Tiền đồng diễn biến ổn định từ đầu năm đến nay.

Tiền đồng diễn biến ổn định từ đầu năm đến nay.

VND vẫn sẽ không mất giá mạnh, dưới 2% trong năm nay

(ĐTCK) Khác với những năm trước, VND diễn biến khá ổn định từ đầu năm đến nay. Tuy nhiên, trong những tháng còn lại của năm, có không ít yếu tố “ủng hộ” xu hướng giảm giá của VND, nhưng mức giảm giá sẽ không mạnh, vẫn dưới 2% trong năm 2019.

Nhiều đồng tiền mất giá, VND vẫn trụ vững

Ngày 28/10, trên thị trường thế giới, chỉ số USD-Index so với rổ 6 loại tiền tệ chính đã tăng 0,2% lên 97,558 điểm.

Mức tăng này được nhìn nhận do thị trường đang kỳ vọng các nhà hoạch định chính sách của Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC) sẽ phê chuẩn việc cắt giảm lãi suất 25 điểm cơ bản vào cuộc họp ngày 29-30/10 tới đây, tức là sẽ hạ lãi suất mục tiêu của lãi suất Quỹ Liên bang từ mức 1,75%/năm xuống 1,5%/năm.

Ngược với diễn biến của thế giới, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố tỷ giá trung tâm của VND so với USD ở mức 23.152 VND/USD (giảm 3 VND/USD so với cuối tuần trước là 23.155 VND/USD). Với biên độ +/-3% đang được áp dụng, tỷ giá trần tại các ngân hàng hôm nay là 23.847 VND/USD và tỷ giá sàn là 22.457 VND/USD.

Đơn cử, tại Vietcombank, tỷ giá niêm yết ở mức 23.115 - 23.265 VND/USD (mua vào - bán ra), không đổi so với cuối tuần trước.

Tương tự, mức tỷ giá tại BIDV và Techcombank cũng không có sự thay đổi, lần lượt là 23.140 - 23.260 VND/USD và 23.131 - 23.271 VND/USD.

Thực tế, quý III vừa qua đã chứng kiến diễn biến trái chiều giữa tỷ giá trung tâm và tỷ giá giao dịch thực tế tại các ngân hàng thương mại.

Theo đó, tính đến cuối tháng 9/2019, tỷ giá trung tâm có mức tăng 1,5%, trong khi tỷ giá giao dịch tại các ngân hàng thương mại gần như không thay đổi so với cuối năm 2018.

Đáng lưu ý, những lo ngại về việc VND sẽ giảm giá mạnh theo đà lao dốc của CNY so với USD trên thị trường thế giới (hơn 4%) trên thực tế đã không diễn ra.

Trong khi đó, hầu hết các đồng tiền tại các nước mới nổi ở châu Á đều giảm giá mạnh so với USD.

Cụ thể, từ đầu năm 2019 đến nay, giảm giá mạnh nhất là đồng won của Hàn Quốc (âm 7,8%), tiếp đến là CNY của Trung Quốc (âm 4,2%), rupee của Ấn Độ (âm 2,4%), SGD của Singapore (âm 2%)…

Nguyên nhân giúp VND trụ vững, không bị mất giá theo CNY trong bối cảnh đồng tiền của các quốc gia khác mất giá mạnh, được cho là bởi cán cân thương mại của Việt Nam đã quay trở lại trạng thái xuất siêu mạnh trong quý III/2019 (đạt 4,28 tỷ USD), giúp tăng nguồn cung ngoại tệ trên thị trường.

Bên cạnh đó, các chuyên gia kinh tế cho rằng, mặc dù xuất hiện sức ép giảm giá VND nhằm hỗ trợ cho xuất khẩu khi CNY giảm giá, nhưng rủi ro Việt Nam bị Chính phủ Mỹ đưa vào danh sách thao túng tiền tệ đã khiến việc bơm tiền đồng, mua ngoại tệ của NHNN diễn ra thận trọng hơn.

Đồng thời, việc giải ngân vốn trực tiếp nước ngoài (FDI) cũng khả quan, đạt 5,12 tỷ USD, tăng gần 5% so với cùng kỳ năm 2018.

Đáng chú ý, số lượng các giao dịch góp vốn, mua cổ phần FDI tiếp tục xu hướng tăng mạnh kể từ đầu năm nay, với tổng giá trị trong quý III/2019 đạt 2,28 tỷ USD, tăng 43% so với cùng kỳ.

Cán cân thương mại đạt gần 4 tỷ USD, mức kỷ lục từ trước đến nay, với sự gia tăng mạnh mẽ của các mặt hàng điện tử như linh kiện điện thoại, máy vi tính…

Thêm vào đó, dòng vốn từ các thương vụ phát hành trái phiếu quốc tế, mua bán cổ phần doanh nghiệp cũng đem lại gần 2 tỷ USD với các thương vụ của VPBank (300 triệu USD), Vincommerce (500 triệu USD), BIDV (900 triệu USD)…

Tính chung trong quý III năm nay, ước tính chênh lệch cung - cầu ngoại tệ đạt 7,5 tỷ USD và nghiêng về phía cung, cao hơn đáng kể so với số liệu của quý II và quý I (lần lượt là 2 tỷ USD và 6 tỷ USD).

Nguồn cung ngoại tệ dồi dào đã giúp NHNN đã mua được một lượng lớn ngoại tệ trong quý III, ước tính khoảng 5 tỷ USD.

