Sau khi bán thành công 3% vốn cho nhà đầu tư nước ngoài, thu về 6.200 tỷ đồng cuối năm ngoái, Vietcombank đang xúc tiến phương án bán tiếp 6,5% cổ phần từ nay đến năm 2020.
Cuối quý II/2019, BIDV đã chốt văn kiện giao dịch với nhà đầu tư chiến lược KEB Hana Bank (Hàn Quốc). Cụ thể, BIDV sẽ phát hành riêng lẻ cho đối tác này hơn 603 triệu cổ phần, tương ứng 15% vốn điều lệ, tổng giá trị giao dịch hơn 20.295 tỷ đồng. Sau phát hành, Nhà nước sẽ giảm sở hữu tại BIDV từ 95,28% về 80,28%.
Hiện tại, VietinBank đã đáp ứng tiêu chuẩn Basel II và với sự hợp tác cùng Ngân hàng MUFG (Nhật Bản), kỳ vọng khả năng huy động vốn của Vietinbank sẽ được cải thiện.
Ông Kanetsugu Mike, Tổng giám đốc MUFG cho biết sẵn sàng hỗ trợ VietinBank tăng vốn điều lệ, qua đó nâng tỷ lệ sở hữu tại đây lên 50%, thay vì gần 20% như hiện nay.
“Đối với VietinBank, việc tăng vốn điều lệ là hết sức cấp thiết, nên chúng tôi rất mong Chính phủ Việt Nam ủng hộ phương án này”, ông Kanetsugu Mike nhấn mạnh.
Nhiều ngân hàng vẫn còn nguyên 30% room ngoại theo quy định
Lâu nay, lĩnh vực tài chính - ngân hàng Việt Nam luôn được các khối ngoại quan tâm. Nhiều nhà đầu tư nước ngoài sẵn sàng đầu tư cả chục nghìn tỷ đồng vào các ngân hàng Việt, kể cả với những nhà băng đang trong diện kiểm soát hay đang tái cơ cấu như Oceanbank, PGBank, CBBank…
Mới đây, ông Han Chang-woo, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Maruhan bày tỏ mong muốn nhận được sự ủng hộ của Chính phủ và các cơ quan chức năng trong việc tham gia tái cơ cấu các ngân hàng tại Việt Nam, đặc biệt là Oceanbank.
Với CBBank, hiện có 2 nhà đầu tư muốn tham gia vào quá trình tái cấu trúc nhà băng này là J.Trust - một ngân hàng lớn khác của Nhật Bản và Tập đoàn Clermont đến từ Singapore. Tương tự, GPBank cũng từng được nhà đầu tư ngoại đàm phán mua lại.
Trước đó, nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã ngỏ ý muốn mua lại những ngân hàng nhỏ của Việt Nam, thậm chí không ít thương vụ đã đi vào vòng đàm phán cuối cùng như thương vụ UOB muốn mua lại 100% vốn của GPBank, nhưng không thành công do vướng cơ chế.
Việt Nam đang trở thành điểm thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài nhờ các hiệp định thương mại tự do được ký kết, vị thế được nâng cao trên thế giới và ngân hàng là một trong những ngành được hưởng lợi.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, mặc dù Chính phủ có chủ trương không cấp thêm giấy phép cho ngân hàng 100% vốn ngoại, nhưng khuyến khích các ngân hàng nước ngoài mua các ngân hàng yếu kém và đang có nhiều ngân hàng nước ngoài quan tâm tới các thương vụ mua bán, sáp nhập ngân hàng tại Việt Nam.
Điều này có nghĩa là nhà đầu tư nước ngoài có thể được mua cổ phần chi phối đối với ngân hàng Việt Nam, thậm chí sở hữu 100% vốn.
Theo CTCK Bảo Việt (BVCS), hiện không còn nhiều ngân hàng còn nguyên room ngoại. HDBank, VPBank, Techcombank đã bán cổ phần thành công cho các tổ chức quốc tế thu về hàng trăm triệu USD.
ACB nhanh chóng tìm được đối tác mới khi nhóm Alp Asia Finance Limited nhận chuyển nhượng lại và chính thức trở thành cổ đông lớn tại ACB với sở hữu gần 10% vốn.
OCB và Nam A Bank dự báo cũng sẽ có cổ đông ngoại trước khi niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán thời gian tới khi room ngoại của ngân hàng này còn nguyên 30%.
Vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã chấp thuận phương án tăng vốn điều lệ từ hơn 3.353 tỷ đồng lên hơn 3.890 tỷ đồng theo kế hoạch đã được Đại hội đồng cổ đông của Nam A Bank thông qua.
Nhiều ngân hàng khác còn nguyên room ngoại và đang thực hiện tái cơ cấu như Sacombank, SCB, SeABank, Dong A Bank, Bac A Bank, VietCapital Bank, MSB, KienLongBank, NCB, VietBank... cũng hứa hẹn sẽ gọi được dòng vốn ngoại trong thời gian tới.
Theo quy định hiện hành, room ngoại tại mỗi ngân hàng tối đa ở mức 30% và việc sở hữu của các cổ đông ngoại ở các ngân hàng đang được kiểm soát rất chặt chẽ.
Ông Dominic Scriven, Chủ tịch Dragon Capital cho rằng, Chính phủ có thể nới room ngoại từ 30% lên 49% để tạo điều kiện cho các ngân hàng tăng huy động vốn theo chuẩn Basel II.
Còn ông Masataka “Sam” Yoshida, Giám đốc Toàn cầu dịch vụ M&A xuyên quốc gia của RECOF Corporation đưa ra nhận định, hoạt động M&A trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng tại Việt Nam sẽ rất sôi động trong thời gian tới do hiệu quả kinh doanh của các ngân hàng trong nước đã được cải thiện đáng kể, bên cạnh quy định về chuẩn mực vốn theo Basel II sẽ được áp dụng từ năm 2020.