Ngành bán lẻ điện tử tiêu dùng: nhiều tiềm năng tăng trưởng

Ngành bán lẻ điện tử tiêu dùng: nhiều tiềm năng tăng trưởng

(ĐTCK) Trong những năm gần đây, sự bùng nổ của các trung tâm điện máy khiến miếng bánh thị phần ngày càng bị chia nhỏ, cùng với đó là áp lực cạnh tranh cao. Mặc dù vậy, dư địa để ngành này tăng trưởng vẫn còn khá nhiều.

Chiến trường bán lẻ hàng điện tử tại Việt Nam

Môi trường kinh doanh của mảng bán lẻ đồ điện tử và công nghệ có tính cạnh tranh khá phân mảnh. Thời điểm hiện tại, các chuỗi bán lẻ đồ điện tử vừa phải “so tài” lẫn nhau, vừa phải cạnh tranh với các cửa hàng tư nhân nhỏ lẻ (cửa hàng “mom & pop”).

Các cửa hàng mom & pop này thường có quy mô rất nhỏ (diện tích chỉ từ 20 m2 đến 100 m2) và khá hạn chế về danh mục sản phẩm. Tuy vậy, loại hình cửa hàng này lại đang chiếm lĩnh sân chơi tại các vùng nông thôn và một số địa điểm tại các vùng thành thị. Theo thống kê của GfK Temax Việt Nam, nhóm cửa hàng mom & pop chiếm lĩnh 50% thị phần trong phân khúc bán lẻ điện thoại di động tại Việt Nam trong năm 2014.

Kinh doanh trong môi trường cạnh tranh khốc liệt, nhiều nhà bán lẻ đã phải “mạnh tay” đưa ra các đợt khuyến mãi khủng để thu hút khách hàng. Tuy nhiên, những đợt khuyến mãi này thường mang lại hiệu quả ngắn hạn vì các chuỗi cửa hàng khác sẽ sớm bắt chước và thị trường trở thành cuộc thi “ai chịu được lỗ lâu nhất”.

Cũng với mục đích để tăng thị phần, một số nhà bán lẻ khác chọn cách mở rộng mạng lưới tại các địa điểm trung tâm, dù chi phí thuê khá cao. Chiến lược mở rộng cửa hàng, nếu đi kèm với các nghiên cứu kỹ về thị trường và một hệ thống quản lý vững vàng, có thể trở thành những bước tiến chiến lược cho DN bán lẻ.

Tuy nhiên, nếu thiếu những yếu tố nêu trên, bước đi với mục đích “chiến lược” này sẽ dẫn đến những hậu quả tiêu cực như việc không duy trì được lợi nhuận và dòng tiền kinh doanh. Trong năm 2011, 2012 và 2013, lần lượt các công ty bán lẻ Wonderbuy, Best Carings và HomeOne đã phải tuyên bố phá sản vì không có khả năng đáp ứng các khoản nợ ngắn hạn từ ngân hàng và các nhà cung cấp.

Mặc dù vậy, nhờ sự cạnh tranh “khốc liệt” mà người tiêu dùng trở thành đối tượng được hưởng lợi nhiều nhất. Cụ thể, những chính sách bán hàng như chính sách đổi trả hàng, giao hàng và lắp đặt tại nhà ngày càng được các chuỗi bán lẻ trong nước cải thiện nhằm giữ chân khách hàng. Nếu ở nước ngoài, việc người tiêu dùng có thể mang đổi, trả sản phẩm điện tử không bị lỗi và lấy lại tiền được coi là “chuyện đương nhiên”, thì chính sách này mới được các chuỗi bán lẻ tại Việt Nam áp dụng trong thời gian gần đây.

Trong những năm sắp tới, chúng tôi dự đoán, thị trường bán lẻ đồ điện tử tại Việt Nam sẽ được thu gọn và trở nên tập trung hơn. Các chuỗi cửa hàng lớn với lợi thế về quy mô sẽ thâu tóm được thị phần từ các cửa hàng mom & pop, đặc biệt là tại các vùng nông thôn.

Tiềm năng tăng trưởng

Mặc dù đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt, nhưng dư địa để ngành bán lẻ hàng điện tử tiêu dùng tăng trưởng vẫn còn khá nhiều. VPBS dự phóng, ngành bán lẻ đồ điện tử sẽ đạt mức tăng trưởng 10,2% trong năm 2015 và 7,3% trong năm 2016.

