WB: Ngân hàng Nhà nước có thể phải cắt giảm lãi suất ít nhất một lần nữa

WB: Ngân hàng Nhà nước có thể phải cắt giảm lãi suất ít nhất một lần nữa

(ĐTCK) Trái ngược với cuộc khủng hoảng toàn cầu năm 2009, tình trạng hỗn loạn hiện nay không có nguyên nhân là dư thừa vốn trong khu vực tài chính. Đại dịch toàn cầu đã ảnh hưởng đến nền kinh tế thực, từ cả hai phía cung và cầu và các chính sách tài chính được coi là một phần của giải pháp chứ không phải là gốc rễ của các vấn đề hiện nay.

Một Nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết, ở hầu hết các quốc gia, kể cả Việt Nam, Ngân hàng Trung ương đã nới lỏng các chính sách tiền tệ và tín dụng để giải cứu doanh nghiệp và hộ gia đình bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, lĩnh vực tài chính không tránh khỏi cuộc khủng hoảng Covid-19 hiện nay vì sự suy giảm hiệu quả kinh doanh và tiêu dùng của hộ gia đình cuối cùng sẽ ảnh hưởng đến ngành ngân hàng và thị trường vốn. 

Theo WB, kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát, dư nợ ở hầu hết các lĩnh vực đều giảm, trong đó đáng kể nhất là dịch vụ, thương mại, du lịch và vận tải. Theo số liệu mới cập nhật tín đến ngày 28/4/2020 được Ngân hàng Nhà nước công bố cho biết, tín dụng tăng 1,32% so với cuối năm 2019. Tốc độ tăng trưởng tín dụng ở nhiều ngân hàng thương mại đứng yên hoặc giảm do nhu cầu tín dụng thấp từ cả hai phân khúc cho vay doanh nghiệp và tiêu dùng.

Về phía người tiêu dùng, nhu cầu tín dụng cũng giảm theo tốc độ tăng trưởng của doanh số bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng.

Ngày 13/5/2020, Ngân hàng Nhà nước đã hạ nhiều loại lãi suất điều hành. Đây là lần giảm lãi suất thứ hai trong năm nay chỉ hai tháng sau khi Ngân hàng Nhà nước cũng giảm một loạt lãi suất điều hành và trần lãi suất huy động tiền VND vào tháng 3 vừa qua.

Điều này tiếp tục thể hiện điều hành chính sách tiền tệ một cách linh hoạt, phù hợp với bối cảnh nền kinh tế đang chịu những ảnh hưởng đáng kể từ đại dịch Covid-19. Bên cạnh đó, là tổng quy mô gói tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi Covid-19 của các ngân hàng đã lên tới hơn 300.000 tỷ đồng.

WB nhận định, những chính sách hỗ trợ này đã và sẽ góp phần giảm bớt khó khăn tạm thời cho những doanh nghiệp đang phải đối mặt với các vấn đề về dòng tiền và trả nợ vay. Gói hỗ trợ tín dụng chủ yếu nhắm đến khu vực chính thức, đáng chú ý nhất là các doanh nghiệp lớn, vì dư nợ tín dụng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ không nhiều, mặc dù đã tăng lên trong những năm qua. Tuy nhiên, khi các ngân hàng thực hiện những biện pháp hỗ trợ sẽ làm tăng áp lực lên tỷ lệ thu nhập lãi cận biên (NIM) và cuối cùng là làm giảm lợi nhuận chung của ngân hàng. 

Mặc dù hầu hết các ngân hàng thương mại dường như đều được chuẩn bị đầy đủ để ứng phó với sự suy giảm kinh tế tạm thời, chất lượng tài sản của ngân hàng có thể bắt đầu đi xuống do tỷ lệ nợ xấu trong danh mục tín dụng sẽ tăng cao nếu cuộc khủng hoảng kéo dài.

Ngoài ra, một số ngân hàng có thể sẽ khó khăn hơn do tỷ lệ cho vay tương đối lớn trong các lĩnh vực du lịch và bất động sản, vốn đã bị ảnh hưởng mạnh do khủng hoảng. Một số ngân hàng cũng không có đủ vốn tự có, làm hạn chế khả năng phục hồi. 

“Hiện nay, đang có một mối quan ngại là đảm bảo một mức độ an toàn tài chính nhất định cho các doanh nghiệp nhỏ trong những lĩnh vực bị ảnh hưởng để tránh tình trạng thanh khoản kém dẫn đến phá sản doanh nghiệp”, WB nhận định.

Cũng theo WB, một biện pháp khôn ngoan và cần thiết đối với cơ quan quản lý tiền tệ là xây dựng kế hoạch cho tình huống mà các tác động kinh tế của đại dịch vẫn tiếp tục sau quý II. Trong kế hoạch này, ngành ngân hàng cần tiếp tục và có thể phải hỗ trợ trực tiếp hơn nữa. Đại dịch này càng kéo dài, nguy cơ ngành ngân hàng bị ảnh hưởng nghiêm trọng càng lớn và sẽ cần xem xét các phương án tài khoá rộng hơn. Những hạn chế mang tính cơ cấu trong lĩnh vực ngân hàng làm cho Ngân hàng Nhà nước không có nhiều phương án có thể thực hiện. 

Chẳng hạn, biện pháp giảm đệm vốn trong ngân hàng để cải thiện thanh khoản như đã được thực hiện ở một số quốc gia khác không phải là một phương án đặt ra ở Việt Nam. Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước cần tiếp tục theo dõi tình hình thanh khoản và có thể phải theo đuổi các chính sách tiền tệ nới lỏng hơn nữa thông qua cắt giảm lãi suất ít nhất một lần nữa, giảm hút vốn ròng bằng tiền đồng ra khỏi thị trường hoặc xem xét bơm thanh khoản vào nền kinh tế để hỗ trợ thanh khoản trong hệ thống ngân hàng nếu tình hình cần cấp tín dụng kéo dài hơn và dẫn đến khủng hoảng thanh khoản cho các ngân hàng. 

“Bơm thanh khoản có thể bao gồm các can thiệp có mục tiêu để hỗ trợ ngành ngân hàng như cho vay chính sách, cho vay khẩn cấp và triển khai những gói tín dụng hỗ trợ của các ngân hàng. Cuối cùng, điều quan trọng là phải đánh giá tác động của đại dịch và suy thoái kinh tế đối với các doanh nghiệp đã phát hành trái phiếu doanh nghiệp trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong 2 năm qua về tác động có thể xảy ra đối với doanh thu và khả năng thanh toán tiền lãi và gốc trái phiếu”, WB gợi ý.

Tin bài liên quan