Nhiều ngân hàng đã tăng trích lập dự phòng rủi ro nợ xấu trong quý đầu năm nay.

Nhiều ngân hàng đã tăng trích lập dự phòng rủi ro nợ xấu trong quý đầu năm nay.

Ngân hàng đẩy mạnh tái cơ cấu nợ cho khách hàng

(ĐTCK) Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, các ngân hàng đang tập trung đẩy mạnh tái cơ cấu nợ cho khách hàng.

Kienlongbank cho biết, cơ cấu dư nợ cho vay của Ngân hàng chủ yếu là hộ kinh doanh và cá nhân, chiếm tới hơn 74% dư nợ tín dụng, tương đương 25.136 tỷ đồng.

Không phải đến bây giờ, mà từ đầu tháng 3/2020, Kienlongbank đã giảm 25% trên tổng số tiền lãi phải thanh toán cho hơn 85.000 khách hàng đang vay vốn trả góp theo ngày nhằm chia sẻ khó khăn vơi khách hàng trong mùa dịch. Theo kế hoạch, chương trình giảm lãi kéo đến ngày 30/6/2020.

Theo đại diện Kienlongbank, đa số khách hàng vay vốn trả góp ngày là những người có thu nhập thấp như bán vé số, chạy xe ôm, bán quán nước…

Tính đến giữa tháng 4/2020, VPBank đã cơ cấu lại hàng ngàn tỷ đồng dư nợ cho hơn 5.000 khách hàng cá nhân và doanh nghiệp, đồng thời cung cấp thêm hàng ngàn tỷ đồng dư nợ mới với lãi suất ưu đãi cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

VPBank cho biết, trong bối cảnh hiện nay, song song với việc hỗ trợ khách hàng như giãn nợ, tái cấu trúc, giảm lãi suất…, tăng trưởng có chọn lọc và kiểm soát tốt rủi ro là những mục tiêu được Ngân hàng đặt lên hàng đầu.

Báo cáo tài chính quý I/2020 của VPBank cho thấy, công tác thu hồi nợ tiếp tục được chú trọng, giúp đưa tỷ lệ nợ xấu của VPBank hợp nhất giảm từ 2,95% hồi đầu năm xuống 2,59% vào cuối quý, tỷ lệ nợ xấu của Ngân hàng mẹ giảm từ 2,18% xuống 2,15%, qua đó góp phần vào 9.906 tỷ đồng tổng thu nhập hoạt động hợp nhất, tăng 24,4% so với cũng kỳ năm trước.

Nợ xấu trong xu hướng giảm, nhưng VPBank vẫn thận trọng khi trích lập dự phòng 3.712 tỷ đồng, tăng 26,1% so với cùng kỳ năm trước (đã loại trừ ảnh hưởng từ dư nợ trái phiếu VAMC trong 2019) trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh.

Vietcombank cũng là một trong những ngân hàng tích cực tiến hành cơ cấu nợ, giãn nợ, không chuyển nhóm nợ để hỗ trợ các khách hàng bị ảnh hưởng bởi Covid-19.

Tính đến hết quý I/2020, nợ xấu của Vietcombank đạt tỷ lệ 0,82%, tăng nhẹ so với hồi đầu năm một phần do trong kỳ trích lập dự phòng 2.152 tỷ đồng, tăng gần 43% so với cùng kỳ.

Theo đó, lợi nhuận quý đầu năm nay của Vietcombank đạt 5.333 tỷ đồng, giảm 11,14% so với cùng kỳ năm trước.

Theo Vietcombank, việc ngân hàng đẩy mạnh trích lập dự phòng rủi ro là để đề phòng nợ xấu có thể tăng mạnh thời gian tới.

Tại VietinBank, ngân hàng này tiếp tục triển khai các chương trình tín dụng ưu đãi với lãi suất giảm thêm tới 2%/năm so với các chương trình tín dụng đã từng triển khai trước đây (trước thời điểm có dịch) và thuộc nhóm lãi suất thấp nhất thị trường hiện nay.

Tổng quy mô các chương trình lên đến 60.000 tỷ đồng, trong đó đặc biệt ưu đãi cho các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh cung ứng các mặt hàng thiết yếu trong mùa dịch.

Theo Chủ tịch HÐQT VietinBank Lê Ðức Thọ, đây là giai đoạn toàn nền kinh tế phải đoàn kết, vượt qua khó khăn. Do đó, việc các ngân hàng hy sinh một phần thu nhập trong giai đoạn này là cần thiết để đồng hành, hỗ trợ, chia sẻ khó khăn với
khách hàng.

Theo đánh giá của Ngân hàng Nhà nước, từ đầu năm đến nay, dư nợ dự kiến bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 khoảng 2 triệu tỷ đồng, chiếm khoảng 23% dư nợ toàn hệ thống.

Trong trường hợp dịch được kiểm soát trong quý II, tỷ lệ nợ xấu (bao gồm nợ nội bảng, nợ đã bán cho VAMC và nợ đã thực hiện các biện pháp phân loại nợ) sẽ ở mức gần 4% vào cuối quý này và 3,7% vào cuối năm 2020, thậm chí có thể cao hơn.

Ðiều này có thể ảnh hưởng tới tiến độ thực hiện tái cơ cấu gắn với xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, cũng như khả năng phục hồi của các tổ chức tín dụng yếu kém.

Vì vậy, việc nâng trích lập dự phòng của các ngân hàng trong quý 1/2020 được cho là một trong những bước chuẩn bị cho việc nợ xấu tăng thời gian tới.

Tin bài liên quan