“Nhiều doanh nghiệp hiện nay chưa biết vay vốn để làm gì“

“Nhiều doanh nghiệp hiện nay chưa biết vay vốn để làm gì“

(ĐTCK) Tính đến nay, các TCTD đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho trên 215 nghìn khách hàng với dư nợ 138 nghìn tỷ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho hơn 320 nghìn khách hàng với dư nợ gần 1,13 triệu tỷ đồng.

Chia sẻ tại Hội nghị kết nối ngân hàng - doanh nghiệp tại Hà Nội nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn do dịch Covid-19, ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, NHNN thông tin: tín dụng tháng 1 tăng 0,1%, tháng 2 tăng 0,07%, tháng 3 tăng 1,1%, tháng 4/2020 tăng 1,42% so với cuối năm 2019 (cùng kỳ năm 2019 tăng 4,44%).

Trong đó, dư nợ tín dụng đối với ngành nông, lâm nghiệp thủy sản tăng 1,2% so với năm 2019; dư nợ ngành thương mại, dịch vụ tăng 1,5% (trong đó ngành bán buôn và bán lẻ; sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác chiếm 20,80% tổng dư nợ nền kinh tế, tăng 2%); dư nợ ngành công nghiệp và xây dựng tăng 2,5% (tương đương mức tăng cùng kỳ năm 2019 là 2,51%). 

Ông Nhữ Văn Hoan, Phó tổng giám đốc thường trực Tập đoàn Sơn Hà cho biết, ngành ống thép xuất khẩu chiếm 40% doanh thu của Tập đoàn (chủ yếu là thị trường Ấn Độ) gần như mất trắng suốt từ tháng 3 đến nay. Đối với thị trường nội địa, dù bị ảnh hưởng ít hơn nhưng chúng tôi cũng mất hơn 20% doanh số trong những tháng vừa qua.

“Nhiều doanh nghiệp hiện nay chưa biết vay vốn để làm gì“ ảnh 1

Toàn cảnh Hội nghị Kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp tại Hà Nội

Đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp trẻ TP. Hà Nội, ông Trần Đăng Nam, Phó chủ tịch cho biết, theo khảo sát từ các hội viên: gần 20% doanh nghiệp bị ảnh hưởng nghiêm trọng; 70% ảnh hưởng nhiều và chỉ có hơn 10% doanh nghiệp ít bị ảnh hưởng. Dự đoán suy giảm doanh thu năm 2020, có 47% doanh nghiệp suy giảm từ 20 - 40%; 20% doanh nghiệp suy giảm từ 40 - 90% doanh thu và thực tế gần 20% doanh nghiệp suy giảm 100%.

“Ảnh hưởng của dịch bệnh dẫn đến khách hàng gặp khó khăn trong việc trả nợ ngân hàng đúng hạn, dư nợ dự kiến bị ảnh hưởng dao động khoảng 1,8 - 2 triệu tỷ đồng, chiếm khoảng 23% dư nợ toàn hệ thống, tập trung vào các ngành như: Công nghiệp chế biến - chế tạo, Vận tải, Dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch, Giáo dục và đào tạo..., tiềm ẩn rủi ro đối với hoạt động ngân hàng”, ông Hùng cho biết.

Đại diện Công ty Cơ điện xây dựng Agrimeco, ông Nguyễn Văn An, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc cho biết, doanh nghiệp đang thực hiện Dự án đầu tư thuỷ điện, tuy nhiên các thiết bị nước ngoài chuyển về bị dừng và dừng chưa biết đến bao giờ. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến dự án đề nghị ngân hàng hỗ trợ doanh nghiệp đi qua khó khăn… 

“Ngân hàng đã chủ động làm việc với Công ty và tính toán cho thấy sự hỗ trợ này giúp Công ty giảm được vài trăm triệu đồng trong tổn thất của đợt dịch này ước tính vài trăm tỷ đồng là rất đáng quý. Chúng tôi mong các ngân hàng tiếp tục đưa ra các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp trong thời gian tới và thiết lập mặt bằng lãi suất cho vay mới thấp hơn”, ông An nói.

Đồng hành cùng doanh nghiệp, đại diện các ngân hàng tại Hội nghị như Vietcombank, VPBank, MB cho biết đã nhanh chóng vào cuộc ngay từ những ngày đầu.

Ví dụ như tại Vietcombank, ông Hồ Văn Tuấn, Giám đốc Sở Giao dịch Vietcombank cho biết, Ngân hàng đã triển khai đồng bộ các giải pháp trong suốt thời gian qua. Đến nay, Vietcombank đã cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ đối với 8.000 tỷ đồng dư nợ của 1.172 khách hàng; thực hiện giải ngân mới hơn 307.000 tỷ đồng hỗ trợ cho 83.000 khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch đảm bảo duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh và cân đối dòng tiền; miễn giảm lãi hơn 850 tỷ đồng đối với 610.000 tỷ đồng dư nợ của tổng số 156.000 khách hàng, dự kiến tiếp tục miễn giảm cho khách hàng gần 1.500 tỷ đồng. 

“Cùng với đợt giảm lãi suất trên diện rộng lần này, dự kiến lợi nhuận Vietcombank chia sẻ cho khách hàng trên 2.200 tỷ đồng”, ông Tuấn nói. 

Bà Phạm Thị Trung Hà, Phó tổng giám đốc MB nhấn mạnh: “Ngân hàng cũng là doanh nghiệp, doanh nghiệp đặc thù. Chúng tôi đã, đang và sẽ cùng song hành với doanh nghiệp đi qua khó khăn do đại dịch Covid-19". 

Phó Thống đốc Đào Minh Tú nhấn mạnh: "Gói 300.000 tỷ đồng thậm chí có thể lên đến 500.000 tỷ đồng từ hệ thống ngân hàng không phải là vốn từ ngân sách nhà nước mà là nguồn tiền ngân hàng huy động tiết kiệm từ dân cư để phục vụ nhu cầu của nền kinh tế.

NHNN, với vai trò của cơ quan quản lý hỗ trợ chính sách để các ngân hàng thương mại có điều kiện giảm lãi suất cho doanh nghiệp trong khi TCTD cũng là doanh nghiệp và cũng chịu ảnh hưởng không nhỏ bởi dịch Covid-19... Song, toàn ngành đã quyết tâm vượt qua khó khăn, điều chỉnh lại kế hoạch, chỉ tiêu kinh doanh, lợi nhuận để hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp". 

Cũng theo Phó Thống đốc Đào Minh Tú, toàn ngành ngân hàng đã và đang nỗ lực, quyết tâm triển khai các giải pháp hỗ trợ sản xuất, kinh doanh tháo gỡ khó khăn cho khách hàng. Từ việc đảm bảo điều hành chính sách tiền tệ để ổn định vĩ mô, tạo nền tảng ổn định để khôi phục kinh tế sau dịch; tiếp đến liên tục điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành tạo điều kiện cho các TCTD giản lãi suất cho vay khách hàng, nhất là giảm lãi suất cho vay các lĩnh vực ưu tiên.

Bên cạnh đó, cam kết cung ứng đủ vốn cho người dân, doanh nghiệp khôi phục, ổn định sản xuất, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế sau dịch; tiếp tục đẩy mạnh cải cách các thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho khách hàng trong tiếp cận tín dụng. 

Tuy nhiên, Phó Thống đốc trăn trở: “Nhiều doanh nghiệp hiện nay chưa biết vay vốn làm gì do giai đoạn này còn nhiều khó khăn, doanh nghiệp chưa xử lý được những khó khăn nội tại”.

Tin bài liên quan