Ngân hàng dồn dập hạ lãi suất

Ngân hàng dồn dập hạ lãi suất

(ĐTCK) Ngay sau khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ra quyết định điều chỉnh giảm lãi suất có hiệu lực kể từ ngày 19/11/2019, các ngân hàng đã nghiêm túc tuân thủ.

Các ngân hàng có vốn nhà nước: Thể hiện vai trò và trách nhiệm

Ngay đầu giờ sáng ngày 19/11, BIDV đã chỉ đạo toàn hệ thống giảm cả mức lãi suất huy động và lãi suất cho vay.

Đồng thời, ngân hàng này đã cài đặt chương trình đảm bảo tuân thủ quy định của NHNN (trần lãi suất tiền gửi VND không kỳ hạn và kỳ hạn dưới 1 tháng tối đa 0,8%/năm, kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng tối đa 5%/năm; lãi suất cho vay ngắn hạn VND đối tượng ưu tiên tối đa 6%/năm).

Ngoài ra, với trách nhiệm của ngân hàng có vốn nhà nước trong thực thi chủ trương của Chính phủ về việc giảm lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển kinh tế, BIDV tiếp tục điều chỉnh giảm lãi suất huy động thêm 0,2%/năm đối với tất cả kỳ hạn (tức thấp so với trần lãi suất quy định của NHNN).

Một lãnh đạo BIDV cho biết, việc điều chỉnh giảm lãi suất huy động vốn là cơ sở để Ngân hàng giảm thêm lãi suất từ 0,2-0,5%/năm so với lãi suất cho vay hiện hành và duy trì chính sách cho vay đối tượng ưu tiên tối đa 5,5%/năm (thấp hơn 0,5%/năm so với quy định mới điều chỉnh của NHNN).

Tuy nhiên, không phải đối tượng nào cũng được giảm lãi suất cho vay, mà phải là các lĩnh vực ưu tiên thỏa mãn điều kiện cho vay của BIDV gồm: thứ nhất, thực hiện phương án kinh doanh hàng xuất khẩu theo quy định tại Luật Thương mại và các văn bản hướng dẫn luật này;

Thứ hai, phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ theo quy định của Chính phủ về phát triển công nghiệp hỗ trợ; thứ ba, phục vụ kinh doanh của doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo quy định tại Luật Công nghệ cao và các văn bản hướng dẫn luật này.

Tương tự, ngày 19/11/2019, VietinBank đã ban hành văn bản điều chỉnh giảm lãi suất cho vay VND ngắn hạn tối đa từ 6,5%/năm xuống 6%/năm đối với các nhu cầu vốn phục vụ nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Trên thực tế, từ đầu năm 2019, VietinBank đã nhiều lần giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp, cá nhân tiếp cận nguồn vốn với chi phí thấp nhất.

Lý giải cho việc đảm bảo đủ nguồn vốn để giảm lãi suất cho vay, VietinBank cho biết, từ đầu năm 2019 đến nay, Ngân hàng đã chủ động khai thác các nguồn vốn hợp lý, quản lý tốt chất lượng tăng trưởng, quản trị chi phí hoạt động, triển khai đồng loạt các chương trình ưu đãi giảm lãi suất cho vay.

Đây là những hành động kịp thời, thiết thực, thể hiện cam kết mạnh mẽ của VietinBank trong việc chủ động, tiên phong thực hiện các chính sách điều hành của Chính phủ, của NHNN. VietinBank khẳng định sẽ đáp ứng đầy đủ vốn cho các khách hàng có dự án khả thi, hiệu quả đối với kinh tế, xã hội đất nước.

“VietinBank luôn dành những hỗ trợ đặc biệt đối với các ngành/lĩnh vực ưu tiên theo định hướng của Chính phủ, NHNN thông qua đẩy mạnh cho vay khu vực nông nghiệp, nông thôn, cũng như cho vay phục vụ sản xuất - kinh doanh thông thường, hỗ trợ các doanh nghiệp kinh doanh hiệu quả tiếp cận tín dụng với chi phí hợp lý thông qua nhiều chương trình như Đồng hành cùng doanh nghiệp;

Lãi vững chãi tương lai; Ưu đãi cho doanh nghiệp thương mại phân phối…, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước”, một lãnh đạo cao cấp của VietinBank nói.

Các ngân hàng tư nhân: Đáp ứng bằng sự chủ động

Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, một lãnh đạo cao cấp LienVietPostBank cho biết, trong suốt quá trình hoạt động, Ngân hàng luôn ý thức thượng tôn pháp luật, nghiêm túc chấp hành và ủng hộ các quy định, chủ trương của ngành.

