Cho vay nhỏ lẻ chiếm tỷ trọng 90% trong tổng giá trị cho vay của ACB

Cho vay nhỏ lẻ chiếm tỷ trọng 90% trong tổng giá trị cho vay của ACB

Sống khỏe với tín dụng bán lẻ

(ĐTCK) Với quy định siết dần vốn ngắn hạn cho vay trung - dài hạn theo lộ trình đưa ra tại Thông tư 22/2019/TT-NHNN, nhiều ý kiến cho rằng, sẽ tác động lên tín dụng mua, sửa chữa nhà, mua ô tô và cả tiêu dùng nhỏ lẻ, song thực tế dư nợ mảng này vẫn đang tăng.

Dư nợ cho vay nhỏ lẻ tăng

Tại Techcombank, dư nợ mảng vay mua nhà để ở tăng 35% trong năm 2019 và dự báo tiếp tục duy trì mức tăng này trong năm 2020 khi nhu cầu mua nhà vẫn lớn. Theo bà Lê Thị Bích Phượng, Giám đốc Khối Dịch vụ ngân hàng và tài chính cá nhân Techcombank, mặc dù thị trường bất động sản đang khó khăn, nhưng nhu cầu về nhà ở không ngừng tăng.

“Tốc độ đô thị hóa nhanh, cùng với xu hướng gia đình ngày càng có ít thế hệ ở cùng nhau nên nhu cầu nhà ở ngày một tăng. Đồng thời, xu hướng tiêu dùng của người Việt Nam cũng đang thay đổi nhanh chóng khi không còn ngại vay mượn để chi tiêu, nhất là để mua nhà và tiêu dùng. Những yếu tố này khiến nhu cầu của khách vay mua nhà và tiêu dùng rất lớn”, bà Phượng nói.

Cũng theo đại diện Techcombank, tuy tăng trưởng tín dụng phân khúc mua nhà tăng, nhưng tỷ lệ nợ xấu trong cho vay mua nhà của Ngân hàng chỉ dưới 1%. Chia sẻ nguyên nhân nợ xấu cho vay mua nhà ở mức thấp, bà Phượng cho biết, một phần do Techcombank tập trung vào phân khúc khách hàng trọng tâm là khách hàng có thu nhập khá trở lên, bởi phân khúc khách hàng này không chỉ có nhu cầu về giao dịch, mà còn có nhu cầu về đầu tư, bảo hiểm... Ngoài ra, Techcombank còn tập trung cho vay ở các lĩnh vực tiềm năng khác như ô tô, dịch vụ tài chính, du lịch - giải trí, tiện ích - viễn thông, hàng tiêu dùng nhanh (FMCG)…

fig come here5-6 năm trước, thị trường vẫn xem Vietcombank như một ngân hàng bán buôn, nhưng mảng bán lẻ hiện tăng trưởng trung bình 30 - 35%/năm- Ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietcombank

Vietcombank cũng được nhắc đến như một điển hình thành công khi đẩy mạnh tín dụng bán lẻ thời gian qua. Ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng cho biết, 5-6 năm trước, thị trường vẫn xem Vietcombank như một ngân hàng bán buôn, nhưng mảng bán lẻ hiện tăng trưởng trung bình 30-35%/năm.

Cụ thể hơn, ông Thành thông tin, năm 2019, tín dụng bán buôn của Vietcombank chỉ tăng 2,3%, nhưng tín dụng bán lẻ tăng tới 32,3%. Theo Công ty Chứng khoán SSI, mảng bán lẻ chiếm khoảng 40% lợi nhuận trước thuế của ngân hàng này.

Ước tính của SSI về một “ông lớn” ngân hàng khác là BIDV cũng cho biết, dư nợ tín dụng bán lẻ tăng trưởng 21,5% trong năm 2019 và chiếm 34,1% tổng dư nợ cho vay (năm 2018 là 32,2%).

Đại diện VIB chia sẻ, dư nợ cho vay khách hàng cá nhân và doanh nghiệp siêu nhỏ tính đến cuối năm 2019 đạt gần 110.000 tỷ đồng, tăng 46% so với đầu năm và chiếm 82% tổng dư nợ cho vay.

Với ACB, các nhà phân tích của JP Morgan chỉ ra thế mạnh của ngân hàng này là cho vay tiêu dùng có tài sản thế chấp và cho vay doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME). Hai phân khúc này chiếm tỷ trọng 90% trong tổng giá trị cho vay của ACB. Cùng với đó, chất lượng tài sản của ACB cũng tương đối tốt với tỷ lệ nợ xấu 0,67%. Khi so sánh các chỉ tiêu sinh lời như PE/PB, EPS và ROE của ACB với các ngân hàng khác, JP Morgan nhận định, ACB là một trong những cổ phiếu hiếm hoi có sự kết hợp giữa tăng trưởng kinh doanh và thị giá cổ phiếu.

