Ngành ngân hàng luôn đồng hành cùng doanh nghiệp với tín dụng xanh

(ĐTCK) Đó là nhấn mạnh của ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) với Báo Đầu tư Chứng khoán, bởi chính sách quốc gia về tăng trưởng xanh là một chủ trương lớn và quan trọng của Đảng và Nhà nước. 

Sau một thời gian rất ngắn, đã có đa số tổ chức tín dụng (TCTD) tại Việt Nam xây dựng chương trình liên quan tới tín dụng xanh với dư nợ hàng trăm nghìn tỷ đồng. Theo ông, đâu là nguyên nhân khiến chủ trương này nhận được sự đồng thuận lớn như vậy?

Theo tôi, nguyên nhân để các chủ trương về tăng trưởng xanh và phát triển bền vững của Chính phủ nhận được sự đồng thuận rất lớn của các TCTD là do NHNN đã kịp thời xây dựng và ban hành một số văn bản quy định về tín dụng phù hợp với mục tiêu bảo vệ môi trường, giảm phát thải carbon, hướng tới tăng trưởng xanh đến toàn ngành, cụ thể:

Ban hành Kế hoạch hành động ngành ngân hàng thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh đến năm 2020 và Chỉ thị số 03/CT-NHNN ngày 24/03/2015 về thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh và quản lý rủi ro môi trường - xã hội trong hoạt động cấp tín dụng ngay sau khi Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh được ban hành.

Mục đích của các văn bản nhằm nâng cao nhận thức, vai trò và năng lực của ngành ngân hàng trong thực hiện cấp tín dụng cho các ngành kinh tế xanh, phát triển các sản phẩm và dịch vụ nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp thực hiện tăng trưởng xanh.

Ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.

Ðồng thời, chủ động lồng ghép nội dung về định hướng phát triển tín dụng xanh - ngân hàng xanh vào nội dung của Chiến lược phát triển ngành ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Ban hành Ðề án phát triển ngân hàng xanh tại Việt Nam bằng Quyết định số 1604/QÐ-NHNN ngày 7/8/2018 với mục tiêu tăng cường nhận thức và trách nhiệm xã hội của hệ thống ngân hàng đối với việc bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu, từng bước xanh hóa hoạt động ngân hàng, hướng dòng vốn tín dụng vào việc tài trợ dự án thân thiện với môi trường, thúc đẩy các ngành sản xuất, dịch vụ và tiêu dùng xanh, năng lượng sạch và năng lượng tái tạo; góp phần tích cực thúc đẩy tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.

Bên cạnh đó, lồng ghép các yêu cầu về bảo vệ môi trường vào quy định hiện hành về hoạt động cho vay của các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Thông tư 39/2016/TT-NHNN.

Theo đó, quy định về nguyên tắc cho vay hoạt động cho vay của TCTD đối với khách hàng phải phù hợp với các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.

Ðặc biệt, phối hợp với Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) ban hành hướng dẫn TCTD thực hiện đánh giá rủi ro môi trường - xã hội trong hoạt động cấp tín dụng cho 10 ngành kinh tế có rủi ro môi trường và xã hội cao nhất (Sổ tay đối với 10 ngành nông nghiệp, hóa chất, xây dựng cơ sở hạ tầng, năng lượng, thực phẩm và đồ uống, sản xuất may mặc, da và sản phẩm dệt may, dầu khí, xử lý và tái chế chất thải, khai khoáng và sản xuất các sản phẩm từ khoáng phi kim loại).

Ðây là những định hướng cho các TCTD xây dựng các giải pháp, chương trình tín dụng xanh, góp phần tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân thực hiện các dự án góp phần bảo vệ môi trường, hỗ trợ tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.

Bên cạnh đó, sự đồng thuận còn đến từ nhận thức của ngành ngân hàng nói chung và của các TCTD nói riêng về tín dụng xanh, góp phần vào vấn đề môi trường và phát triển bền vững là những nội dung có tính thời sự, được cả thế giới đang quan tâm.

