năm 2011 có 3/29 DN lỗ) và 7/15 DN bảo hiểm nhân thọ thua lỗ (năm 2011 có 4/15 DN lỗ).

Việc lỗ này một phần do yếu tố khách quan là kinh tế khó khăn nên nhu cầu về bảo hiểm giảm, nợ phí bảo hiểm tăng.

Tình hình biến đổi khí hậu và nóng lên toàn cầu nên mưa bão, lụt lội nhiều, bên cạnh đó là không ít vụ hỏa hoạn xảy ra, dẫn đến chi bồi thường bảo hiểm tăng.

Ngoài ra, lãi suất giảm, TTCK chưa khởi sắc, khiến kết quả đầu tư tài chính của các DN bảo hiểm bị ảnh hưởng. Còn nguyên nhân chủ quan có thể là do việc thiết kế sản phẩm bảo hiểm chưa hiệu quả, công tác quản lý rủi ro bảo hiểm chưa chặt chẽ, các chương trình tái bảo hiểm chưa đầy đủ.

 

Hướng cải thiện

Để cải thiện hiệu quả hoạt động của các DN bảo hiểm, theo ông Phong, cần phải có những sản phẩm bảo hiểm phù hợp hơn với tình hình thực tế, hấp dẫn người mua với các lựa chọn khác nhau và linh hoạt để thu hút khách hàng theo từng nhu cầu, theo từng phân khúc cụ thể.

Đồng thời, mở rộng các kênh phân phối sản phẩm bảo hiểm hiện đại (qua Internet, điện thoại di động, bancassurance...), tăng cường công tác quản lý rủi ro, có chương trình tái bảo hiểm hợp lý, quản lý tốt danh mục đầu tư. Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến và giới thiệu sản phẩm bảo hiểm.

Về phía cơ quan quản lý, ông Phong cho rằng, cần quản lý, giám sát chặt hơn động thái cạnh tranh giữa các DN bảo hiểm. Đặc biệt, cần có một bộ quy định về các chỉ tiêu công bố thông tin chi tiết và đầy đủ của hoạt động kinh doanh bảo hiểm.

Ngoài việc công bố đầy đủ báo cáo tài chính như các công ty niêm yết/đại chúng, thì các DN bảo hiểm cần công bố thông tin về tình hình khai thác bảo hiểm, tình hình bồi thường, tình hình tái bảo hiểm, mạng lưới hoạt động, địa bàn hoạt động, tổng đài chăm sóc khách hàng, sản phẩm mới, biên khả năng thanh toán, công tác xã hội, nhân sự cấp cao, việc chấp hành thời hạn công bố thông tin... để xã hội biết về các DN bảo hiểm, về sản phẩm, về khả năng cung cấp dịch vụ và tạo niềm tin cho khách hàng.

 

Cần xóa khoảng cách “chuẩn mực”

“Có một khoảng cách không nhỏ trong chuẩn mực kế toán và quản lý khả năng an toàn tài chính mà thị trường bảo hiểm Việt Nam đang áp dụng với chuẩn mực quốc tế mà các nước đang triển khai”, Giám đốc Tài chính Tập đoàn Bảo Việt nhận xét.

Cụ thể, đối với chuẩn mực kế toán, chuẩn mực kế toán Việt Nam ghi nhận chủ yếu theo giá gốc, tức là theo thời điểm phát sinh nghiệp vụ kinh tế - tài chính, mà không tính đến những biến động trong tương lai của thị trường. Còn chuẩn mực lập báo cáo tài chính  quốc tế (IFRS) ghi nhận chủ yếu theo giá trị hợp lý/nguyên giá phân bổ và sát hơn với giá trị của DN theo thị trường tại thời điểm lập báo cáo tài chính. Do vậy, nếu áp dụng IFRS thì giá trị DN bảo hiểm gần hơn với giá trị thị trường, tình hình tài chính của DN được thể hiện chính xác hơn.

Đối với khả năng an toàn tài chính, Việt Nam đang áp dụng “biên khả năng thanh toán”, trong khi nhiều nước quản lý vốn trên cơ sở rủi ro (Risk Based Caipal - RBC) Sự khác biệt chủ yếu ở đây là biên khả năng thanh toán được tính toán theo một công thức cố định, còn RBC tính theo theo từng trường hợp cụ thể tại từng thời điểm mà DN bảo hiểm chấp nhận rủi ro cho khách hàng, nên đảm bảo tình hình tài chính của DN bảo hiểm sát hơn với trách nhiệm mà họ phải chịu đối với khách hàng, qua đó, bảo vệ tốt hơn quyền lợi của người tham gia bảo hiểm.

“Việt Nam cần từng bước áp dụng các chuẩn mực IFRS và RBC”, ông Phong nhấn mạnh. Trước hết, trong vòng 1 - 2 năm tới, nên yêu cầu các DN bảo hiểm công bố thông tin theo IFRS và RBC.

Qua đó, Bộ Tài chính có những thông tin tham khảo để hoàn thiện hơn các quy định về tài chính cho DN bảo hiểm, kể cả tính đến việc thay đổi quy mô của vốn pháp định hoặc quy định về vốn pháp định theo các nấc thang phát triển hoạt động kinh doanh của DN, tính toán lại khả năng thanh toán và thực hiện tái cơ cấu ngành bảo hiểm mạnh mẽ hơn. Sau đó, việc áp dụng IFRS và RBC nên là bắt buộc đối với ngành bảo hiểm Việt Nam.

Liên quan đến pháp luật thuế liên quan đến hoạt động bảo hiểm, ông Phong cho rằng, các quy định của luật thuế hiện tại khá tiên tiến, gắn với thực tế hoạt động kinh doanh và theo chuẩn mực quốc tế, đặc biệt là việc cho phép không tính thuế thu nhập DN/thu nhập cá nhân đối với số tiền chi mua bảo hiểm tai nạn con người và bảo hiểm nhân thọ.

Tuy nhiên, cần có những bước tháo gỡ tốt hơn và giảm thiểu tác động của luật thuế đối với hoạt động đại lý bảo hiểm và tái bảo hiểm.      

>>Để ngành bảo hiểm tiếp tục là điểm sáng trong nền kinh tế

>>Chuẩn mực quốc tế cho BCTC ngành bảo hiểm