Ngân hàng xoay kế hoạch 2020 vì dịch Covid-19 (Bài 1): Người ảnh hưởng sau cùng

Ngân hàng xoay kế hoạch 2020 vì dịch Covid-19 (Bài 1): Người ảnh hưởng sau cùng

(ĐTCK) Dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp đã và đang phủ bóng đen lên nền kinh tế toàn cầu, lợi nhuận của các ngân hàng châu Á đang bị đe dọa nghiêm trọng. Trong bối cảnh ấy, các ngân hàng Việt Nam đang phải dịch chuyển kế hoạch kinh doanh để thích ứng với tình hình mới.   

Bài 1: Người ảnh hưởng sau cùng

Mặc dù chưa có thống kê cụ thể, song trước diễn biến của tình hình dịch bệnh Covid-19, ngành ngân hàng khó tránh khỏi những ảnh hưởng khi doanh nghiệp đình trệ hoạt động sản xuất - kinh doanh, xuất khẩu bị tác động bởi dịch bệnh nói trên. 

Khó tránh tác động

Theo báo cáo mới nhất của Moody’s Investors Service, được công bố ngày 12/2/2020, trong trường hợp dịch bệnh kéo dài, lợi nhuận và chất lượng tài sản của các ngân hàng tại châu Á - Thái Bình Dương sẽ bị ảnh hưởng thông qua các ngành du lịch, tiêu dùng cá nhân, chuỗi cung ứng, hàng hóa, bất động sản và thị trường tài chính.

Tại Hồng Kông và Trung Quốc đại lục, nhiều ngân hàng đã thực hiện đóng cửa giao dịch nhiều ngày để ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19.

Nhiều chuyên gia thế giới nhận định, lợi nhuận của các ngân hàng tại đây đang bị đe dọa nghiêm trọng.

Theo Standard & Poor's (S&P), việc đóng cửa tạm thời hầu hết các chi nhánh và sự suy yếu các hoạt động kinh tế của Trung Quốc sẽ tác động giảm thu nhập ngoài lãi và nhu cầu tín dụng, từ đó thu hẹp biên lợi nhuận và kéo giảm lợi nhuận các ngân hàng.

S&P cho rằng, tỷ lệ nợ xấu của các ngân hàng Trung Quốc có thể tăng lên trên 6% nếu dịch Covid-19 ở Vũ Hán vẫn tiếp diễn.

Dịch Covid-19 là tiêu điểm chú ý của thị trường toàn cầu trong hai tuần trở lại đây khi tác động của nó vượt xa khỏi biên giới Trung Quốc và ảnh hưởng trên nhiều lĩnh vực hoạt động kinh tế.

Ngành ngân hàng cũng là một trong những lĩnh vực được đánh giá là chịu ảnh hưởng tiêu cực từ dịch bệnh. TS. Cấn Văn Lực - chuyên gia tài chính - ngân hàng nhận định, dịch bệnh này sẽ làm suy giảm đà tăng trưởng của kinh tế toàn cầu, Trung Quốc và cả Việt Nam.

Do đó, nhu cầu tín dụng được dự báo sẽ giảm, qua đó, tác động đến tăng trưởng tín dụng và lợi nhuận của ngành ngân hàng.

Trung tâm Phân tích CTCP Chứng khoán SSI (SSI Research) vừa có báo cáo phân tích tác động của dịch Covid-19 tới các nhóm ngành.

Theo đó, 10 ngành được cho rằng sẽ chịu ảnh hưởng tiêu cực gồm: ngân hàng, dệt may, bán lẻ, thủy sản, bia, dầu khí, chứng khoán, cảng biển và vận chuyển, dịch vụ sân bay, hàng không. Chỉ có 4 ngành được đánh giá tích cực là dược phẩm, công nghệ thông tin, điện, nước.

Công ty Chứng khoán MB cũng cho rằng, tăng trưởng kinh tế chậm lại bởi dịch cúm Covid-19 sẽ tổn hại đến chất lượng tài sản và làm giảm lợi nhuận của các nhà băng.

Chẳng hạn, giá bất động sản có thể giảm, gây thiệt hại lớn với các khoản cho vay thế chấp bằng bất động sản của ngân hàng.

Theo cơ chế lan truyền tác động, những lĩnh vực có độ nhạy thông tin hoặc ảnh hưởng trực tiếp (dịch vụ, du lịch, hàng không...) chịu ảnh hưởng trước, tiếp đến là sản xuất (nông nghiệp, công nghiệp, khai khoáng...) rồi sau cùng sẽ là ngành ngân hàng khi tín dụng chậm và rủi ro nợ xấu tăng lên... 

Ngân hàng giảm lãi để hỗ trợ doanh nghiệp

Ngành ngân hàng sớm nhận thấy ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19 nên đã ra tay chung sức chia sẻ khó khăn cùng với doanh nghiệp và người  dân để vượt qua giai đoạn này. 

Chẳng hạn, mới đây, Nam A Bank đã triển khai chương trình “Chung sức khắc phục thiệt hại do ảnh hưởng từ dịch Corona”, áp dụng từ ngày 10/2 cho tới khi Chính phủ có thông báo chính thức về việc dịch bệnh kết thúc.

Theo đó, khách hàng được giảm đến 0,5%/năm so với biểu lãi suất cho vay hiện hành đối với loại tiền VND và USD. Ngân hàng mong muốn hỗ trợ cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực như du lịch, lưu trú, hàng không, nông nghiệp, nhà hàng, quán ăn, xuất nhập khẩu (giữa Việt Nam với các nước thuộc vùng dịch).

