Những nhóm ngành “ứ” vốn

Những nhóm ngành “ứ” vốn

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Đại dịch Covid-19 đang gây nhiều khó khăn cho hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp và hệ thống ngân hàng cùng chung hệ lụy…

Nhu cầu vay vốn ngân hàng sụt giảm mạnh

Báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm của VPBank cho thấy, tính đến 30/6/2020, dư nợ cho vay lĩnh vực cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải giảm còn 191 tỷ đồng so với 204 tỷ đồng thời điểm cuối năm 2019.

Tương tự, cho vay lĩnh vực vận tải kho bãi giảm còn 6.087 tỷ đồng so với 7.286 tỷ đồng; dịch vụ lưu trú và ăn uống giảm nhẹ còn 9.765 tỷ đồng so với 9.809 tỷ đồng và đặc biệt, cho vay đối với ngành nghệ thuật, vui chơi, giải trí giảm còn 244 tỷ đồng so với mức 293 tỷ đồng thời điểm cuối năm ngoái.

Dư nợ cho vay được thể hiện trong báo cáo tài chính bán niên của Techcombank cho thấy, hoạt động kinh doanh bất động sản, tài chính và bảo hiểm, nông - lâm nghiệp - thủy sản, y tế và hoạt động trợ giúp xã hội... tỷ lệ cho vay đều tăng so với cuối năm 2019, còn lại các ngành nghề kinh doanh khác đều giảm dư nợ.

Trong đó, giảm mạnh nhất bao gồm các ngành bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy và xe có động cơ khác từ 27.075 tỷ đồng thời điểm 31/12/2019 giảm còn 24.230 tỷ đồng cuối tháng 6/2020. Tương tự, công nghiệp chế biến chế tạo giảm từ 20.431 tỷ đồng xuống 18.620 tỷ đồng. Đặc biệt, các hoạt động dịch vụ khác giảm 7.814 tỷ đồng, về còn 85 tỷ đồng.

Còn tại SHB, báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm cho biết, cho vay lĩnh vực khai khoáng giảm từ 3.225 tỷ đồng thời điểm 31/12/2019 xuống còn 2.741 tỷ đồng cuối tháng 6/2020; tương tự, hoạt động kinh doanh bất động sản giảm từ 22.302 tỷ đồng còn 21.805 tỷ đồng; ngành nghệ thuật, vui chơi, giải trí giảm từ 121 tỷ đồng còn 93 tỷ đồng;

Thậm chí, y tế và hoạt động trợ giúp xã hội cũng giảm từ 74 tỷ đồng còn 59 tỷ đồng; đặc biệt, các hoạt động dịch vụ khác giảm từ 45.593 tỷ đồng còn 39.481 tỷ đồng.

Ngoài những ngành nghề kinh doanh giảm dư nợ nêu ở trên, báo cáo tài chính của cả 3 ngân hàng còn cho thấy mức giảm khá mạnh dư nợ trong một số lĩnh vực như thông tin và truyền thông tại Techcombank giảm còn 650 tỷ đồng vào cuối tháng 6/2020 so với 1.002 tỷ đồng; VPBank giảm còn 341 tỷ đồng so với 345 tỷ đồng; tại SHB giảm còn 287 tỷ đồng so với 507 tỷ đồng thời điểm 31/12/2019.

Đối với cho vay hoạt động chuyên môn, khoa học và công nghệ từ 842 tỷ đồng thời điểm 31/12/2019 của Techcombank xuống mức 300 tỷ đồng tính đến 30/6/2020.

Cùng lĩnh vực cho vay này, tại VPBank giảm về 471 tỷ đồng so với 565 tỷ đồng; SHB giảm từ 103 tỷ đồng xuống mức 82 tỷ đồng.

Dư nợ trong hoạt động hành chính và dịch vụ hỗ trợ của Techcombank đã giảm gần một nửa, xuống còn 416 tỷ đồng vào ngày 30/6/2020 so với 800 tỷ đồng cuối năm 2019; VPBank giảm còn 1.297 tỷ đồng so với 1.476 tỷ đồng và SHB ở con số 390 tỷ đồng so với trước đó là 414 tỷ đồng.

Báo cáo mới nhất điểm lại tình hình kinh tế Việt Nam của Ngân hàng Thế giới (WB) nhận định: “Tác động trong từng ngành và giữa các ngành có sự khác biệt đáng kể, trong đó ngành dịch vụ du lịch và vận tải, các hoạt động chế tạo và chế biến xuất khẩu bị ảnh hưởng nhiều nhất”.

Kỳ vọng tăng trưởng tín dụng cũng giảm mạnh

Kết quả cuộc điều tra xu hướng tín dụng của các tổ chức tín dụng vừa được Vụ Dự báo Thống kê (Ngân hàng Nhà nước) công bố cho biết, mặc dù các tổ chức tín dụng vẫn đánh giá nhu cầu tín dụng “tăng” trong 6 tháng đầu năm 2020, song đã điều chỉnh mạnh từ mức 91% tổ chức tín dụng kỳ vọng “tăng” ghi nhận tại kỳ điều tra tháng 12/2019 xuống còn 64% tại cuộc điều tra vào cuối tháng 6 vừa qua.