Thực tế, tỷ trọng cho vay tiêu dùng tại ACB đã tăng từ 43% lên 53% trong 6 năm qua. Điểm nổi bật của ACB trong 5 năm tới, theo JP Morgan, đó là tăng trưởng bán lẻ với trọng tâm là bancassurance, thẻ và ngân hàng ưu tiên. Tổ chức này nhân định, sự xuất hiện nhiều đối thủ cạnh tranh mạnh trong mảng bản lẻ và SME là một trong những yếu tố khiến lợi nhuận biên (NIM) của các khoản vay giảm, nhưng với ACB, NIM vẫn có thể tăng, từ đó tác động tích cực lên lợi nhuận.

Nhận định được đưa ra từ chuyên gia tài chính Huỳnh Trung Minh, tốc độ tăng trưởng tín dụng tiêu dùng của Việt Nam nhanh hơn các nước trong khu vực có mức thu nhập tương đồng. Thế nhưng, tăng trưởng tín dụng bán lẻ đang dần giảm tốc do kinh tế vĩ mô phát triển bớt nóng hơn, ảnh hưởng của dịch bệnh hay yếu tố chính sách... Vì vậy, cạnh tranh trong tín dụng bán lẻ sẽ ngày càng khốc liệt.

Mang lại lợi nhuận cao

Thực tế, chính nhờ đẩy mạnh bán lẻ và cho vay phân tán, nhiều ngân hàng đạt được lợi nhuận cao trong năm qua. Kết quả kinh doanh kỷ lục trong năm 2019 của Techcombank có đóng góp lớn từ chiến lược đẩy mạnh cho vay nhỏ lẻ, với lợi nhuận trước thuế đạt 12.800 tỷ đồng, tăng 31,5% so với năm 2018. Thu nhập lãi thuần đạt 14.300 tỷ đồng, tăng 25,2%. Thu nhập ngoài lãi tăng 23,4%, đạt 6.800 tỷ đồng và chiếm 32,3% tổng doanh thu.

Sống khỏe với tín dụng bán lẻ ảnh 2

Tại Vietcombank, với chiến lược đẩy mạnh bán lẻ, từ mức hơn 10% về doanh số bán lẻ ban đầu, sau 6 năm, tín dụng bán lẻ đã vượt qua bán buôn. Ông Nghiêm Xuân Thành cho biết, trong tổng lợi nhuận thu về của năm 2019 (đạt 23.130 tỷ đồng), bán lẻ đóng góp đến 40%. Kế hoạch năm 2020, Vietcombank dự kiến tăng trưởng lợi nhuận cao hơn 15% so với năm 2019 và đến 2025 dự kiến đạt 2 tỷ USD lợi nhuận, trong đó bán lẻ đóng góp khoảng 50%.

Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc OCB cho hay, Ngân hàng ưu tiên cho vay phân tán, trong đó có gói tín dụng tiêu dùng tín chấp đối với người có thu nhập từ 3 triệu đồng/tháng, gói tín dụng 100 triệu USD cho các SME do phụ nữ làm chủ, gói vay ưu đãi 3.000 tỷ đồng cho SME lĩnh vực xuất nhập khẩu và logistics...

Sở dĩ OCB đẩy mạnh cho vay nhỏ lẻ, theo lãnh đạo nhà băng này, vì đây là phân khúc khách hàng vừa đem lại NIM cao, vừa giúp rủi ro được phân tán, nhất là khi hạn mức tăng trưởng tín dụng của OCB phải theo chủ trương của Ngân hàng Nhà nước và khó có thể vượt qua mức tăng trưởng tín dụng của toàn ngành ở mức 14%.

Tại Nam A Bank, ông Trần Ngọc Tâm, Tổng giám đốc Ngân hàng cho hay, con số gần 1.000 tỷ đồng lợi nhuận đạt được năm qua phần lớn nhờ đẩy mạnh bán lẻ, tập trung tín dụng cho khách hàng cá nhân, cho vay mua nhà. Cùng với đó, Nam A Bank còn đẩy mạnh cho vay tiêu dùng, kinh doanh, xây dựng hoặc sửa chữa nhà ở, mua xe ô tô; cho vay các dự án phát triển nông nghiệp - nông thôn;  triển khai các chương trình tín dụng xanh, cung cấp giải pháp tài chính cho các dự án bảo vệ môi trường, trong đó đẩy mạnh vốn cho khách hàng cá nhân vay lắp đặt điện mặt trời...

Kết thúc năm 2019, ACB đạt 7.500 tỷ đồng lợi nhuận, vượt hơn 3% so với mục tiêu đặt ra hồi đầu năm là 7.279 tỷ đồng. Về kế hoạch năm 2020, Hội đồng quản trị ACB dự kiến sẽ trình Đại hội đồng cổ đông thường niên năm nay chỉ tiêu lợi nhuận ở mức 8.700 tỷ đồng và tập trung đẩy mạnh bán lẻ tiếp tục là chiến lược quan trọng để đạt được mục tiêu đề ra.

Có thể thấy, dư nợ tín dụng bán lẻ tăng cao là một trong những động lực tăng trưởng chính của nhiều ngân hàng năm 2019. Với biên lợi nhuận cao và khả năng phân tán rủi ro tốt, đây sẽ vẫn là mảng kinh doanh trọng tâm của các ngân hàng trong năm 2020 cũng như những năm tới.

Tin bài liên quan