Thực tế, lợi nhuận mang lại từ bancassurance cho các ngân hàng là rất lớn.

Thực tế, lợi nhuận mang lại từ bancassurance cho các ngân hàng là rất lớn.

Ngân hàng tìm hướng tránh điều chỉnh kế hoạch kinh doanh

(ĐTCK) Kế hoạch kinh doanh của các ngân hàng chắc chắn sẽ chịu ảnh hưởng trong mùa dịch Covid-19, câu chuyện bây giờ là nhanh chóng triển khai mạnh hơn các giải pháp để cải thiện doanh thu…

Khó khăn bủa vây

Một báo cáo của Công ty Chứng khoán VNDirect vừa công bố cho biết, tăng trưởng sản xuất công nghiệp 2 tháng đầu năm nay thấp hơn rất nhiều so với mức tăng 9,2% của cùng kỳ năm trước cho thấy hoạt động này đã yếu đi đáng kể do tác động của Covid-19.

Hoạt động sản xuất trong nước được dự báo sẽ tiếp tục suy giảm trong tháng 3/2020 và có thể kéo dài cho đến khi Trung Quốc trở về công suất sản xuất bình thường.

Bên cạnh đó, do người tiêu dùng hạn chế đến những nơi đông người và các biện pháp kiểm soát dịch bệnh của Chính phủ, doanh thu bán lẻ hàng hóa trong tháng 2 giảm 7,9% so với tháng trước (khoảng 414.000 tỷ đồng), phần lớn đến từ việc cắt giảm chi tiêu của khu vực dịch vụ.

Trong 2 tháng qua, doanh thu bán lẻ hàng hóa ước tăng 5,4% so với cùng kỳ (sau khi loại trừ yếu tố lạm phát).

Số liệu tăng trưởng các tháng tiếp theo được cho rằng sẽ kém khả quan do diễn biến gần đây của dịch bệnh tại Việt Nam.

Kết quả khảo sát của Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân với hơn 1.200 doanh nghiệp về ảnh hưởng của Covid-19 tới hoạt động kinh doanh cho biết, nếu dịch kéo dài 6 tháng, 74% doanh nghiệp có thể sẽ phá sản.

Ngoài ra, gần 30% mất 20-50% doanh thu, 60% doanh nghiệp thậm chí giảm hơn một nửa doanh thu.

Dịch bệnh đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến doanh nghiệp và ngân hàng cùng liên đới. Ước tính, tổng số khách hàng của VPBank bị tác động đợt này lên tới gần 1.000 doanh nghiệp và có chiều hướng gia tăng trong thời gian tới nếu dịch bệnh còn diễn biến phức tạp.

Lãnh đạo Vietcombank cho biết, ước tính quy mô dư nợ của các khoản vay được giảm lãi suất khoảng 30.000 tỷ đồng, dư nợ tín dụng của khoảng 300 khách hàng là tổ chức kinh doanh lớn, số tiền giảm lãi suất mà Vietcombank chia sẻ với doanh nghiệp ước khoảng 300-450 tỷ đồng, nếu tính cả tiền lãi khách hàng cá nhân đang vay được giảm thì con số hỗ trợ còn lớn hơn.

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước - NHNN) cho biết, hệ thống ngân hàng đã và đang xem xét cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho khách hàng với dư nợ 21.753 tỷ đồng; đã miễn giảm lãi, phí cho khoảng 8.000 khách hàng với số lãi, phí đã miễn giảm đạt 350 tỷ đồng;

Đang tiếp tục xem xét miễn giảm lãi vay cho 34.350 khách hàng với dư nợ gần 185.000 tỷ đồng; đã và đang hoàn thiện hồ sơ cho vay mới với lãi suất ưu đãi cho 5.493 khách hàng với doanh số cho vay dự kiến khoảng 24.000 tỷ đồng.

“Ngoài ra, các tổ chức tín dụng đang tiếp tục triển khai các giải pháp theo kế hoạch hành động, kịch bản hỗ trợ khách hàng theo chỉ đạo của NHNN như xây dựng và triển khai chương trình hỗ trợ tín dụng ưu đãi lãi suất với tổng giá trị khoảng 285.000 tỷ đồng, giảm thêm lãi suất từ 0,5-1,5%/năm (trong đó có lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, doanh nghiệp nhỏ và vừa, các ngành lĩnh vực bị ảnh hưởng bởi dịch...)”, ông Hùng nói.

