Ngành ngân hàng vươn mình chạm chuẩn quốc tế

Ngành ngân hàng vươn mình chạm chuẩn quốc tế

(ĐTCK) Hiệp ước Basel là chuẩn mực quốc tế trong hoạt động ngân hàng nhằm bảo đảm an toàn hoạt động thông qua áp dụng các công cụ, chuẩn mực cao trong quản lý rủi ro và kinh doanh. Tại Việt Nam, mục tiêu đặt ra là từ 1/1/2020, tất cả các nhà băng phải áp dụng Basel II. Dù có cố gắng nhiều, vẫn còn một khoảng trống khó vượt qua với nhiều ngân hàng Việt.

Vươn mình chạm chuẩn quốc tế

Thông tư 41/2016/TT-Ngân hàng Nhà nước (NHNN) quy định tỷ lệ an toàn vốn đối với ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, ngày 1/1/2020 là thời điểm tất cả các ngân hàng phải tuân thủ các quy định Basel II. Tuy nhiên, trong số 10 ngân hàng được thí điểm vẫn còn hai ngân hàng chưa công bố áp chuẩn Basel II đầu 2020.

Ðến nay, số lượng nhà băng hoàn tất Basel II trên toàn ngành là 18 (Vietcombank, MBBank, Techcombank, ACB, VIB, MSB, HDBank, OCB, TPBank, VPBank, VietBank, Ngân hàng Bản Việt, SeABank, Nam A Bank, BIDV, LienVietPostBank, Shinhan Bank, Standard Chartered Việt Nam).

Trong số này phải kể đến là các nhà băng quy mô vừa và nhỏ đã áp chuẩn Basel II trước hạn. Các ngân hàng còn lại đang có bước đi cuối cùng để được công nhận đáp ứng chuẩn Basel II. 

Nam A Bank vừa được NHNN phê duyệt cho phép áp dụng trước hạn Thông tư 41 theo chuẩn Basel II.

Ðể đạt chuẩn quốc tế Basel II trước thời hạn, Nam A Bank cho biết, năm 2019 đã triển khai các hoạt động, chương trình nhằm nâng cao năng lực quản trị rủi ro, phát triển bền vững...

Theo Nam A Bank, năm 2020, Ngân hàng tiếp tục cải tiến để mang đến chuẩn chất lượng dịch vụ năm sao, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong giao dịch.

Ông Trần Ngọc Tâm, Tổng giám đốc Nam A Bank cho biết, một trong những yếu tố quan trọng và cốt lõi trong hoạt động của Ngân hàng khi áp dụng Basel II là áp dụng công nghệ hiện đại nhằm giúp ngân hàng hoạt động an toàn, quản lý hiệu quả về tỷ lệ an toàn vốn.

Với việc được NHNN chấp thuận tuân thủ Thông tư 41, Nam A Bank đã xây dựng được một khung quản trị rủi ro vững chắc trong hoạt động.

Trước đó không lâu, Ngân hàng Bản Việt (Viet Capital Bank) cũng nhận được quyết định cho phép áp dụng Thông tư 41 về tỷ lệ an toàn vốn (CAR) trước thời hạn.

Ngân hàng Bản Việt là ngân hàng thứ 12 trong hệ thống ngân hàng chính thức áp dụng chuẩn Basel II sớm hơn thời hạn quy định.

Ðược chấp thuận áp dụng Basel II đồng nghĩa với việc Ngân hàng Bản Việt đã đáp ứng nhiều quy định khắt khe về quản trị, hệ thống quản trị rủi ro và công nghệ…

Theo ông Ngô Quang Trung - Tổng giám đốc Ngân hàng Bản Việt, ngay từ đầu năm 2017, ý thức được tầm quan trọng của công tác quản lý rủi ro, Ngân hàng đã thành lập Dự án triển khai quản trị rủi ro theo chuẩn mực Basel II.

Ðồng thời, để đảm bảo tính khách quan và tuân thủ chặt chẽ các chuẩn mực này, Viet Capital Bank đã hợp tác với đối tác tư vấn quốc tế là Công ty TNHH Thuế và Tư vấn KPMG xây dựng công cụ và kiểm định kết quả thực hiện.

Ngày 4/11/2019, VietBank chính thức được NHNN phê duyệt cho phép áp dụng trước hạn Thông tư 41 theo chuẩn Basel II.

Ông Nguyễn Thanh Nhung, Tổng giám đốc VietBank cho biết, việc được NHNN cho phép áp dụng trước hạn Thông tư 41 là một dấu mốc quan trọng trong sự phát triển của Ngân hàng cho giai đoạn sắp tới, hướng tới sự phát triển bền vững, minh bạch.

Hiện Kienlongbank, Saigonbank, Bac A Bank, VietA Bank, ABBank... đang trong quá trình triển khai để hoàn tất Basel II trong những tháng đầu của năm 2020.

Lợi ích rõ rệt nhất mà Basel II mang lại cho ngân hàng Việt Nam là tăng cường cạnh tranh lành mạnh và minh bạch, tăng cường sức đề kháng của ngân hàng trước bất ổn và biến động của thị trường.

Một khi khả năng quản trị rủi ro của hệ thống ngân hàng tốt hơn sẽ giúp nền kinh tế Việt Nam hoạt động bền vững hơn, giảm các nguy cơ vỡ nợ, khủng hoảng, giảm tác động xấu đến nền kinh tế nếu khủng hoảng xảy ra.

