OCB sẽ sớm triển khai kế hoạch niêm yết cổ phiếu sau khi hoàn tất việc bán 15% vốn cho Aozora Bank. Ảnh: Đ.T

OCB sẽ sớm triển khai kế hoạch niêm yết cổ phiếu sau khi hoàn tất việc bán 15% vốn cho Aozora Bank. Ảnh: Đ.T

Ngân hàng có dễ thực hiện lời hứa niêm yết?

0:00 / 0:00
0:00
Trong mùa ĐHĐCĐ năm nay, nhiều ngân hàng đã thông qua kế hoạch niêm yết cổ phiếu vào cuối năm. Tuy nhiên, nếu thị trường không thuận lợi, việc đưa cổ phiếu lên sàn có thể lại bị trì hoãn.

Sẽ niêm yết cuối năm 2020

Cổ đông của Ngân hàng OCB vừa thông qua kế hoạch niêm yết cổ phiếu sàn HoSE tại kỳ họp Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) diễn ra ngày 30/6. Ông Trịnh Văn Tuấn, Chủ tịch Hội đồng Quản trị OCB cho biết, Ngân hàng sẽ sớm triển khai kế hoạch sau khi bán 15% vốn cho Aozora Bank (Nhật Bản) để tăng vốn lên hơn 11.275 tỷ đồng.

Chủ tịch HĐQT Ngân hàng VIB, ông Đặng Khách Vỹ cho hay, VIB dự kiến niêm yết trên HoSE vào tháng 11/2020. Đồng thời, Ngân hàng trình phương án tăng vốn điều lệ bằng cổ phiếu thưởng với tỷ lệ 20%, từ 9.245 tỷ đồng đồng lên 11.094 tỷ đồng.

“Sau khi được ĐHĐCĐ thông qua trong kỳ họp ngày 30/6, VIB sẽ tiến hành phát hành cổ phiếu thưởng và khoảng tháng 11 sẽ niêm yết trên HoSE. Nguồn để tăng vốn lấy từ quỹ đầu tư phát triển, quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ, lợi nhuận sau thuế chưa chia”, ông Vỹ nói.

ĐHĐCĐ của Nam A Bank diễn ra ngày 27/6 đã trình thông qua mục tiêu lợi nhuận 1.000 tỷ đồng trước thuế, chia cổ tức 14,65% và niêm yết cổ phiếu sàn HoSE chậm nhất là tháng 12/2020. Ông Trần Ngọc Tâm, Tổng giám đốc Nam A Bank cho rằng, việc niêm yết sẽ nâng cao tính thanh khoản, đảm bảo lộ trình đưa cổ phiếu lên sàn.

Cũng theo ông Tâm, trong năm 2020, Nam A Bank có kế hoạch tăng vốn từ 3.890 tỷ đồng lên 5.000 tỷ đồng, dự kiến hoàn tất trong quý III/2020. Sau đó, Nam A Bank dự kiến tăng vốn lên 7.000 tỷ đồng thông qua chia cổ tức 14,65% bằng cổ phiếu (số lượng cổ phần phát hành 57 triệu cổ phần, tương đương 570 tỷ đồng), đồng thời phát hành riêng lẻ cho cổ đông 143 triệu cổ phần (tương đương 1.430 tỷ đồng).

Tương tự, ĐHĐCĐ LienVietPostBank (ngày 26/5) đã thông qua kế hoạch chuyển giao dịch cổ phiếu từ UPCoM sang niêm yết tại sàn HoSE trong năm 2020.

Ông Huỳnh Ngọc Huy, Chủ tịch Hội đồng Quản trị LienVietPostBank cho biết, việc niêm yết nhằm nâng cao hình ảnh và nhận diện thương hiệu của Ngân hàng trong cộng đồng nhà đầu tư trong nước, quốc tế, nâng cao tính thanh khoản của cổ phiếu, đem lại lợi ích tối đa cho cổ đông. Năm nay, LienVietPostBank có kế hoạch tăng vốn lên 10.746 tỷ đồng, thông qua việc chi trả cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 10%. Đồng thời, Ngân hàng sẽ nâng giới hạn tỷ lệ sở hữu cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài từ 5% lên 10%.

