Công ty Tetra Pak công bố sẽ đầu tư thêm 5 triệu euro cho nhà máy sản xuất vỏ hộp giấy trị giá 120 triệu euro tại tỉnh Bình Dương.
Mới đây nhất, Công ty Tetra Pak công bố sẽ đầu tư thêm 5 triệu euro cho nhà máy sản xuất vỏ hộp giấy trị giá 120 triệu euro của doanh nghiệp Thụy Điển này tại tỉnh Bình Dương. Đây là một minh chứng cho kỳ vọng của Công ty về tiềm năng của thị trường Việt Nam.
Ông Tạ Bảo Long, Giám đốc Truyền thông của Tetra Pak Việt Nam chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư: “Việt Nam là một trong những thị trường phát triển nhanh nhất ở châu Á đối với thực phẩm dạng lỏng. Thị trường nội địa được dự báo tăng trưởng 5%/năm trong 3 năm tới, gấp đôi mức trung bình của toàn cầu. Thực phẩm dạng lỏng cũng như các mặt hàng nhu yếu phẩm khác đều bán chạy hơn trong mùa dịch”.
Ông Tạ Bảo Long lưu ý rằng, khoản đầu tư mới sẽ giúp Tetra Pak cải thiện năng lực và khả năng phục vụ của Công ty trong bối cảnh đại dịch.
“Đại dịch đã đặt ra những thách thức đáng kể cho các chuỗi cung ứng trên toàn cầu và ngành công nghiệp sản xuất. Tuy nhiên, chúng tôi tin rằng, những tác động của đại dịch chỉ làm chệch hướng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong thời gian ngắn. Do đó, chúng tôi lạc quan về triển vọng thị trường, vì vẫn còn nhiều yếu tố thuận lợi cho sự tăng trưởng như dân số đông, thu nhập bình quân đầu người ngày càng tăng, đô thị hóa nhanh và mối quan tâm ngày càng tăng về an toàn thực phẩm và phúc lợi cá nhân”, ông Tạ Bảo Long đánh giá.
Trong khi đó, SCG Packaging (SCGP), một công ty thành viên của SCG Group (Thái Lan) vừa thông báo về kế hoạch đầu tư thêm gần 11,8 tỷ baht (hơn 353 triệu USD) trong mảng kinh doanh bao bì giấy tại Việt Nam. Theo đó, một khu phức hợp mới tại tỉnh Vĩnh Phúc sẽ được xây dựng và bắt đầu hoạt động vào đầu năm 2024, giúp tăng khả năng sản xuất bao bì giấy của họ thêm 370.000 tấn/năm.
Ông Wichan Jitpukdee, Giám đốc điều hành SCGP đánh giá, Việt Nam là địa điểm sản xuất, xuất khẩu quan trọng trong khu vực và cũng là điểm thu hút lớn cho các công ty đa quốc gia tham gia thị trường. Trong giai đoạn 2021-2024, nhu cầu tiêu thụ giấy bao bì và các sản phẩm liên quan tại Việt Nam dự báo tăng trưởng 6-7%/năm.
Với các khoản đầu tư đều đặn vào Việt Nam, vị này ước tính, doanh thu bán hàng năm nay của Công ty sẽ vượt mức 15 tỷ baht (bao gồm cả doanh thu từ các thương vụ M&A gần đây), bất chấp Covid-19.
Theo dữ liệu của FiinGroup, trong năm 2020 và 4 tháng đầu năm 2021, Việt Nam ghi nhận 56 dự án có vốn đầu tư nước ngoài đăng ký mới trong ngành bao bì với tổng trị giá 516 triệu USD.
Trong đó, phân khúc bao bì giấy và thùng carton vẫn hấp dẫn nhiều nhà đầu tư nước ngoài, như các dự án của Công ty TNHH Ojitex Việt Nam Chi nhánh Long Thành (60 triệu USD năm 2021), Wing Fat Printing (28 triệu USD năm 2021) và Nhà máy Lập Thịnh 2 (33 triệu USD năm 2020).
Gần đây, một phân khúc khác cũng thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài là bao bì mềm. Các dự án đáng chú ý như nhà máy mới của Meiwa Pax (21,7 triệu USD vào năm 2020), Nhà máy Bao bì St. Johns Việt Nam (10 triệu USD năm 2019).
Ông Lê Xuân Đồng, Giám đốc Khối Dịch vụ nghiên cứu thị trường của FiinResearch cho biết, bao bì là một trong những lĩnh vực phát triển nhanh tại thị trường Việt Nam, với tốc độ tăng trưởng 13,4%/năm trong giai đoạn 2015-2020. Trong đó, phân khúc bao bì nhựa, bao bì giấy và thùng carton chiếm 81,6% về doanh thu bán hàng.
Ông Lê Xuân Đồng cũng lưu ý rằng, lĩnh vực bao bì tại Việt Nam phát triển mạnh là nhờ sự tăng trưởng vững chắc của các lĩnh vực liên quan như thực phẩm đóng gói, nước giải khát, hàng tiêu dùng nhanh, hoạt động xuất khẩu (như thủy sản và điện tử) và sự phát triển mạnh mẽ của thương mại hiện đại.
“Các khoản đầu tư của các nhà sản xuất bao bì nước ngoài sẽ không chỉ đáp ứng nhu cầu trong nước, đặc biệt là trong thời kỳ phục hồi kinh tế sau đại dịch, mà còn phục vụ xuất khẩu”, ông Đồng cho biết.