Mức lãi suất huy động hiện giảm phổ biến từ 0,1-0,6%/năm so với trước.

Mức lãi suất huy động hiện giảm phổ biến từ 0,1-0,6%/năm so với trước.

Ngân hàng bắt đầu giảm lãi suất đồng loạt

(ĐTCK) Để hỗ trợ khách hàng trước tác động của dịch Covid-19, bên cạnh việc giảm phí giao dịch, giãn hoãn nợ…, nhiều ngân hàng đã giảm lãi suất huy động để tiến tới giảm lãi suất cho vay.

Lãi suất huy động đã giảm sâu

Ngày 2/3, VPBank chính thức triển khai biểu lãi suất huy động mới, giảm các kỳ hạn từ 13 tháng trở lên so với biểu lãi suất công bố ngày 7/2.

Cụ thể, lãi suất 13 tháng giảm 0,2%/năm, 15 tháng giảm 0,4%/năm, 18 tháng giảm 0,3%/năm, 24 tháng giảm 0,2%/năm và 36 tháng giảm 0,1%/năm.

Trước đó, ngày 24/2, mức ưu đãi lãi suất dành cho khách hàng trung niên của SCB đã giảm từ 0,03/năm xuống 0,02%/năm.

Tương tự, lãi suất tăng thêm dành cho khách hàng VIP cũng giảm như sau: Nhóm Diamond từ 0,15%/năm xuống 0,1%/năm, nhóm Ruby từ 0,1%/năm xuống 0,05%/năm, nhóm Sapphire từ 0,05%/năm xuống 0,02%/năm.

Bên cạnh đó, chứng chỉ tiền gửi dài hạn kỳ hạn 469 ngày của SCB giảm lãi suất từ 8,9%/năm xuống 8,75%/năm.

Thông báo của LienVietPostBank ra ngày 21/2 và có hiệu lực ngày 24/2 cho biết, lãi suất huy động từ 0,1-0,6%/năm đối với các kỳ hạn từ 9-48 tháng.

Cụ thể, lãi suất kỳ hạn 9 tháng giảm từ 6,2%/năm xuống 6,1%/năm; kỳ hạn 10 tháng và 11 tháng giảm 0,2%/năm xuống 6,1%/năm; các kỳ hạn 13, 15 và 16 tháng cùng giảm 0,2%/năm xuống tương ứng 6,8%/năm, 6,9%/năm và 6,9%/năm; kỳ hạn 18 tháng giảm 0,3%/năm xuống 6,9%/năm; kỳ hạn 24 tháng giảm 0,4%/năm xuống 6,9%/năm; kỳ hạn 25 và 36 tháng giảm 0,5%/xuống 6,9%/năm và mức giảm sâu nhất đến 0,6%/năm của kỳ hạn 48 tháng xuống 6,9%/năm.

Tại BAC A BANK, nhân viên giao dịch tại Chi nhánh Thái Hà thông tin, từ ngày 25/2, lãi suất kỳ hạn 6 tháng giảm từ 7,7%/năm xuống 7,55%/năm; 9 tháng từ 7,8%/năm xuống 7,6%/năm; 12 tháng từ 8%/năm xuống 7,8%/năm; 13 tháng từ 8,1%/năm xuống 8%/năm.

Với VIB, từ ngày 28/2, mức cộng thêm lãi suất từ 0,1-0,3%/năm vào lãi suất cố định của Ngân hàng (tùy thuộc vào khoản tiền gửi và kỳ hạn) đã giảm về mức từ 0,10,2%/năm.

Ngày 26/2, SHB bắt đầu giảm lãi suất từ 0,1-0,2%/năm cho các kỳ hạn 6-36 tháng. Viet A Bank cũng vừa giảm lãi suất kỳ hạn 7 tháng từ 8,3%/năm xuống 8,2%/năm; 13 tháng xuống 8,6%/năm, thay vì 8,75%/năm trước đây.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, bà Lê Thị Thanh Nga, Phó tổng giám đốc LienVietPostBank cho biết: “Ban Lãnh đạo Ngân hàng quyết định giảm lãi suất huy động do: Thứ nhất, tín dụng tăng trưởng không đạt như kế hoạch bởi ảnh hưởng của dịch Covid-19; thứ hai, giảm lãi suất huy động để giảm lãi suất cho vay trong thời gian tới”.

“Các chính sách, biện pháp hỗ trợ khách hàng SHB đang tích cực triển khai là hành động cụ thể hóa cam kết luôn đồng hành cùng doanh nghiệp, đồng thời thực hiện chủ trương của Chính phủ và định hướng của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) triển khai giải pháp chia sẻ hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch”, ông Nguyễn Văn Lê, Tổng giám đốc SHB chia sẻ.

Còn ông Hoàng Minh Hoàn, Phó tổng giám đốc SCB nêu quan điểm: “Trong bối cảnh người dân và doanh nghiệp chưa đầu tư, kinh doanh, mà thanh khoản của Ngân hàng khá dồi dào, Ban lãnh đạo SCB quyết định điều tiết lại lãi suất để tiết kiệm chi phí hoạt động, đồng thời giảm lãi suất đầu vào để giảm được lãi suất đầu ra theo khuyến khích của NHNN”. 

