Quang cảnh vắng vẻ tại hội trường tổ chức ĐHCĐ BIDV.

Quang cảnh vắng vẻ tại hội trường tổ chức ĐHCĐ BIDV.

Sau đại hội vắng của BIDV, ngân hàng tìm hướng xử lý

(ĐTCK) Khi nhắc tới Ðại hội đồng cổ đông (ÐHCÐ) của các ngân hàng, đọng trong suy nghĩ của mọi người sẽ là địa điểm tổ chức sang trọng tại những khách sạn 4-5 sao ở những thành phố lớn, được đón tiếp chu đáo, lượng cổ đông tham gia đông đảo… Vẫn là những địa điểm đẹp hay sự chuẩn bị kỹ càng của ngân hàng, nhưng mùa ÐHCÐ năm nay có lẽ sẽ không còn náo nhiệt…

“Mở hàng” cho mùa ÐHCÐ thường niên 2020 là thông báo tổ chức ÐHCÐ bất thường của Eximbank dự kiến diễn ra vào ngày 5/3. Tuy nhiên, đến chiều 3/3, Eximbank bất ngờ ra thông báo hoãn tổ chức đại hội theo chỉ đạo của Ủy ban nhân dân TP.HCM nhằm hạn chế nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng trước tình hình dịch cúm Covid-19 diễn biến phức tạp.

Sau ÐHCÐ hụt của Eximbank, mọi sự chú ý dồn vào ÐHCÐ của BIDV, tại thời điểm đó dự kiến tổ chức vào ngày 7/3.

Tại Hà Nội, tuần đầu tiên của tháng 3, bầu không khí của Thủ đô đã khá lên rất nhiều sau khi tin tức về 16 người nhiễm Covid-19 đã được chữa khỏi, không phát hiện thêm trường hợp nhiễm mới nào và chính thức dỡ phong toả “điểm nóng” Sơn Lôi, Vĩnh Phúc.

Sự lạc quan hiện rõ khi trong cuộc họp tại nhiều cơ quan, nhân viên đã không còn đeo khẩu trang, hàng quán thời điểm gần ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3 cũng đông vui, nhộn nhịp hơn.

Ngày 6/3, cổ đông rủ nhau: “Ði dự ÐHCÐ cho vui nhé”. Chiều ngày 6/3, phóng viên nói chuyện với nhau: “ÐHCÐ BIDV vẫn tổ chức à, không báo hoãn trong mùa dịch à? Thế mai đến nhé”.

Tuy nhiên, tối ngày 6/3, thông tin về bệnh nhân nhiễm Covid-19 số 17 trú tại Trúc Bạch, Hà Nội đã khiến người dân Thủ đô có một đêm không ngủ.

7h30 ngày 7/3, trên đường đến địa điểm tổ chức ÐHCÐ của BIDV là tấp nập dòng người mua sắm, tích trữ nhu yếu phẩm tại các chợ, cửa hàng, siêu thị…

Tại sảnh đón tiếp, dù đã đến giờ họp nhưng không nghiều cổ đông đến dự, song đại hội vẫn diễn ra như kế hoạch.

“ÐHCÐ của những ngân hàng có vốn nhà nước sẽ không khó tổ chức như các ngân hàng tư nhân bởi có cổ đông lớn nắm cổ phần chi phối là Nhà nước, còn cổ đông nhỏ lẻ không nhiều”, một cổ đông chia sẻ với Báo Ðầu tư Chứng khoán.

Tĩnh lặng là quang cảnh hội trường tổ chức ÐHCÐ của BIDV. Dây ngăn cách được giăng nửa phía dưới để các cổ đông tập trung ngồi phía trên, nhưng toàn hội trường vẫn thưa thớt người.

Chủ tịch HÐQT BIDV đã nói lời cảm ơn tới các cổ đông có mặt tại hội trường bởi sự xuất hiện của họ trong thời điểm dịch bệnh này.

“Sẽ vô cùng khó khăn cho các ngân hàng thương mại tư nhân nếu tổ chức ÐHCÐ trong thời điểm dịch bệnh này. Khi gửi giấy mời, cổ đông sẽ không thông báo về việc đến tham gia hay không, trong khi ngân hàng vẫn phải tiến hành các hoạt động hậu cần cho việc tổ chức.

Ðến ngày họp, nếu lượng cổ đông có quyền biểu quyết đến tham dự không đủ tỷ lệ theo quy định thì đại hội sẽ không thành công và phải tổ chức lại. Ðây là sự lãng phí lớn cả về tài chính lẫn con người”, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế nhận định.

Ðược biết, ngày 11/3/2020, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có công điện số 02/CÐ-NHNN về việc tăng cường phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trong tình hình mới gửi tới các đơn vị thuộc NHNN; các doanh nghiệp trực thuộc NHNN; các tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài; các hiệp hội trong ngành ngân hàng.

Trong phần giải pháp cấp bách ghi rõ, hạn chế tối đa các hoạt động tụ tập đông người, tăng cường sử dụng hình thức họp trực tuyến trong thời gian phòng, chống dịch…;

Các TCTD chủ động phối hợp với NHNN chi nhánh trên địa bàn xin ý kiến của tỉnh ủy, ủy ban nhân dân tỉnh và các cơ quan có thẩm quyền tại địa phương về việc tổ chức ÐHCÐ/đại hội thành viên để có hình thức tổ chức phù hợp, hoặc xin lùi thời điểm tổ chức, đảm bảo nghiêm ngặt việc phòng chống dịch theo chỉ đạo và hướng dẫn của chính quyền địa phương, các cấp, các ngành có thẩm quyền…

Một chuyện khá thú vị tại ĐHCĐ BIDV khi chủ toạ đề nghị giơ phiếu biểu quyết cho từng hạng mục, khi một trong những người điều hành hỏi “ai không đồng ý”, rồi đến “ai có ý kiến khác”, một cá nhân đều giơ phiếu cho 2 lần biểu quyết. Khi người điều hành thắc mắc, cổ đông này trả lời rằng: “Cá nhân tôi được ủy quyền phiếu biểu quyết của những cổ đông khác nhau, nên có những ý kiến khác nhau”.

Tin bài liên quan