Phải chia cổ tức bằng cổ phiếu, nhà băng tận dụng cơ hội tăng vốn

Phải chia cổ tức bằng cổ phiếu, nhà băng tận dụng cơ hội tăng vốn

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Mùa đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) năm nay, bên cạnh những nhà băng phải nói “không” với cổ tức do đang tái cấu trúc, các ngân hàng còn lại đều chia cổ tức bằng cổ phiếu.

Đã có những thắc mắc vì sao không chia bằng tiền mặt, thì các ngân hàng cho biết, chia cổ tức bằng cổ phiếu vừa nhằm mục đích dành nguồn lực hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn do tác động của dịch Covid-19 theo quy định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), vừa có thể tăng vốn điều lệ, từ đó nâng cao năng lực tài chính, đáp ứng chuẩn Basel II…

Phát hành cổ phiếu tăng vốn

Tại Nam A Bank, trong kế hoạch tăng vốn điều lệ từ 3.890 tỷ đồng lên 7.000 tỷ đồng năm 2019 và 2020, Ngân hàng sẽ thực hiện phát hành cổ phiếu để trả cổ tức cho cổ đông và chào bán cổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư.

Năm 2019, Nam A Bank đã tăng vốn điều lệ đợt 1 từ mức 3.353 tỷ đồng lên hơn 3.890 tỷ đồng cũng bằng hình thức trả cổ tức bằng cổ phiếu. Hiện Nam A Bank đã hoàn thiện các thủ tục pháp lý cần thiết cho việc tăng vốn đợt 2 từ 3.890 tỷ đồng lên 5.000 tỷ đồng. Dự kiến trong quý III/2020, Ngân hàng sẽ hoàn tất kế hoạch này. 

Về kế hoạch tăng vốn năm 2020 từ mức 5.000 tỷ đồng (sau khi hoàn tất tăng vốn đợt 2 năm 2019) lên 7.000 tỷ đồng, Nam A Bank sẽ phát hành 57 triệu cổ phần (tương đương 570 tỷ đồng theo mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu) để trả cổ tức với tỷ lệ 14,65% và chào bán riêng lẻ 143 triệu cổ phần (tương đương 1.430 tỷ đồng theo mệnh giá).

Trả lời cổ đông về việc không chia cổ tức bằng tiền mặt, ông Trần Ngọc Tâm, Tổng giám đốc Nam A Bank cho biết, trong quá trình tái cơ cấu Ngân hàng và định hướng chung của NHNN, các ngân hàng phải tập trung nguồn lực để tái cơ cấu hoạt động, nâng cao năng lực tài chính. Vì vậy, Nam A Bank chia cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn điều lệ, nâng cao năng lực tài chính, thay vì tiền mặt. Mặt khác, theo yêu cầu của NHNN tại Chỉ thị số 02, trước bối cảnh khó khăn của thị trường do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, các ngân hàng cần tập trung nguồn lực hỗ trợ khách hàng nên không chia cổ tức bằng tiền mặt như các năm trước đây.

ĐHCĐ thường niên 2020 của HDBank diễn ra giữa tháng 6/2020 đã thông qua phương án phân phối lợi nhuận năm 2019 và phát hành cổ phiếu thưởng từ nguồn thặng dư vốn cổ phần. Theo đó, cổ đông HDBank sẽ được nhận gồm 50% cổ tức bằng cổ phiếu và 15% cổ phiếu thưởng, tổng cộng lên tới 65%. Vốn điều lệ của HDBank sau khi hoàn tất tăng thêm theo kế hoạch là hơn 16.088 tỷ đồng.

Trước thắc mắc của cổ đông về việc những năm trước HDBank đều chia cổ tức bằng tiền mặt, lãnh đạo nhà băng này cho rằng, do yêu cầu của NHNN không được chia cổ tức bằng tiền mặt để tập trung nguồn lực hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch, đồng thời bản thân HDBank cũng muốn tăng vốn điều lệ để nâng cao năng lực tài chính, nên việc chia cổ tức bằng cổ phiếu là cần thiết.

Phát biểu tại ĐHCĐ thường niên diễn ra cuối tháng 6/2020, Chủ tịch HĐQT VIB Đặng Khắc Vỹ cho hay, trước khi chuyển giao dịch cổ phiếu từ UPCoM sang niêm yết trên sàn HOSE vào tháng 11/2020, VIB sẽ tăng vốn điều lệ từ 9.245 tỷ đồng đồng lên 11.094 tỷ đồng bằng việc thưởng cổ phiếu theo tỷ lệ 20%...