Thiết bị viễn thông: Mảng bán lẻ điện thoại đạt mức tăng trưởng mạnh trong 9 tháng đầu năm 2014 (tăng 24% so với cùng kỳ 2013) nhờ sự tiêu thụ tốt dòng điện thoại thông minh (ước tính tăng 38%). Doanh số bán lẻ điện thoại thông minh chiếm khoảng 87% tổng doanh số bán lẻ điện thoại di động trong 9 tháng 2014 (9T2013 là 78%). Phân khúc sản phẩm điện thoại thông minh ở tầm giá thấp và vừa (từ 2 - 6 triệu đồng) là nhân tố thúc đẩy sự tăng trưởng.

Ngành bán lẻ điện tử tiêu dùng: nhiều tiềm năng tăng trưởng ảnh 2

Trong giai đoạn từ tháng 1/2013 - 10/2014, tổng số thuê bao đăng ký 3G đã tăng 79%, từ 13,5 triệu lên 24,1 triệu thuê bao, trong khi số lượng thuê bao 2G giảm từ 118,9 triệu xuống còn 104,2 triệu. Như vậy, tính đến hết tháng 10/2014, chỉ có khoảng 19% tổng số thuê bao di động tại Việt Nam có kết nối Internet, tương đối thấp so với các nước trong khu vực (Thái Lan: 83%; Malaysia: 48%).

Chúng tôi tin rằng, xu hướng chuyển đổi từ thuê bao 2G sang 3G tại Việt Nam sẽ tiếp tục diễn ra sôi động trong những năm sắp tới, với tốc độ trung bình từ 8 triệu đến 10 triệu thuê bao mỗi năm. Theo dự phóng của VPBS, tổng doanh thu của phân khúc bán lẻ thiết bị viễn thông tại Việt Nam sẽ có mức tăng trưởng 15% trong năm 2015 và 10% trong năm 2016.

Thiết bị điện tử tiêu dùng và đồ gia dụng: bao gồm các dòng sản phẩm như tivi, thiết bị âm thanh, máy ảnh, tủ lạnh, máy giặt và các đồ gia dụng nhỏ khác (máy hút bụi và nồi cơm điện). VPBS dự phóng, phân khúc này sẽ đạt mức tăng trưởng ổn định 5% mỗi năm từ năm 2014 đến năm 2019.

Dòng sản phẩm công nghệ thông tin: bao gồm máy tính để bàn, máy tính xách tay, máy tính bảng và màn hình máy tính. Máy tính bảng là sản phẩm có mức tăng trưởng doanh thu nhanh nhất trong phân khúc này (quý II/2014 tăng146%, quý III/2014 tăng 93,1% so với cùng kỳ 2013). Doanh thu từ sản phẩm này đã bù đắp cho sự sụt giảm doanh số từ máy tính để bàn và máy tính xách tay trong năm 2014. VPBS dự phóng, phân khúc này sẽ đạt mức tăng trưởng từ 5% đến 10% mỗi năm trong giai đoạn từ năm 2014 đến năm 2019.

Một số DN chiếm thị phần lớn

Thời điểm hiện tại, hai chuỗi bán lẻ đang được chú ý nhất trên thị trường là CTCP Đầu tư Thế giới Di động (MWG - sàn HOSE) và CTCP Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (FPT Shop).

MWG là công ty đứng thứ hai về doanh số trong ngành bán lẻ hàng điện tử và công nghệ tiêu dùng tại Việt Nam (chỉ sau Nguyễn Kim). Tính đến cuối tháng 11/2014, Công ty có tổng cộng 339 cửa hàng bán lẻ đang hoạt động (322 cửa hàng thegioididong.com chuyên bán lẻ điện thoại di động và 17 cửa hàng dienmay.com chuyên các mặt hàng điện tử tiêu dùng).

Từ năm 2009 đến năm 2013, MWG có mức tăng trưởng lũy kế hàng năm (CAGR) đối với doanh thu là 48% và đối với lợi nhuận là 52%. Trong năm 2014, VPBS ước tính MWG sẽ ghi nhận mức doanh thu hợp nhất 15.500 tỷ đồng, tăng 63% so với năm 2013; lợi nhuận ròng đạt 636 tỷ đồng, tăng 149%.

Cũng giống MWG, FPT Shop là chuỗi bán lẻ của CTCP FPT (FPT - sàn HOSE) đang trong giai đoạn phát triển siêu tốc. Từ khi thành lập vào năm 2010, FPT Shop duy trì chiến lược “mở rộng lãnh thổ” khá táo bạo. Từ cuối năm 2011 cho đến cuối năm 2014, FPT Shop đã tăng số lượng cửa hàng bán lẻ từ con số 17 lên hơn 150 cửa hàng. VPBS dự đoán, cả năm 2014, chuỗi bán lẻ FPT Shop sẽ ghi nhận doanh thu 5.000 tỷ đồng, tăng 72% so với năm 2013; lợi nhuận ròng đạt 39 tỷ đồng (năm 2013, Công ty ghi nhận lỗ 32 tỷ đồng).

Tin bài liên quan