Cả năm, VND sẽ chỉ mất giá dưới 2%

Chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, lãnh đạo cao cấp của BIDV nêu quan điểm, thị trường ngoại hối trong quý IV/2019 vẫn có thể duy trì được sự ổn định. Cân đối cung - cầu ngoại tệ thặng dư sẽ là điểm tựa cho tỷ giá, cho dù trạng thái dồi dào có thể giảm bớt so với quý III.

Cụ thể, cán cân thương mại của được dự báo vẫn có thể thặng dư khoảng 300 triệu USD trong quý IV. Trong khi đó, giải ngân FDI dự kiến đạt 6-6,5 tỷ USD, tăng khoảng 6% so với cùng kỳ, dòng kiều hối cũng được dự tính sẽ quay trở lại sớm trước Tết.

Ước tính, chênh lệch cung - cầu ngoại tệ trong quý IV có thể rơi vào khoảng 1,5-2 tỷ USD nghiêng về phía cung ngoại tệ.

Mặt khác, trái ngược với thời điểm cùng kỳ năm ngoái, tâm lý thị trường hiện nay đã trở nên vững vàng hơn trước các thông tin biến động của chiến tranh thương mại.

Do đó, trừ phi có các yếu tố rủi ro đột biến (tỷ giá USD/CNY vượt qua mốc 7,2, xung đột trên biển Đông gia tăng…), tỷ giá USD/VND dự kiến sẽ dao động ổn định trong biên độ 23.200-23.250 VND/USD trong quý IV theo kịch bản cơ sở của biện pháp ngăn chặn (xác suất 60%).

Các yếu tố tác động lên tỷ giá có thể kể tới: Áp lực quốc tế dự kiến chưa lớn bởi dự kiến phiên đàm phán Mỹ - Trung trong tháng 10 có thể đem lại một thỏa thuận tạm thời nhằm giúp giảm bớt sức nóng của thương chiến, khi mà cả 2 nước đều đang hứng chịu những tác động về kinh tế của các biện pháp áp thuế đem lại.

Trong khi đó, Fed dự kiến sẽ hạ lãi suất thêm ít nhất 1 lần trong phiên họp tháng 10 hoặc tháng 12 nhằm tiếp tục phòng bị cho kinh tế Mỹ.

Chênh lệch lãi suất VND/USD liên ngân hàng về cơ bản tiếp tục duy trì phổ biến ở mức dương, kỳ hạn 1 tuần dao động quanh mức 0,5-1,5%. Tâm lý thị trường dự kiến duy trì ổn định, giảm bớt trạng thái lo ngại trong bối cảnh áp lực quốc tế có thể dịu bớt …

“Trừ phi có các yếu tố rủi ro đột biến, tỷ giá USD/VND liên ngân hàng dự kiến sẽ dao động ổn định trong biên độ 23.200-23.250 USD/VND trong quý IV này”, lãnh đạo BIDV nói.

Dự báo, trong quý cuối năm, lãi suất USD liên ngân hàng sẽ tiếp tục xu hướng giảm khoảng 0,1-0,2% so với mức cuối tháng 9, lãi suất bình quân dao động khoảng 2-2,1% kỳ hạn qua đêm - 1 tuần và 2,5-2,6% kỳ hạn 1 - 3 tháng.

Chênh lệch huy động vốn - tín dụng USD tiếp tục có xu hướng mở rộng trong quý này, tăng khoảng 2,5 tỷ USD so với mức cuối tháng 6.

Nếu như huy động vốn ngoại tệ tiếp tục tăng trưởng ổn định, thì hoạt động tín dụng USD của các ngân hàng thương mại ghi nhận sự sụt giảm khá mạnh, dư nợ tín dụng USD tại thời điểm cuối tháng 9 đã giảm khoảng 6,2% so với mức cuối tháng 6.

“Hoạt động tín dụng ngoại tệ giảm sút có tác động từ Thông tư 42/2018/TT-NHNN đã hạn chế phần nào các đối tượng được phép vay ngoại tệ so với quy định trước đây”, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế nhận định.

Giám đốc tiền tệ một ngân hàng đánh giá, VND nhiều khả năng sẽ giảm giá trở lại so với USD do cán cân thương mại có thể sẽ giảm bớt xuất siêu trong quý cuối năm, bên cạnh diễn biến khó lường của thương chiến Mỹ - Trung, nhưng sức ép giảm giá VD sẽ không lớn và mức mất giá của VND cho cả năm 2019 vẫn sẽ dưới 2%.

Trao đổi với phóng viên, phó tổng giám đốc phụ trách khối nguồn vốn một ngân hàng thương mại cổ phần cho rằng, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung vẫn là yếu tố rủi ro lớn nhất trong ngắn hạn đối với tỷ giá.

Trong những thời điểm căng thẳng thương mại Mỹ - Trung leo thang, CNY có xu hướng giảm (do lo ngại tăng trưởng kinh tế Trung Quốc bị ảnh hưởng - PV), trong khi USD mạnh lên, tạo áp lực kép lên VND theo chiều hướng giảm.

“Nhập siêu tăng mạnh từ Trung Quốc một phần xuất phát từ việc CNY mất giá so với VND và nguyên nhân lớn hơn do hiện tượng lách xuất xứ của hàng Trung Quốc qua Việt Nam. Quan sát biến động các nhóm ngành nhập khẩu từ Trung Quốc và nhóm ngành xuất khẩu sang Mỹ tương ứng, chúng tôi nhận thấy có sự gia tăng rõ rệt trong tăng trưởng các nhóm ngành như máy móc và phụ tùng khác, máy tính và điện tử và đồ gỗ - tương ứng với mức tăng các nhóm hàng này xuất khẩu sang Mỹ”, vị phó tổng giám đốc trên nhấn mạnh.

Tin bài liên quan