Thực hiện chỉ đạo của NHNN về việc giảm lãi suất tháng 11/2019, ngay trong ngày 18/11, LienVietPostBank đã điều chỉnh giảm 0,5%/năm toàn bộ lãi suất chứng chỉ tiền gửi, đưa mức lãi suất chứng chỉ tiền gửi cao nhất về 7,6%/năm (kỳ hạn 36 tháng).

Đối với tiết kiệm dân cư, thực hiện giảm 0,5%/năm lãi suất các kỳ hạn 48 và 60 tháng, đưa mức lãi suất tiết kiệm dân cư cao nhất về 7,5%/năm.

Tiếp theo, ngày 19/11, LienVietPostBank điều chỉnh giảm lãi suất tiền gửi không kỳ hạn, tiền gửi có kỳ hạn dưới 1 tháng của khách hàng cá nhân, doanh nghiệp từ 1%/ năm xuống 0,8%/năm. Đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến 5 tháng, điều chỉnh về mức 4,5-5%/năm.

Ngoài các ngân hàng trên, nhiều ngân hàng khác cũng hạ lãi suất trước khi NHNN ra quyết định.

Ví dụ, TPBank giảm 0,1%/năm ở kỳ hạn 6-13 tháng và 0,3%/năm kỳ hạn trên 13 tháng. Tại Techcombank, biểu lãi suất tiền gửi tiết kiệm từ ngày 6/11 đã có nhiều thay đổi so với đầu tháng 10 khi lãi suất gửi tiết kiệm được điều chỉnh giảm từ 0,1-0,2 điểm phần trăm ở hầu hết các kỳ hạn gửi.

Từ đầu tháng 11/2019, VietCapital Bank niêm yết lãi suất kỳ hạn 7 tháng là 7,6%/năm, giảm so với mức 7,8%/năm trước đó, các kỳ hạn khác cũng giảm 0,1%/năm.

Hiện mức lãi suất cao nhất đã giảm từ 8,6%/năm xuống 8,5%/năm (áp dụng cho các kỳ hạn 24-60 tháng).

Tương tự, Eximbank công bố biểu lãi suất mới hiệu lực từ ngày 7/11, trong đó điều chỉnh giảm ở nhiều kỳ hạn.

Ví dụ, lãi suất gửi tiết kiệm kỳ hạn 15 tháng, 18 tháng tại quầy giảm 0,2%/năm xuống 8,1%/năm; lãi suất kỳ hạn 12 tháng giảm 0,1% xuống 7,7%/năm.

Đáng chú ý, riêng trong tháng 11, VPBank đã 3 lần hạ lãi suất huy động. Cụ thể, ngày 19/11 giảm 0,2-0,5%/năm đối với mọi kỳ hạn của tất cả các sản phẩm tiết kiệm và tiền gửi có kỳ hạn dưới 6 tháng tại quầy giao dịch và trên kênh online.

Vào các ngày 16/11 và ngày 8/11, VPBank đã giảm tương ứng 0,05-0,5%/năm và 0,03-0,1%/năm đối với mọi kỳ hạn của tất cả các sản phẩm tiết kiệm và tiền gửi có kỳ hạn tại quầy giao dịch và trên kênh online.

Thậm chí, trước đó, từ ngày 31/10, VPBank đã giảm 0,05%/năm lãi suất đối với kỳ hạn 6 tháng của tất cả các sản phẩm tiết kiệm và tiền gửi có kỳ hạn tại quầy giao dịch và trên kênh online.

Báo cáo vừa công bố của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận định, từ đầu năm đến nay, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã giảm lãi suất 3 lần và truyền đi thông điệp sẵn sàng để nền kinh tế Mỹ tăng trưởng “nóng” hơn trong một khoảng thời gian dài hơn.

ECB, PBOC và hàng chục ngân hàng trung ương khác cũng nhanh chóng hành động nhằm thúc đẩy nền kinh tế. Bên cạnh đó, Trung Quốc và Mỹ đang tiến gần tới một thỏa thuận thương mại tạm thời… Và đường cong lợi tức trái phiếu chính phủ Mỹ đã dốc lên trở lại.

Theo VDSC, kinh tế Việt Nam hiển nhiên sẽ được hưởng lợi từ diễn biến trên. Khảo sát của Tổng cục Thống kê cho thấy, trong quý III/2019, trên 43% doanh nghiệp ghi nhận kết quả kinh doanh tốt hơn, trong khi 38% báo cáo “ổn định”.

Trong khi đó, Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu công bố kết quả khảo sát đánh giá của thành viên về môi trường kinh doanh tại Việt Nam với mức điểm 80 trong quý II/2019, khi có tới trên 65% doanh nghiệp trả lời tình hình kinh doanh “tốt” hoặc “rất tốt”.

Tin bài liên quan