Ðó là những câu chuyện liên quan đến việc hạn chế, khắc phục biến đổi khí hậu, tác hại môi trường đang cần phải có sự chung sức của mọi người, mọi ngành, trong đó ngân hàng có vai trò cung ứng nguồn lực cho các yêu cầu đó, định hướng cho việc phân bổ nguồn vốn vào các dự án, lĩnh vực cần thiết, cấp bách vì vấn đề môi trường và phát triển bền vững hiện nay.

Vấn đề tăng trưởng xanh, tín dụng xanh vừa qua tại Diễn đàn Kinh tế G20 cùng với các chương trình nghị sự của Hội nghị thường niên WB/IMF tháng 10/2019 vừa kết thúc tại Washington (Hoa Kỳ) cũng đã được bàn thảo và có nhiều quyết tâm hành động của các quốc gia, các định chế tài chính quốc tế.

Ông có thể chia sẻ về kế hoạch của NHNN về phát triển tín dụng xanh, hay mở rộng hơn là các hoạt động tài trợ cho đầu tư phát triển bền vững sẽ như thế nào trong thời gian tới?

Trên cơ sở bám sát các mục tiêu của Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh và Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh, với vai trò, nhiệm vụ, chức năng của ngành ngân hàng, thời gian tới, NHNN tiếp tục thực thi các chính sách tín dụng nhằm thúc đẩy hoạt động của ngành ngân hàng hướng tới mục tiêu tăng trưởng xanh và phát triển bền vững, cụ thể:

Thứ nhất, xây dựng và hoàn thiện khuôn khổ pháp lý hướng dẫn thực hiện tín dụng xanh cho các TCTD, trong đó đưa ra các tiêu chuẩn về tín dụng xanh, danh mục các ngành/lĩnh vực xanh để áp dụng chung, thống nhất, từ đó làm cơ sở để các TCTD lựa chọn, thẩm định, đánh giá và giám sát khi thực hiện cấp tín dụng xanh.

Thứ hai, NHNN sẽ tiếp tục nghiên cứu và hoàn thiện hướng dẫn đánh giá rủi ro môi trường - xã hội cho một số ngành chưa có hướng dẫn trong hoạt động cấp tín dụng của các TCTD.

Thứ ba, xây dựng các giải pháp tập trung nguồn lực để cấp tín dụng cho các dự án, phương án sản xuất - kinh doanh sử dụng các thành tựu khoa học và công nghệ tiên tiến; sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; sử dụng công nghệ, thiết bị thân thiện với môi trường, sản xuất những sản phẩm thân thiện với môi trường.

Thứ tư, tiếp tục huy động các nguồn lực để thực hiện chính sách tín dụng xanh tại Việt Nam, bao gồm nguồn ngân sách nhà nước, nguồn vốn ưu đãi dài hạn từ các tổ chức tài chính quốc tế (WB, IFC, ADB, JICA, KfW...), huy động vốn qua hình thức phát hành trái phiếu xanh để tài trợ các dự án năng lượng tái tạo quy mô lớn, tiết kiệm năng lượng.

Mức độ ưu đãi cho khách hàng đáp ứng tiêu chí được tài trợ bởi các chương trình tín dụng xanh liệu có thay đổi so với trước, vì dường như mức độ ưu đãi hiện tại chưa thực sự rõ nét?

Một số TCTD đã xây dựng các sản phẩm tín dụng, dịch vụ ngân hàng cho các ngành/lĩnh vực xanh và đã quan tâm dành nguồn vốn huy động của ngân hàng để cấp tín dụng cho các lĩnh vực này với kỳ hạn chủ yếu là trung, dài hạn và có sự ưu đãi về lãi suất cho các dự án xanh như: BIDV có chương trình cho vay nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, cho vay phát triển năng lượng tái tạo, cho vay điện gió, điện mặt trời…

Ngành ngân hàng luôn đồng hành cùng doanh nghiệp với tín dụng xanh ảnh 2

Vietcombank thực hiện cho vay theo chương trình Hỗ trợ đầu tư xanh do Chính phủ Ðan Mạch tài trợ; Agribank, Ngân hàng Chính sách xã hội với chương trình tín dụng nông nghiệp xanh, lâm nghiệp bền vững...

