Agribank dự kiến dư nợ thực hiện cơ cấu cho khách hàng trong quý II và quý III/2020 tăng lên khoảng 90.000 tỷ đồng.

Agribank dự kiến dư nợ thực hiện cơ cấu cho khách hàng trong quý II và quý III/2020 tăng lên khoảng 90.000 tỷ đồng.

Ngân hàng chưa ngừng giảm lợi nhuận để hỗ trợ khách hàng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Dịch Covid-19 bùng phát khiến các ngân hàng phải thay đổi các kế hoạch hoạt động với phương án tăng trưởng an toàn, lợi nhuận khiêm tốn hơn trong năm 2020.

Nhu cầu vay vốn của khách hàng giảm, cùng với đó là triển khai các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp chịu tác động của dịch Covid-19 như cơ cấu thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí… đã ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh quý II/2020 của các ngân hàng. Song, việc chấp nhận cắt giảm lợi nhuận để hỗ trợ khách hàng vẫn đang tiếp diễn…

Chia sẻ với Báo Đầu tư Chứng khoán, một lãnh đạo cao cấp Agribank cho biết, thực hiện chương trình hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN, đến hết tháng 5/2020, Agribank đã triển khai đồng bộ các giải pháp hỗ trợ khách hàng.

Cụ thể, cơ cấu lại nợ, miễn giảm lãi, phí là 41.788 tỷ đồng; cho vay mới 42.458 tỷ đồng với 23.656 khách hàng; hạ lãi suất cho hơn 54.000 khách hàng với số dư hạ lãi suất gần 40.000 tỷ đồng…

Tại Vietcombank, ông Phạm Quang Dũng, Tổng giám đốc Ngân hàng cho biết, danh mục tín dụng của Vietcombank trải rộng khắp các ngành, lĩnh vực và cả nước, dư nợ đã được xem xét và cơ cấu lại là 14.000 tỷ đồng và có thêm khoảng 10.000 tỷ đồng nợ có thể tiếp tục được cơ cấu. Theo đó, ước tính lợi nhuận của Ngân hàng sẽ giảm khoảng 2.300 tỷ đồng.

Với BIDV - một trong những ngân hàng đầu tiên ban hành gói tín dụng ưu đãi hỗ trợ khách hàng với quy mô lên đến 93.000 tỷ đồng, tính đến nay, doanh số giải ngân gói tín dụng hỗ trợ này đã đạt trên 70.000 tỷ đồng cho 5.400 khách hàng với mức lãi suất đang áp dụng giảm 2%/năm so với lãi suất thời điểm trước dịch.

Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ Trưởng Vụ tín dụng (Ngân hàng Nhà nước - NHNN), tính đến 22/6/2020, tất cả các tổ chức tín dụng, kể cả công ty tài chính và ngân hàng nước ngoài, đều vào cuộc mạnh mẽ, qua đó cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho hơn 258.000 khách hàng với dư nợ gần 177.000 tỷ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho hơn 421.000 khách hàng với dư nợ hơn 1,26 triệu tỷ đồng; cho vay mới lãi suất ưu đãi với doanh số lũy kế từ 23/1 đến nay đạt 1,13 triệu tỷ đồng cho hơn 238.000 khách hàng, lãi suất thấp hơn phổ biến từ 0,5-2,5%/năm so với thời điểm trước dịch.

“Riêng Ngân hàng Chính sách xã hội đã thực hiện gia hạn nợ cho gần 154.000 khách hàng với dư nợ hơn 3.875 tỷ đồng, điều chỉnh kỳ hạn trả nợ cho hơn 75.000 khách hàng với dư nợ gần 1.600 tỷ đồng, cho vay mới đối với hơn 1 triệu khách hàng với dư nợ gần 39.000 tỷ đồng”, ông Hùng thông tin thêm. 

Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, lãnh đạo các ngân hàng đều chung quan điểm, tại thời điểm cuối năm 2019, kế hoạch kinh doanh của các ngân hàng đều dự kiến sẽ tăng trưởng cao.

Tuy nhiên, dịch Covid-19 bùng phát khiến các ngân hàng phải thay đổi các kế hoạch hoạt động với phương án tăng trưởng an toàn, lợi nhuận khiêm tốn hơn trong năm 2020.

Thực tế cho thấy, thanh khoản của các ngân hàng đều rất dồi dào nên rất muốn đẩy mạnh cho vay, nhưng tác động của dịch bệnh khiến nhu cầu vay vốn của khách hàng giảm mạnh,dẫn đến tín dụng tăng trưởng thấp.