Chia sẻ với phóng viên, một lãnh đạo cao cấp Ngân hàng Chính sách xã hội cho biết: “Ngân hàng cho vay nhỏ lẻ, cơ bản là hộ kinh doanh, không có doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực vận tải, du lịch, sản xuất phụ thuộc nguồn nguyên liệu nhập khẩu...

Tuy nhiên, bám sát chỉ đạo của Thống đốc NHNN, Ngân hàng đã rà soát những hộ kinh doanh chịu ảnh hưởng bởi Covid-19 để cho giãn nợ.

Vấn đề Ngân hàng quan ngại là cho vay xuất khẩu lao động tại Hàn Quốc, Nhật Bản phải về nước, nên đang chỉ đạo các bộ phận rà soát, nắm bắt thông tin để có phương án xử lý kịp thời”.

Khoảng 926.000 tỷ đồng dư nợ bị ảnh hưởng bởi dịch

Thực tế cho thấy tình thế khó khăn của doanh nghiệp trước dịch Covid-19. Ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) chia sẻ: “Dịch viêm phổi cấp Covid-19 đang diễn biến phức tạp, ảnh hưởng trên phạm vi toàn cầu và đã tác động tới nhiều ngành kinh doanh trong nước như xuất nhập khẩu, du lịch, vận tải, sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản, sản xuất công nghiệp (sản xuất, chế biến thực phẩm, điện - điện tử, da giày, dệt may…); thương mại nội địa; đầu tư…, dẫn tới ảnh hưởng đến sản xuất - kinh doanh, doanh thu và dòng tiền trả nợ của khách hàng, từ đó tác động đến hoạt động tín dụng ngân hàng”.

Chi tiết hơn, ông Hùng thông tin, tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế đã giảm khi tính đến 19/2/2020, dư nợ toàn quốc đạt 8.172.299 tỷ đồng, giảm 0,28% so với cuối năm 2019 và giảm 0,37% so với cuối tháng 1/2020.

Dư nợ tín dụng một số ngành kinh tế giảm hoặc có mức tăng thấp hơn cùng kỳ năm trước như ngành nông - lâm - thủy sản giảm 0,11% so với cuối năm 2019 (cùng kỳ 2019 tăng 1,01%); ngành thương mại, dịch vụ giảm 0,27% (cùng kỳ 2019 tăng 1,97%), trong đó dư nợ của 2 ngành chiếm tỷ trọng cao trong nhóm giảm mạnh là bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác giảm 2,04% và  hoạt động làm thuê các công việc trong các hộ gia đình, sản xuất sản phẩm vật chất và dịch vụ tự tiêu dùng của hộ gia đình giảm 1,45%.

Ngành công nghiệp mặc dù tăng 0,75%, nhưng vẫn thấp hơn so với mức tăng cùng kỳ năm 2019 là 2,51%.

Ảnh hưởng của dịch bệnh dẫn đến khách hàng không có khả năng trả nợ đúng hạn, từ đó gia tăng tỷ lệ nợ quá hạn, nợ xấu.

Cụ thể, tính đến nay, có 23 tổ chức tín dụng (TCTD) báo cáo NHNN, ước tính có khoảng 926.000 tỷ đồng dư nợ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, chiếm khoảng 14,27% trên tổng dư nợ của các TCTD này và chiếm khoảng 11,3% dư nợ cho vay toàn hệ thống.

Được biết, các TCTD đã khẩn trương rà soát tình hình khách hàng vay vốn để chủ động xây dựng chương trình, kịch bản hành động nhằm tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn.

Bước đầu ghi nhận về hỗ trợ tín dụng, các TCTD hỗ trợ cho 43.419 khách hàng với dư nợ khoảng 223.000 tỷ đồng thông qua các biện pháp như cấu lại thời hạn trả nợ cho 246 khách hàng với dư nợ được cơ cấu là 21.527 tỷ đồng;

Miễn giảm lãi cho 3.824 khách hàng với số lãi đã miễn giảm đạt 260,5 tỷ đồng; tiếp tục xem xét miễn giảm lãi vay cho gần 34.000 khách hàng với dư nợ gần 177.000 tỷ đồng; cho vay mới với lãi suất ưu đãi cho 5.439 khách hàng với doanh số cho vay 23.765 tỷ đồng.

“Về miễn giảm phí, đã có 21 ngân hàng tham gia chính sách miễn giảm phí dịch vụ với mức thu bằng 0 hoặc giảm phí đến 90% mức thu cũ khi thực hiện các giao dịch chuyển tiền nhanh liên ngân hàng 24/7 qua Napas có giá trị từ 500.000 đồng trở xuống. Ngoài ra, 5 ngân hàng xác nhận triển khai chương trình giảm phí từ ngày 29/2/2020”, ông Hùng thông tin thêm.

Tin bài liên quan