Tái cơ cấu nợ do ảnh hưởng Covid-19: Những con số mới

Tái cơ cấu nợ do ảnh hưởng Covid-19: Những con số mới

(ĐTCK) Dịch Covid-19 đã ảnh hưởng tiêu cực lên mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội, người dân và doanh nghiệp, buộc các ngân hàng phải chủ động tái cơ cấu nợ để hạn chế rủi ro nợ xấu tăng nhanh.

Phát biểu tại ÐHCÐ thường niên 2020 diễn ra ngày 25/6, ông Phạm Doãn Sơn, Tổng giám đốc LienVietPostBank cho biết, việc tái cơ cấu nợ cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch đã tác động lên lợi nhuận của Ngân hàng.

Theo ông Sơn, đầu năm, Ban lãnh đạo LienVietPostBank dự kiến lợi nhuận năm 2020 là 2.300 tỷ đồng, nhưng do bệnh dịch, Ngân hàng điều chỉnh giảm lợi nhuận ở mức 1.700 tỷ đồng, giảm 17% so với kết quả 2019; cổ tức tối thiểu 8%.

Về tái cơ cấu nợ, đến nay, LienVietPostBank đã tái cơ cấu khoảng 5.000 tỷ đồng. Bên cạnh đó, việc giảm lãi suất hỗ trợ khách hàng theo quy định cũng ảnh hưởng 300-400 tỷ đồng lợi nhuận, nhưng kết quả chung vẫn ổn định.

5 tháng đầu năm 2020, Ngân hàng đạt gần 830 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tổng tài sản đạt 208.000 tỷ đồng, tổng huy động thị trường 1 đạt hơn 168.300 tỷ đồng và dư nợ cho vay thị trường 1 đạt gần 148.600 tỷ đồng.

“Ước tính đến hết 30/6/2020, LienVietPostBank sẽ đạt khoảng 1.000 tỷ đồng trước thuế, nên việc hoàn thành mục tiêu 1.700 tỷ đồng lợi nhuận năm nay là có cơ sở đạt được”, ông Sơn nói.

Tại MB, việc cơ cấu nợ cho khách hàng chịu tác động của Covid-19 đã ảnh hưởng tới gần 7.000 tỷ đồng dư nợ của Ngân hàng, nên dự kiến lợi nhuận giảm 10% trong năm nay.

Thông tin tại ÐHCÐ ngày 24/6 vừa qua, lãnh đạo MB cho biết, 5 tháng đầu năm 2020, Ngân hàng đạt doanh thu hơn 8.100 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ năm trước; lợi nhuận 5 tháng riêng Ngân hàng mẹ là 3.964 tỷ đồng, tăng 5%.

Theo ông Lưu Trung Thái, Phó chủ tịch HÐQT kiêm Tổng giám đốc MB, lợi nhuận 6 tháng đầu năm 2020 đạt kế hoạch đề ra và chỉ giảm 2-3% so với cùng kỳ năm ngoái. Mục tiêu lợi nhuận 2020 của MB ở mức 9.000 tỷ đồng trước thuế, tăng trưởng tín dụng khoảng 12%.

Ông Ðỗ Minh Toàn, Tổng giám đốc ACB cho hay, do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nên tăng trưởng tín dụng năm nay chậm hơn mọi năm, tổng thu nhập từ hoạt động của ACB giảm hơn 30 điểm phần trăm. ACB cơ cấu nợ cho khách hàng bị ảnh hưởng dịch đến ngày 30/6 và sau đó đến 30/9, dự kiến tổng quy mô cơ cấu nợ khoảng 15.000 tỷ đồng.

Theo ông Toàn, tính đến 31/5/2020, lợi nhuận của ACB là 3.500 tỷ đồng. Như vậy, đến hết tháng 6/2020, ACB có khả năng thực hiện được tối thiểu 50% kế hoạch lợi nhuận cả năm.

Năm 2020, ACB đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế khoảng 7.636 tỷ đồng; tổng tài sản tăng 12%, tiền gửi khách hàng tăng 12%, tín dụng tăng 11,75% theo chỉ tiêu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) giao; tỷ lệ nợ xấu kiểm soát dưới 2%. Tính đến đầu tháng 6/2020, tín dụng ACB tăng 4% so với đầu năm.

Với Vietcombank, Chủ tịch HÐQT Nghiêm Xuân Thành thông tin, đến nay, việc cơ cấu lại nợ cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 tại Ngân hàng vào khoảng 10.000 tỷ đồng dư nợ và có hơn 20.000 tỷ đồng là dư nợ ăn theo dư nợ tái cơ cấu.

“Vietcombank giảm 10% trên tổng số lãi phải trả từ 15/4 -30/6 cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch, khiến lợi nhuận giảm khoảng 2.420 tỷ đồng”, ông Thành nói.

Với Eximbank, ông Nguyễn Cảnh Vinh, Quyền Tổng giám đốc Ngân hàng cho biết, đến thời điểm hiện tại, Ngân hàng đã tái cơ cấu được khoảng 6% trên tổng dư nợ cho vay (tương đương khoảng 6.000 tỷ đồng lợi nhuận), nên không được thu hồi một khoản lãi dự thu tương ứng.

Vì thế, lợi nhuận quý II/2020 của Eximbank ước đạt khoảng 250 tỷ đồng, bằng 50% lợi nhuận quý I/2020. Theo đó, Eximbank phải điều chỉnh giảm mục tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2020 xuống mức 1.318 tỷ đồng.

Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) Nguyễn Quốc Hùng cho biết, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, NHNN, hệ thống các tổ chức tín dụng đã tích cực triển khai các chương trình tín dụng hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 với lãi suất cho vay giảm mạnh từ 0,5-2,5%/năm so với lãi suất thông thường, thậm chí có ngân hàng còn giảm tới 3-4%/năm.

“Tính đến 8/6/2020, các tổ chức tín dụng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 249.108 khách hàng với dư nợ 172.365 tỷ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho 403.177 khách hàng với dư nợ 1.227.349 tỷ đồng; cho vay mới lãi suất ưu đãi với doanh số lũy kế từ 23/1 đến nay đạt 978.529 tỷ đồng cho 225.514 khách hàng, lãi suất thấp hơn phổ biến từ 0,5- 2,5%/năm so với trước dịch”, ông Hùng thông tin. 

Tin bài liên quan