“Doanh nghiệp và người dân đã và đang chịu ảnh hưởng không nhỏ trước diễn biến phức tạp của dịch virus Corona gây ra, vì vậy, Nam A Bank nhanh chóng triển khai các chính sách hỗ trợ trong mùa dịch này.

Ðồng thời, Ngân hàng sẽ chủ động tư vấn khách hàng để nắm bắt nhu cầu, tìm hiểu tình hình sản xuất và hỗ trợ kịp thời”, đại diện Nam A Bank cho biết.

Số tiền hỗ trợ sẽ được giảm trực tiếp trên tổng số tiền phải thanh toán hàng tháng trong thời gian hỗ trợ trên nguyên tắc mức khai thác càng nhiều, tỷ lệ giảm càng lớn.

Từ ngày 12/2 - 30/6/2020, Ngân hàng Tiên Phong (TPBank) triển khai các gói cho vay ưu đãi bằng VND và ngoại tệ với tổng giá trị gần 3.000 tỷ đồng và lãi suất giảm từ 1 - 1,5% so với biểu lãi suất hiện hành của TPBank nhằm hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng.

Ðối tượng được hưởng ưu đãi là các khách hàng có hoạt động sản xuất - kinh doanh, xuất nhập khẩu hàng hoá, nguyên vật liệu... bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Bên cạnh đó, TPBank sẽ rà soát để đưa ra các biện pháp hỗ các doanh nghiệp bị ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp bởi dịch Covid-19 như du lịch, khách sạn, các công ty vận tải lữ hành, các doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc và các doanh nghiệp nhập khẩu nguyên vật liệu, vật tư, hàng hóa từ Ðại lục.

Ðại diện TPBank cho biết: “Ngân hàng sẽ xem xét gia hạn nợ, cơ cấu nợ mà không áp dụng lãi phạt, xem xét giảm lãi hoặc kiến nghị Ngân hàng Nhà nước cho phép không chuyển nhóm nợ với các khách hàng này.

Ðồng thời, TPBank sẽ tiếp tục xem xét cho vay thực hiện các phương án kinh doanh mới của người vay”.

Ngoài ra, Ngân hàng cũng sẽ xem xét chính sách giảm lãi suất cho các nhóm khách hàng cá nhân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 với mức giảm từ 0,5 - 1% từ nay cho tới hết tháng 6/2020. Ðồng thời, ngân hàng này cho biết sẽ xem xét ân hạn gốc 3 tháng với những nhóm khách hàng mất hoàn toàn nguồn thu do dịch bệnh.

Từ nay đến hết ngày 30/4, Vietcombank giảm lãi suất VND 1 - 1,5%/năm và ngoại tệ 0,5 - 0,75%/năm, tùy theo kỳ hạn. Với các khoản vay mới, Ngân hàng cũng giảm 1%/năm lãi suất với VND và 0,5%/năm với USD.

Vietcombank ước tính, quy mô dư nợ của các khoản vay được giảm lãi suất khoảng 30.000 tỷ đồng, dư nợ tín dụng của khoảng 300 khách hàng là tổ chức kinh doanh lớn, số tiền giảm lãi suất mà Ngân hàng chia sẻ với doanh nghiệp ước 300 - 450 tỷ đồng.

Kienlongbank, Eximbank, Agribank, VPBank... cũng đã có giải pháp hỗ trợ khách hàng đang vay vốn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Trong đó, Eximbank dành 4.000 tỷ đồng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa vay ưu đãi với lãi suất từ 6,99%/năm; đồng thời, sẽ triển khai gói lãi suất cho vay ưu đãi khoảng 3.000 tỷ đồng với lãi suất chỉ từ 5,5%/năm các doanh nghiệp lớn.

Với ngành nông nghiệp, nông dân bị thiệt hại là rất rõ khi thị trường xuất khẩu chính là Trung Quốc thực hiện thủ tục chặt chẽ hơn khi nhập hàng do phải phòng chống dịch bệnh nguy hiểm này.

Giá dưa hấu, thanh long... bị sụt giảm, chưa tìm được đầu ra dù đang mùa thu hoạch.

Nhằm hỗ trợ bà con nông dân tiêu thụ nông sản, Sacombank phối hợp cùng Hội Doanh nghiệp trẻ Việt Nam mua 30 tấn dưa hấu tại các nhà vườn Gia Lai để tặng cho các trung tâm bảo trợ xã hội, trung tâm nuôi dưỡng người khuyết tật, làng thiếu nhi, bệnh viện tại TP.HCM và một số tỉnh lân cận.

Toàn bộ kinh phí gần 200 triệu đồng để thu mua và vận chuyển được Sacombank trích từ quỹ công đoàn của Ngân hàng.

Chung tay với các tổ chức tín dụng, mới đây, Trung tâm Thông tin tín dụng Quốc gia Việt Nam (CIC) đã giảm mức thu dịch vụ thông tin tín dụng cho các tổ chức tín dụng.

CIC cho biết, mức giảm theo bậc thang từ 5% đến 20% tổng mức thu dịch vụ thông tin tín dụng theo từng tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Giải pháp của CIC lần này ngoài việc giúp các tổ chức tín dụng giảm chi phí, hạ lãi suất còn gián tiếp nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng của người dân và doanh nghiệp...

(Còn tiếp)

Tin bài liên quan