Ðẩy mạnh bán lẻ để tăng doanh thu

Ông Võ Tấn Hoàng Văn, Tổng giám đốc SCB chia sẻ, dự kiến năm 2020, tăng trưởng bình quân của SCB là 15%, trong đó thu ngoài lãi và kinh doanh tiền tệ đạt tối thiểu trên 2.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, kế hoạch kinh doanh năm nay sẽ có những tác động trong mùa dịch Covid-19, bởi ngân hàng đã, đang và sẽ tiếp tục xem xét miễn giảm lãi cho nhiều khách hàng.

Trong cuộc trao đổi với Báo Ðầu tư Chứng khoán, lãnh đạo nhiều ngân hàng cho biết, lợi nhuận năm nay chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, nhưng mức độ bao nhiêu là điều chưa thể xác định do không dự đoán được dịch bệnh bao giờ sẽ kết thúc.

Hiện tại, giải pháp nhằm đảm bảo hoạt động, mang lại lợi nhuận ở mỗi ngân hàng tuy khác nhau, nhưng nhìn chung đều đang đẩy mạnh vào lĩnh vực bán lẻ.

“Tỷ lệ chung của nền kinh tế bình quân dưới 6% người dân có sản phẩm đầu tư và bảo hiểm để bảo vệ sức khoẻ, tài chính. Qua dịch bệnh Covid-19, sẽ giúp cho ý thức bảo vệ sức khỏe của người dân được tăng cường. Trên cơ sở đó, chúng tôi cũng đẩy mạnh hơn việc tư vấn cho người dân sử dụng sản phẩm tiên tiến này để bảo vệ cho mình, cũng như gia đình trong nguy cơ thiên tai, địch hoạ.

Ðây là sản phẩm tài chính rất tiên tiến trong môi trường tài chính phát triển, nếu sản phẩm này càng được xây dựng tốt, càng hiệu quả, thì mang lại nhiều lợi ích cho người dân và cả ngân hàng”, ông Văn phân tích.

Thực tế cho thấy, lợi nhuận mang lại từ bancassurance cho các ngân hàng là rất lớn. Chẳng hạn, tại VPBank, thu nhập dịch vụ tại Ngân hàng mẹ trong 9 tháng đầu năm 2019 tăng trưởng tới 51,6%, trong đó, thu nhập bancassurance tăng trưởng 32,3%, chiếm 23% tổng thu nhập dịch vụ.

Tương tự, thu nhập bancassurance tại VIB tăng gần 5 lần so với cùng kỳ năm trước, qua đó thúc đẩy tăng trưởng thu nhập dịch vụ tới 145%, chiếm trên 50% tổng thu nhập dịch vụ.

Còn ACB đã rất nhanh lọt vào Top 7 ngân hàng có thu nhập phí từ bancassurance cao nhất khi thu nhập từ mảng này tăng trưởng 250% lên 414 tỷ đồng, chiếm 29,3% thu nhập hoạt động.

Do vậy, bằng nhiều hình thức khác nhau, các ngân hàng đang mở rộng hơn hình ảnh ngân hàng - bảo hiểm đang song hành.

Ví dụ, tại SHB, với các khoản vay từ 500 triệu đồng, thời hạn vay 12 tháng trở lên, các khoản tiền gửi từ 500 triệu đồng với kỳ hạn gửi 12 tháng trở lên và từ 1 tỷ đồng kỳ hạn 6 tháng trở lên, khách hàng sẽ đươc tặng 100% phí bảo hiểm năm đầu gói bảo hiểm nCoV Shield của Bảo hiểm Sài Gòn - Hà Nội (BSH) với quyền lợi bảo hiểm lên đến 100 triệu đồng.

MB và Công ty Bảo hiểm nhân thọ MB Ageas Life vừa triển khai gói bảo hiểm Corona Guard của Bảo hiểm Quân đội (MIC) với các quyền lợi: Thời gian bảo hiểm 3 tháng kể từ ngày cấp đơn, miễn áp dụng thời gian chờ; quyền lợi tử vong do nhiễm Covid-19 là 100 triệu đồng; trợ cấp nằm viện do nhiễm Covid-19 là 4,5 triệu đồng/ngày/người/năm, trong đó số tiền trợ cấp/người/ngày điều trị nội trú là 150.000 đồng/ngày và số ngày trợ cấp là 30 ngày.

Trước đó, MB thông báo triển khai chương trình tặng bảo hiểm Corona cho chủ thẻ tín dụng MB Visa hoặc JCB mới với quyền lợi lên đến 100 triệu đồng, bên cạnh các quyền lợi chủ thẻ đang được hưởng là bảo hiểm tai nạn trong nước và toàn cầu 24/24; đồng thời hoàn tiền 5% khi thanh toán bảo hiểm MIC hoặc MB Ageas Life (áp dụng đối với hợp đồng mới của chính chủ thẻ).

Tin bài liên quan