Đặc biệt, điều chỉnh kỳ vọng đối với nhu cầu vay đầu tư công nghiệp hỗ trợ, xuất nhập khẩu, mua nhà để ở, đầu tư và kinh doanh du lịch.

Nguyên nhân chủ yếu do diễn biến tăng trưởng kinh tế, sự thay đổi nhu cầu đầu tư vào sản xuất - kinh doanh, tiêu dùng, cơ hội đầu tư xuất nhập khẩu, thị trường bất động sản chịu tác động bất lợi của dịch Covid-19.

Kết quả điều tra cho thấy, các tổ chức tín dụng kỳ vọng sự “cải thiện” đáng kể nhu cầu tín dụng của khách hàng trong 6 tháng cuối năm 2020 trên cơ sở dự báo về sự phục hồi tăng trưởng kinh tế, cơ hội, nhu cầu đầu tư vào sản xuất - kinh doanh, xuất nhập khẩu góp phần thúc đẩy nhu cầu tín dụng của các nhóm khách hàng.

Những nhóm ngành “ứ” vốn  ảnh 1

Các tổ chức tín dụng cho biết, đã cắt giảm lãi suất biên và các phí phi lãi suất trong 6 tháng đầu năm 2020 để hỗ trợ, cũng như tăng khả năng tiếp cận tín dụng của khách hàng.

Các điều kiện và điều khoản vay vốn được dự kiến “nới lỏng” hơn với các khoản vay phục vụ sản xuất - kinh doanh và vay qua thẻ tín dụng trong 6 tháng cuối năm nay.

Tuy nhiên, các tổ chức tín dụng “thắt chặt” hơn các yêu cầu về tài sản đảm bảo và xếp hạng tín nhiệm của khách hàng nhằm đảm bảo chất lượng tín dụng, đặc biệt “thắt chặt” hơn điều kiện và điều khoản vay vốn đối với các khoản vay đầu tư kinh doanh bất động sản, chứng khoán và vay tiêu dùng.

Kết quả điều tra cho thấy, tính chung trong cả năm 2020, các tổ chức tín dụng nhận định, mặt bằng rủi ro tín dụng chủ yếu “tăng lên" so với năm 2019.

Trong 6 tháng đầu năm 2020, các tổ chức tín dụng đã đáp ứng nhu cầu vay vốn tổng thể của khách hàng ở mức độ cao hơn so với 6 tháng cuối năm 2019, với 88,7% tổ chức tín dụng cho biết đã đáp ứng từ “75-100%” nhu cầu vay vốn, cao hơn tỷ lệ 84,3% của 6 tháng cuối năm 2019.

Chỉ có 11,3% tổ chức tín dụng cho biết đáp ứng dưới 75% nhu cầu tín dụng của khách hàng trong 6 tháng đầu năm 2020, nguyên nhân chính là do sự thay đổi “khẩu vị rủi ro của đơn vị” và “diễn biến kinh tế”.

Các ngành nghề được cho là động lực tăng trưởng tín dụng của hệ thống trong 6 tháng đầu năm 2020 là lĩnh vực “bán buôn, bán lẻ”; “xuất nhập khẩu”, “xây dựng” và “dệt may”.

Dự kiến, trong 6 tháng cuối năm 2020, 49% tổ chức tín dụng kỳ vọng “xuất nhập khẩu” sẽ là động lực trưởng tín dụng của hệ thống, tiếp đến là “bán buôn, bán lẻ” 47%; “dệt may” 41% và “xây dựng” 40%.

Đánh giá tổng thể trong cả năm 2020, “bán buôn, bán lẻ” vẫn là lĩnh vực được nhiều tổ chức tín dụng dự báo là động lực tăng trưởng tín dụng nhất 46,9%; tiếp đến là “xây dựng” 43,9%; “xuất nhập khẩu” 41,8% và “dệt may” 40,8%.

Đây cũng là 4 lĩnh vực được phần lớn các tổ chức tín dụng dự báo là động lực tăng trưởng tín dụng trong cả năm 2021, trong đó “xuất nhập khẩu” được nhiều tổ chức tín dụng lựa chọn nhất.

WB cho rằng, Chính phủ cần hỗ trợ khu vực tư nhân, đặc biệt là các doanh nghiệp tạm thời bị ảnh hưởng do khủng hoảng.

Tuy nhiên, hành động này cần được thực hiện thận trọng vì không phải doanh nghiệp nào cũng bị ảnh hưởng như nhau. Nhu cầu đặt ra là phải lựa chọn đối tượng là những doanh nghiệp hoặc ngành bị ảnh hưởng nhất để tránh lãng phí nguồn lực công.

Tin bài liên quan