Thế nhưng, không phải nhà băng nào cũng có thể áp chuẩn Basel II trước hạn.

Khoảng trống trong mục tiêu cán đích trước 2020

Lợi ích của Basel II là không thể phủ nhận, nhưng đến nay, không chỉ nhà băng nhỏ mà ngay cả một vài ngân hàng lớn vẫn chưa hoàn tất áp dụng bộ chuẩn mực này.

Trong đó, VietinBank khó tăng được vốn, vì room ngoại đã lấp đầy 30% và không được chia cổ tức bằng cổ phiếu. Chỉ cần được tăng vốn, VietinBank hoàn tất Basel II. 

Tại Hội nghị tổng kết năm 2019 của Ngân hàng VietinBank, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cho biết, Chính phủ và các bộ, ngành ủng hộ chủ trương tăng vốn cho 4 ngân hàng có vốn nhà nước.

Ðối với VietinBank, theo Thống đốc, Chính phủ đã có chủ trương cho phép được giữ lại toàn bộ lợi nhuận năm 2017, 2018. Bộ Tài chính hiện đang hoàn thiện sửa đổi Nghị định để báo cáo Chính phủ việc tăng vốn của các ngân hàng.

VietinBank cũng cần báo cáo Bộ Tài chính để có kế hoạch tăng vốn 2019 và 2020, dựa trên đánh giá tăng trưởng và kết quả kinh doanh.

Theo tiêu chuẩn Basel II, tỷ lệ an toàn vốn (CAR) cần đạt mức tối thiểu 8% - giảm 1% về mặt số học so với của Basel I. Tuy nhiên, việc tính toán lại phức tạp hơn.

Theo NHNN, tỷ lệ CAR của toàn hệ thống tính đến tháng 9/2019 khoảng 12% (quy định tối thiểu là 9%). CAR của khối ngân hàng quốc doanh là 9,4%, của khối ngân hàng cổ phần là hơn 11,3%.

Ðầu năm 2020, khi Basel II được triển khai rộng rãi, CAR của nhiều ngân hàng sẽ bị đánh giá giảm hơn nữa, dựa theo công thức mới. Ðáp ứng chuẩn Basel II, những nhà băng mới được công nhận sẽ được một cơ chế "thoáng" hơn về room tín dụng.

Ngược lại, các ngân hàng sẽ khó có thể tăng trưởng tín dụng do CAR giảm.

Thực tế, tăng trưởng tín dụng hiện được xem như một nút thắt trong tăng trưởng và lợi nhuận với nhiều ngân hàng hiện nay.

Mục tiêu tăng trưởng tín dụng 2020 vừa được ngành ngân hàng công bố không thể vượt quá 14%.

Vì thế, việc hoàn tất áp chuẩn Basel II là điều kiện để các ngân hàng xin được cơ chế tín dụng “thoáng hơn” trong hoạt động cho vay của năm 2020.

Áp dụng Basel II là yêu cầu tất yếu đối với các NHTM. Basel II không hẳn hạn chế rủi ro cho các ngân hàng mà còn là công cụ giúp các ngân hàng kiểm soát và xử lý được vấn đề họ có bao nhiêu vốn trước khi cấp một khoản vay cho khách hàng.

Hay nói cách khác, hệ số CAR của ngân hàng phải được nâng lên theo chuẩn Basel II mới có thể mở rộng tín dụng. Vì thế, không một ngân hàng nào đi từ Basel I lên Basel II mà không tăng vốn tự có.

Bởi cách tính toán rủi ro khác nhau nên việc đòi hỏi vốn tự có cũng tăng lên nhiều. Ngoài ra, các tiêu chuẩn của Basel II có cả việc kiểm soát rủi ro vận hành nên nếu vốn tự có mỏng, các nhà băng khó có thể đáp ứng được quy chuẩn này.

Áp chuẩn Basel II sẽ giúp các ngân hàng cải thiện được việc quản rủi ro tốt hơn, từ đó hoạt động sẽ lành mạnh và sức đề kháng cũng tốt hơn.

Tuy vẫn biết rất cần áp chuẩn quốc tế trong hoạt động, song lãnh đạo không ít nhà băng quy mô nhỏ băn khoăn rằng, việc áp dụng Basel II tại Việt Nam còn rất nhiều thách thức.

Chẳng hạn, chuẩn mực Basel rất phức tạp, được thiết kế và xây dựng dựa trên kinh nghiệm và phù hợp với thị trường phát triển.

Trong khi đó, nguồn nhân lực, nhận thức của người điều hành cấp cao về quản lý rủi ro tại ngân hàng nội địa còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu theo thông lệ quốc tế.

Hơn nữa, việc triển khai chuẩn mực vốn Basel II đòi hỏi nguồn tài chính lớn (khoảng 10 - 15 triệu USD, tùy thuộc tính chất, quy mô của ngân hàng).

Cơ sở dữ liệu, công nghệ thông tin, quản trị thông tin của các ngân hàng Việt còn bất cập... Vậy có nên nhất thiết buộc tất cả các ngân hàng phải vận hành theo?

Thông tư 41 có hiệu lực thi hành từ 1/1/2020, nhưng thực tế là Việt Nam có một số ngân hàng đang trong diện kiểm soát đặc biệt, hoặc một số ngân hàng yếu kém đang gặp khó khăn về năng lực tài chính.

Những chủ thể này không thể thực hiện Thông tư 41 đúng thời hạn.                       

Tin bài liên quan