Nhiều ngân hàng đang thống kê những khách hàng chịu thiệt hại do dịch Covid-19 gây ra để có giải pháp hỗ trợ.

Nhiều ngân hàng đang thống kê những khách hàng chịu thiệt hại do dịch Covid-19 gây ra để có giải pháp hỗ trợ.

Ngân hàng xoay kế hoạch 2020 vì dịch Covid-19 (Bài 3): Chung tay gỡ khó cho doanh nghiệp

(ĐTCK) Dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp đã và đang phủ bóng đen lên nền kinh tế toàn cầu, lợi nhuận của các ngân hàng châu Á đang bị đe dọa nghiêm trọng. Trong bối cảnh ấy, các ngân hàng Việt Nam đang phải dịch chuyển kế hoạch kinh doanh để thích ứng với tình hình mới.   

Diễn biến của dịch Covid-19 khiến không ít doanh nghiệp phải đối diện với khó khăn, thách thức trong triển khai hoạt động kinh doanh năm mới. Các ngân hàng hiểu rõ khó khăn của người vay sẽ tác động trực tiếp lên hoạt động của chính mình nên không ít ngân hàng đã và đang tung ra giải pháp gỡ khó cho doanh nghiệp.

Nhận diện khó khăn…

Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM cho biết, Hiệp hội vừa có báo cáo tình hình các doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố chịu ảnh hưởng do tác động của dịch bệnh và đề xuất Ủy ban nhân dân TP.HCM chỉ đạo các giải pháp tạm thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Theo Hiệp hội, hầu hết doanh nghiệp ở các ngành đều bị giảm sút doanh thu tùy theo tính chất ngành hàng, tình hình nguyên liệu, lao động, đầu ra sản phẩm.

Trong đó, phải kể đến là dệt may, hàng không, du lịch - lữ hành, lưu trú, giao dịch ngân hàng, kinh doanh ăn uống, nông nghiệp… Những doanh nghiệp nhỏ và vừa sau dịch bệnh sẽ khó khôi phục hoạt động sản xuất bình thường như trước.

Trước đó, vào ngày 13/2, Hiệp hội cũng đã tổ chức buổi họp trao đổi với các hội, các câu lạc bộ thành viên để bàn giải pháp khắc phục và hạn chế tác động từ dịch bệnh.

Do ảnh hưởng tiêu cực từ dịch bệnh, nhu cầu về trang thiết bị phòng dịch, đặc biệt là khẩu trang y tế, tăng đột biến.

Trong khi đó, nguyên liệu sản xuất lại trở nên khan hiếm. Để hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất khẩu trang y tế, Bộ Công thương đã yêu cầu Thương vụ Việt Nam tại các nước khẩn trương tìm kiếm nguồn nguyên liệu để sản xuất khẩu trang y tế, cũng như các trang thiết bị cần thiết cho công tác phòng chống dịch.

Tuy nhiên, theo ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may - Thêu đan TP.HCM, trong ngắn hạn, sẽ khó đề tìm ra nguồn cung nguyên liệu sản xuất khẩu trang y tế ngoài nguồn cung từ Trung Quốc. Theo ông Hồng, việc này đòi hỏi thời gian, cũng như sự nỗ lực cao hơn của các doanh nghiệp trong ngành.

Đối với hàng nông sản, Hiệp hội kêu gọi và khuyến khích doanh nghiệp Thành phố chung tay hỗ trợ, tìm hướng tiêu thụ những mặt hàng, sản phẩm không thể xuất khẩu được do ảnh hưởng từ dịch viêm hô hấp cấp Covid-19.

Công ty ABC Bakery - một thành viên của Hiệp hội - đã thử nghiệm sản phẩm mới là bánh mì thanh long với giá 6.000 đồng/ổ để giúp giải cứu thanh long tồn đọng, không thể xuất sang Trung Quốc.

Trong khi đó, lãnh đạo một doanh nghiệp ngành nhựa chia sẻ, nhiều đơn hàng nguyên phụ liệu từ các đối tác Trung Quốc bị lùi thời gian giao hàng đã ảnh hưởng đáng kể đến kế hoạch sản xuất kể từ đầu năm đến nay.

Không chỉ các lĩnh vực trên, mới đây, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ và Ủy ban nhân dân TP.HCM báo cáo tổng hợp các đề xuất của Hiệp hội nhằm tháo gỡ vướng mắc, hỗ trợ thị trường bất động sản.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA cho rằng, trong diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, cần xem xét cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp trước tác động của dịch.

HoREA nhận định, dịch bệnh đang tác động rất lớn đến nền kinh tế quốc tế và trong nước, làm tăng thêm khó khăn cho thị trường bất động sản, mà trước hết là bất động sản nghỉ dưỡng.

Vì vậy, HoREA đề nghị Ủy ban nhân dân TP.HCM đề xuất Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước xem xét cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp trước tác động của dịch bệnh về việc cho phép khoanh nợ, giãn nợ, giảm lãi suất vay, cơ cấu các khoản vay, giãn tiến độ nộp thuế... để giúp một số doanh nghiệp bớt khó.

Thực tế hàng loạt doanh nghiệp đang gồng mình chống đỡ trước thiệt hại do dịch Covid-19. Đại diện một doanh nghiệp chuyên xuất khẩu hàng nông sản sang Trung Quốc cho hay, công ty đang phải gánh lãi vay ngân hàng mức 11-12%/năm, trong khi hàng hóa đang bị ứ đọng và rất cần đến sự hỗ trợ từ ngân hàng.