Cùng với đó, các ngân hàng đồng loạt triển khai các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch như cơ cấu thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí…

Đáng chú ý, một bộ phận không nhỏ doanh nghiệp đang là “khách hàng tốt” của ngân hàng, nay trở thành “khách hàng có vấn đề” vì dịch Covid-19 khiến doanh nghiệp tạm thời không có khả năng trả nợ đúng hạn, hoặc sức khỏe tài chính suy yếu… Những yếu tố này đã ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh quý II/2020 của các ngân hàng.

Đơn cử, tại TPBank, lợi nhuận 6 tháng đầu năm 2020 đạt 2.034 tỷ đồng và hoàn thành 50% kế hoạch cả năm là 4.068 tỷ đồng (kế hoạch đã được điều chỉnh giảm); tổng tài sản đạt 181.000 tỷ đồng; tổng huy động đạt gần 163.000 tỷ đồng, trong đó dư nợ thị trường 1 đạt trên 112.000 tỷ đồng; tỷ lệ nợ xấu trong tầm kiểm soát 1%.

Cũng với mức tương đương, lãnh đạo VIB cho biết, tăng trưởng lợi nhuận 2 quý đầu năm nay ước đạt khoảng 52% trong kế hoạch cả năm là 4.500 tỷ đồng trước thuế.

Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc OCB thông tin, tính đến 30/6/2020, Ngân hàng hoàn thành 43% kế hoạch lợi nhuận cả năm (4.400 tỷ đồng), tương đương 1.870 tỷ đồng trước thuế.

Thông tin tới cổ đông về kết quả kinh doanh tại Đại hội đồng cổ đông 2020 mới đây, ông Phạm Quang Dũng, Tổng giám đốc Vietcombank cho biết, tính đến hiện tại, huy động vốn trên thị trường 1 đạt 3,4%, tăng trưởng tín dụng đạt 3,4%, lợi nhuận xấp xỉ mức cùng kỳ năm 2019 là khoảng 11.300 tỷ đồng.

“Năm nay, tình hình hoạt động của doanh nghiệp khó khăn, tác động lên hoạt động của ngân hàng là điều khó tránh. Từ nay đến cuối năm thời gian còn dài, diễn biến dịch bệnh còn khó lường, nên việc đánh giá nợ xấu sẽ như thế nào trong thời gian tới là khó khăn”, ông Dũng nói.

Tương tự, lãnh đạo Agribank cho biết: “Do diễn biến dịch Covid-19 còn phức tạp và kéo dài, dư nợ thực hiện cơ cấu cho khách hàng trong quý II và quý III/2020 dự kiến tăng lên khoảng 90.000 tỷ đồng, dư nợ được miễn giảm lãi khoảng 40.000 tỷ đồng và doanh số giải ngân cho vay mới gói ưu đãi lãi suất dự kiến khoảng 100.000 tỷ đồng, nên lợi nhuận sẽ còn chịu tác động”.

Về phía doanh nghiệp, ông Lê Hoàng Cơ, Tổng giám đốc Công ty TNHH Đầu tư du lịch và thương mại Đam San cho hay: “Doanh nghiệp chúng tôi nhận được nhiều hỗ trợ từ ngân hàng. Chúng tôi ghi nhận việc giảm lãi suất của các ngân hàng dành cho doanh nghiệp đã là tối đa, bởi ngân hàng cũng phải huy động vốn từ người dân”.

Thực tế, câu chuyện ngân hàng chấp nhận giảm lợi nhuận để hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế chưa dừng lại.

Được biết, từ ngày 1/7/2020, BIDV tiếp tục giảm lãi suất cho vay thêm 0,5%/năm so với lãi suất hiện hành. Như vậy, kể từ đầu năm đến nay, BIDV đã 3 lần thực hiện giảm lãi suất cho vay đối với khách hàng với mức giảm từ 2,5-3%/năm so thời điểm truớc dịch.

Từ ngày 30/6/2020, Agribank đã giảm lãi suất cho vay đối với 5 lĩnh vực ưu tiên theo quyết định tại Thông tư 39/2016/TT-NHNN. Cụ thể, lãi suất cho vay gắn hạn tối đa 4,8%/năm; lãi suất cho vay trung - dài hạn tối thiểu 7,5%/năm - là mức lãi suất thấp nhất thị trường hiện nay.

Đây là lần thứ 3 liên tiếp Agribank thực hiện giảm lãi suất từ đầu năm đến nay để cùng toàn ngành hiện thực hóa các cam kết trước Chính phủ: Triển khai nhiều giải pháp hiệu quả hỗ trợ doanh nghiệp, người dân sớm tháo gỡ khó khăn, ổn định sản xuất - kinh doanh, phục hồi nền kinh tế trong trạng thái “bình thường mới” sau đại dịch Covid-19.

Tin bài liên quan