Theo các ngân hàng, việc niêm yết trên sàn để nâng cao thanh khoản cổ phiếu, minh bạch trong hoạt động kinh doanh và được xem là cơ hội cho nhà đầu tư lựa chọn trong danh mục cổ phiếu “vua”. Tuy nhiên, niêm yết phải có lợi cho cổ đông, nên cần chọn thời điểm thị trường thuận lợi. Chuyên gia tài chính Phan Dũng Khánh nhận định, cổ phiếu “vua” đã giảm so với trước trong bối cảnh sụt giảm chung của thị trường. Ngoài ra, thời gian tới, không phải cổ phiếu ngân hàng nào cũng có tiềm năng tăng trưởng tốt, mà sẽ có sự phân hóa mạnh giữa các nhà băng.

Phụ thuộc điều kiện thị trường

Kế hoạch niêm yết của OCB đã lùi lại hơn 3 năm qua. Liên quan vấn đề này, ông Trịnh Văn Tuấn cho biết, Ngân hàng muốn niêm yết càng sớm càng tốt, nhưng việc niêm yết còn phụ thuộc vào điều kiện thị trường. Nếu thị trường không thuận lợi, việc niêm yết sẽ khó đem lại lợi ích cho cổ đông.

Trong Đề án “Cơ cấu lại thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cuối tháng 2/2019 đã đề ra một loạt giải pháp cơ cấu lại thị trường. Trong đó, việc bắt buộc các ngân hàng thương mại lên sàn là một trong các biện pháp nhằm đa dạng cơ sở hàng hóa trên thị trường. Cụ thể, Đề án yêu cầu đến hết năm 2020, toàn bộ các ngân hàng thương mại phải niêm yết trên thị trường chính thức như HoSE, HNX hoặc đăng ký giao dịch trên UPCoM.    

Mặt khác, chủ trương của Hội đồng Quản trị OCB là muốn hoàn tất việc bán vốn cho cổ đông chiến lược nước ngoài trước khi niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán. “Đến nay, OCB đã có đầy đủ cơ sở để triển khai kế hoạch niêm yết, chỉ còn phụ thuộc vào thị trường. OCB sẽ cố gắng hoàn thành việc niêm yết đúng quy định trong năm nay”, ông Tuấn cho biết.

Ông Trần Ngọc Tâm, Tổng giám đốc Nam A Bank cho biết, ngân hàng đã gửi hồ sơ đến Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD) để thực hiện thủ tục đăng ký lưu ký tập trung cổ phiếu của Nam A Bank, làm cơ sở để hoàn thiện thủ tục niêm yết trên sàn chứng khoán HoSE năm nay.

Trong khi đó, ACB, SHB dự kiến chuyển niêm yết từ sàn HNX sang HoSE.

Trong năm 2019, LienVietPostBank, VIB có kế hoạch chuyển sang niêm yết sàn HoSE, nhưng do thị trường chưa thuận lợi nên đã hoãn sang năm nay.

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng cho rằng, việc ngân hàng chậm triển khai kế hoạch niêm yết có nhiều lý do. Trong đó, yếu tố khách quan là diễn biến thị trường chứng khoán vẫn chưa thực sự tích cực vì Covid-19. Bên cạnh đó, một số ngân hàng còn chờ bán cổ phần cho nhà đầu tư ngoại để tăng sức hấp dẫn của cổ phiếu, sau đó mới niêm yết. Ngoài ra, một số ngân hàng chưa thực sự thành công trong việc tái cơ cấu theo đề án đã được phê duyệt.

Tin bài liên quan