Ngân hàng vào cuộc hỗ trợ vốn

Trước thực tế này, nhiều ngân hàng đang thống kê những khách hàng chịu thiệt hại do dịch gây ra để có giải pháp hỗ trợ.

Tuy nhiên, hiện vẫn chưa nhận được đầy đủ các thống kê thông báo thiệt hại từ phía khách hàng vay vốn hoặc khách hàng không thuộc nhóm được hỗ trợ.

Về phía Ngân hàng Nhà nước, Phó thống đốc Đào Minh Tú mới đây có công văn hỏa tốc gửi các tổ chức tín dụng, yêu cầu triển khai các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp và người dân khắc phục thiệt hại trước ảnh hưởng của dịch bệnh.

Nhiệm vụ cụ thể được Ngân hàng Nhà nước giao trong lúc này là phân tích, đánh giá, dự báo những thiệt hại, khó khăn của doanh nghiệp, người dân, khách hàng vay vốn, nhất là những lĩnh vực, ngành nghề chịu thiệt hại trực tiếp như du lịch, nông nghiệp, vận tải, xuất nhập khẩu, khách sạn, nhà hàng… để chủ động có biện pháp hỗ trợ tháo gỡ khó khăn kịp thời.

Trong công văn hỏa tốc, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu mỗi tổ chức tín dụng phải xây dựng chương trình, kịch bản hành động với các giải pháp cụ thể để hỗ trợ khách hàng tháo gỡ khó khăn, giảm thiểu thiệt hại.

Chẳng hạn, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xét miễn giảm lãi vay theo hợp đồng tín dụng đã ký kết và xem xét cho vay mới để khôi phục, duy trì sản xuất, kinh doanh.

Đặc biệt, cần tích cực giảm lãi suất đối với các khoản vay mới thuộc các ngành, lĩnh vực bị ảnh hưởng do dịch bệnh.

Chủ động hướng dẫn, hỗ trợ người dân trong quá trình xử lý các đề nghị tháo gỡ khó khăn về hoạt động vay vốn.

Cơ sở để các tổ chức tín dụng đánh giá thiệt hại là dựa vào hồ sơ tín dụng của doanh nghiệp được giải ngân cho vay trước thời điểm diễn ra dịch bệnh. Trong phương án sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp, đó phải là sản phẩm bị tác động trực tiếp từ thị trường tiêu thụ của Trung Quốc.

Lãnh đạo Nam A Bank chia sẻ, đến ngày 18/2,  Ngân hàng đang hoàn chỉnh hồ sơ cho gần 30 doanh nghiệp, với tổng số tiền vay khoảng 200 tỷ đồng, tập trung chủ yếu ở lĩnh vực nông nghiệp, dịch vụ lưu trú, nhà hàng - quán ăn và xuất nhập khẩu. Nam A Bank đã sớm chia sẻ khó khăn trên với lãi suất giảm 0,5%/năm so với biểu lãi suất cho vay hiện hành đối với loại tiền Việt Nam và USD.

BIDV cũng đã triển khai gói tín dụng 5.000 tỷ đồng cùng nhiều ưu đãi về tiền gửi và dịch vụ ngân hàng điện tử.

Chương trình áp dụng từ ngày 14/2 đến hết ngày 30/4/2020 hoặc đến khi đạt quy mô gói. Các lĩnh vực vay vốn cụ thể gồm nông nghiệp, xuất khẩu và du lịch. Khách hàng của BIDV sẽ được hưởng mức lãi suất vay cố định chỉ 5,5%/năm trong tối đa 4 tháng kể từ ngày giải ngân đầu tiên.

Ngoài ra, BIDV cũng đang triển khai gói tín dụng 10.000 tỷ đồng áp dụng mức lãi suất cho vay từ 6,5%/năm và từ 7,5%/năm cho các khách hàng cá nhân thông thường vay sản xuất kinh doanh.

Vietcombank Hà Tĩnh cũng giảm 0,5%/năm lãi suất cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. HDBank giảm lãi vay tới 4,5% cho khách hàng trong mùa dịch Covid-19, chia sẻ khó khăn với người dân, hộ kinh doanh, doanh nghiệp siêu nhỏ, nhất là ở nông thôn.

Mới đây nhất, MBBank công bố dành 10.000 tỷ đồng cho vay cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ với lãi suất từ 6,5%/năm với khoản vay ngắn hạn và từ 8%/năm với khoản vay trung dài hạn.

Các doanh nghiệp vừa và nhỏ có nhu cầu vay vốn ngắn và trung dài hạn phục vụ nhu cầu sản xuất kinh doanh thuộc các lĩnh vực như dược - thiết bị y tế; nhựa, phân phối hàng tiêu dùng, tài trợ khách sạn lưu trú/đầu tư, nâng cấp, mở rộng nhà xưởng, đầu tư xây dựng bệnh viện, trường học, đều thuộc đối tượng thụ hưởng sự hỗ trợ của gói 10.000 tỷ đồng tại Ngân hàng.

Ngoài gói tín dụng dành cho khách hàng doanh nghiệp nhỏ và vừa thuộc các lĩnh vực nêu trên, MBBank còn mở rộng cơ hội tiếp cận tín dụng cho doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực vận tải, du lịch, nhà hàng - ăn uống, các doanh nghiệp có thị trường xuất nhập khẩu chủ yếu là Trung Quốc đang gặp khó khăn do dịch Covid-19 gây ra…

Cụ thể, MBBank sẽ hỗ trợ doanh nghiệp các nghiệp vụ như đánh giá dòng tiền, lên phương án cấu trúc giúp doanh nghiệp ổn định hoạt động kinh doanh, nhanh chóng vượt qua khủng hoảng.

Tin bài liên quan