Kỳ vọng Hút thêm vốn ngoại

Tại OCB, ngân hàng này có kế hoạch chia cổ tức năm 2020 ở mức 25-27% bằng cổ phiếu, đồng thời bán 15% vốn cho Aozora Bank để tăng vốn lên hơn 11.275 tỷ đồng. Theo ông Trịnh Văn Tuấn, Chủ tịch HĐQT OCB, sau khi hoàn tất kế hoạch tăng vốn này, OCB sẽ tiến hành niêm yết cổ phiếu trên HOSE.

Lý giải việc trì hoãn niêm yết nhiều năm qua, ông Tuấn cho rằng, chủ trương của HĐQT OCB là muốn hoàn tất việc bán vốn cho cổ đông chiến lược nước ngoài trước khi niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán.

“Cuối năm 2017 và đầu năm 2018 là cơ hội vàng để niêm yết, nhưng thời điểm đó đối tác chiến lược nước ngoài của OCB là BNP Paribas đã bán toàn bộ hơn 74 triệu cổ phiếu, tương đương với 18,68% vốn, sau 10 năm đầu tư. Sau khi BNP Paribas thoái vốn, OCB tìm cổ đông chiến lược khác thay thế và vào ngày 29/6, Ngân hàng đã phát hành thành công cổ phần cho Aozora Bank (AOZ - Nhật Bản). Đây là cơ sở để OCB lên sàn, phần còn lại phụ thuộc vào điều kiện thị trường”, ông Tuấn thông tin.

Mặc dù đã hoàn tất việc bán 15% vốn cho Aozora Bank, song cổ đông OCB cũng không khỏi băn khoăn về tiềm lực của đối tác chiến lược mới. Trả lời cổ đông về vấn đề này, Chủ tịch HĐQT OCB cho biết, 2 ngân hàng đã ký hợp tác chiến lược, Aozora cam kết đầu tư lâu dài tại OCB qua việc cử chuyên gia tham gia vào hoạt động quản trị và điều hành Ngân hàng, hỗ trợ phát triển kinh doanh, hỗ trợ hoạt động bán lẻ, quản lý rủi ro, nâng cao công nghệ, ngân hàng số...

Liên quan tới việc đưa cổ phiếu lên sàn, ĐHCĐ của Nam A Bank đã thông qua việc niêm yết cổ phiếu tại sàn HOSE cuối năm nay. Đồng thời, trong kế hoạch tăng vốn lên 7.000 tỷ đồng, Nam A Bank cũng có kế hoạch phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư trong và ngoài nước. Trong đó, tỷ lệ cổ phần nhà băng này dự kiến bán cho nhà đầu tư nước ngoài là hơn 20%.

Trong năm nay, LienVietPostBank (LPB) dự kiến tăng vốn lên 10.746 tỷ đồng thông qua chi trả cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 10%. Đồng thời, LPB sẽ nâng giới hạn tỷ lệ sở hữu cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài tại Ngân hàng từ 5% lên gần 10%.

ĐHCĐ 2020 của LienVietPostBank đã thông qua tờ trình nâng room ngoại từ 5% lên mức tối đa 9,99% vốn điều lệ Ngân hàng để phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài. Theo ông Huỳnh Ngọc Huy, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng, việc tăng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài không chỉ góp phần nâng cao tính thanh khoản của cổ phiếu LPB, cải thiện khả năng huy động vốn khi cần thiết, mà còn làm thay đổi cơ cấu cổ đông theo xu hướng hội nhập với thị trường quốc tế, nâng cao vị thế của Ngân hàng trên thị trường, góp phần gia tăng giá trị cho cổ đông.

Tại VIB, sau khi tăng vốn điều lệ thành công lên 11.094 tỷ đồng, danh sách cổ đông lớn sở hữu cổ phần VIB vẫn không thay đổi: Commonwealth Bank of Australia vẫn là cổ đông sở hữu 20% vốn VIB và tổng số cổ phần sở hữu của cổ đông nước ngoài được duy trì ở mức 20,24%, trong đó 0,06% là nhà đầu tư cá nhân và 20,18% là nhà đầu tư tổ chức.

Ngoài các ngân hàng trên, SCB cũng trong đang giai đoạn đàm phán với các nhà đầu tư chiến lược nước ngoài để tìm cơ hội tốt hợp tác, qua đó tăng vốn điều lệ. Tuy nhiên, theo đánh giá của giới phân tích tài chính, chủ trương hiện nay đã khác trước, các ngân hàng không tập trung vào một đối tác chiến lược. Mặt khác, nhà đầu tư nước ngoài khi rót vốn vào ngân hàng vẫn chủ yếu là đầu tư tài chính ngắn hạn, hơn là đi cùng ngân hàng trong dài hạn.

Tin bài liên quan