Tuy nhiên, việc đầu tư vào các ngành/lĩnh vực xanh, nhất là lĩnh vực năng lượng tái tạo, tiết kiệm và hiệu quả năng lượng tại Việt Nam hiện nay thường đòi hỏi thời gian hoàn vốn dài, chi phí đầu tư lớn, rủi ro thị trường cao nên rất cần các ưu đãi về thời hạn và chi phí vốn vay, trong khi nguồn vốn huy động của các TCTD thường là ngắn hạn, huy động theo chi phí vốn thương mại trên thị trường.

Do đó, để có thể cung cấp các khoản tín dụng với thời hạn dài và lãi suất ưu đãi cho các ngành/lĩnh vực xanh, các TCTD cần được hỗ trợ tiếp cận các nguồn vốn dài hạn, ưu đãi, hoặc có cơ chế chia sẻ lãi suất cho vay với các TCTD.

Do vậy, trong thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục huy động các nguồn lực như đã nêu ở trên để thực hiện chính sách tín dụng xanh tại Việt Nam.

NHNN có khuyến nghị gì với cộng đồng doanh nghiệp về tác dụng của việc đầu tư phát triển bền vững, bảo vệ môi trường?

Chính sách quốc gia về tăng trưởng xanh là một chủ trương lớn và quan trọng của Ðảng và Nhà nước. Vì vậy, để sản xuất và tiêu dùng bền vững, cần phải đẩy mạnh áp dụng rộng rãi sản xuất sạch hơn;

Nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên thiên nhiên, đồng thời giảm thiểu phát thải và hạn chế mức độ gia tăng ô nhiễm, bảo vệ chất lượng môi trường, sức khỏe con người, đảm bảo phát triển bền vững; xây dựng văn hóa tiêu dùng văn minh, hài hòa và thân thiện với thiên nhiên.

Ðể đạt được mục tiêu của Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, đòi hỏi có sự chung tay của tất cả các ngành, lĩnh vực, các doanh nghiệp trên khắp cả nước.

Việc chuyển đổi mô hình đầu tư sang đầu tư dự án xanh sẽ giúp bảo vệ môi trường, tiết kiệm nguồn tài nguyên thiên nhiên, hướng tới tăng trưởng xanh và phát triển bền vững. Ngành ngân hàng luôn sẵn sàng đồng hành cùng với các doanh nghiệp trong lĩnh vực xanh và phát triển bền vững.

Ðể tín dụng xanh trở thành ý thức trong hoạt động kinh doanh của các TCTD, liệu có nên đưa ra những yêu cầu về chỉ tiêu, hay tiêu chí khuyến khích cụ thể cho các ngân hàng?

Ðúng là cần phải như vậy. Ðể thúc đẩy hoạt động tín dụng xanh của các TCTD, cần khuyến khích các TCTD tăng cường cấp tín dụng đối với dự án xanh, dự án bảo vệ môi trường.

Dự kiến, trong thời gian tới, NHNN sẽ ban hành những tiêu chí cụ thể hơn, có những thiết chế phù hợp có tính chính sách và khuyến khích các TCTD, cũng như các đối tượng tham gia vào quá trình cung ứng vốn, sử dụng vốn cho những dự án xanh, chương trình tín dụng xanh.

Ðồng thời, chúng tôi sẽ phối hợp với Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam thực hiện trao giải thưởng “Ngân hàng xanh” cho các TCTD có thành tích trong hoạt động ngân hàng xanh và hướng tới phát triển bền vững.

Tin bài liên quan