Nhiều ngân hàng nhỏ được chấp thuận tăng vốn

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Nhằm đáp ứng lộ trình nâng cao năng lực tài chính và chuẩn Basel II, các ngân hàng quy mô vừa và nhỏ đã lên kế hoạch tăng vốn điều lệ trong nhiều năm nay, song vẫn khó triển khai thành công.
Nhiều ngân hàng nhỏ được chấp thuận tăng vốn

Ngày 29/7 vừa qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có Văn bản số 5456/NHNN-TTGSNH chấp thuận cho BacA Bank tăng vốn điều lệ từ 6.500 tỷ đồng lên 7.085 tỷ đồng theo phương án tăng vốn điều lệ đã được ĐHCĐ của Ngân hàng thông qua tại kỳ họp cổ đông thường niên ngày 26/6/2020. Văn bản này có hiệu lực trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày ký.

Nguồn thực hiện được lấy từ lợi nhuận sau thuế còn lại của BacA Bank năm 2019, sau khi đã trích lập các quỹ.

Số vốn điều lệ tăng thêm được dự kiến phân bổ sử dụng 30 tỷ đồng cho việc đầu tư tài sản cố định và phát triển mạng lưới, 10 tỷ đồng cho đầu tư khác và 545 tỷ đồng sử dụng để cấp tín dụng cho khách hàng thuộc lĩnh vực ưu tiên theo định hướng của Ngân hàng.

Kể từ sau khi nâng mức vốn điều lệ bằng vốn pháp định vào năm 2010 lên mức 3.000 tỷ đồng, mãi 4 năm sau đó BacA Bank mới tăng thêm được 700 tỷ đồng vào năm 2014.

Vốn điều lệ sau đó được tăng "nhỏ giọt" đến cuối năm 2019 mới lên được mức 6.500 tỷ đồng thông qua phát hành 100 triệu cổ phiếu để trả cổ tức và tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu.

 Cổ phiếu BAB của BacA Bank chính thức giao dịch trên sàn UPCoM kể từ ngày 28/12/2017 với giá tham chiếu 20.000 đồng/cổ phiếu. Giá mở cửa phiên giao dịch ngày 13/8, cổ phiếu BAB ở mức 18.300 đồng/cổ phiếu. 

Nam A Bank cũng vừa được NHNN chấp thuận tăng vốn lên 7.000 tỷ đồng thông qua việc chia cổ tức cổ phiếu, phát hành thêm cổ phiếu chào bán riêng lẻ tăng vốn theo phương án đã được ĐHCĐ thông qua tại kỳ họp cổ đông thường niên 2020 tổ chức ngày 27/6 vừa qua.

Theo tờ trình của HĐQT Nam A Bank, trong năm 2019, lợi nhuận trước thuế hợp nhất của Nam A Bank là 925 tỷ đồng, đạt 116% so với kế hoạch năm 2019.

Lợi nhuận chưa chia của nhà băng này tính đến cuối năm 2019 là 622 tỷ đồng, nên HĐQT Nam A Bank đã trích 570 tỷ đồng lợi nhuận chia cổ tức bằng cổ phiếu.

Trong năm 2019, Nam A Bank được tăng vốn điều lệ từ mức hơn 3.353 tỷ đồng lên 5.000 tỷ đồng và ngân hàng đã thực hiện tăng vốn đợt 1 lên hơn 3.890 tỷ đồng.

Hiện Nam A Bank đang trong quá trình hoàn thiện việc tăng vốn đợt 2 năm 2019 lên 5.000 tỷ đồng. 

HĐQT Nam A Bank cho biết, sau khi hoàn tất kế hoạch trên Ngân hàng sẽ triển khai kế hoạch tăng vốn lên 7.000 tỷ đồng với phương án dự kiến là phát hành 57 triệu cổ phiếu chia cổ tức 14,65%; 143 triệu cổ phiếu chào bán riêng lẻ.

Thời gian phát hành cụ thể sẽ do HĐQT ngân hàng quyết định sau khi được NHNN và UBCKNN chấp thuận phương án phát hành.

Tương tự, tại VietA Bank sau nhiều năm lỡ hẹn cuối cùng cũng được NHNN chấp thuận cho tăng vốn từ gần 3.500 tỷ đồng lên hơn 5.000 tỷ đồng trong quý đầu năm nay. 

VietA Bank dự kiến chào bán ra cổ đông hiện hữu gần 150,5 triệu cổ phiếu với mức giá phát hành là 10.000 đồng/cổ phiếu. Mức giá chào bán được xác định theo giá trị sổ sách tại thời điểm 31/12/2018 là 12.099 đồng/cổ phiếu trên báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán 2018.

Thời gian phát hành dự kiến do HĐQT VietA Bank quyết định sau khi được NHNN và UBCK Nhà nước chấp thuận phương án phát hành. Tuy nhiên, đến nay Ngân hàng vẫn chưa triển khai và thực tế, kế hoạch tăng vốn trên của VietA Bank được cổ đông thông qua từ năm 2013 đến nay. 

Trong khi đó, tại Saigonbank mặc dù đã được NHNN chấp thuận kế hoạch tăng vốn từ mức hơn 3.000 tỷ đồng lên 4.000 tỷ đồng từ giữa năm 2014, song đến nay vẫn chưa thể triển khai. 

Nguyên nhân do hoạt động của Saigonbank trong những năm qua kém hiệu quả, nợ xấu tăng và áp lực thoái vốn của các cổ đông lớn như: Vietcombank, Vietinbank và sắp tới là thành Ủy TP.HCM. 

Trước đó, từng có thông tin Saigonbank sẽ được sáp nhập vào Vietcombank, song cuộc hôn nhân sớm bất thành do cổ đông lớn của Saigonbank là Thành ủy TP.HCM không muốn sáp nhập.

Thế nhưng, sau nhiều năm tự tái cơ cấu bằng chính nội lực, Saigonbank vẫn chưa có được sức bật mới, trong đó cả với kế hoạch tăng vốn cũng không thể triển khai. 

Vì vậy, cho tới nay, vốn điều lệ của Saigonbank chỉ nhỉnh hơn mức vốn pháp định 3.080 tỷ đồng. 

Tin bài liên quan