Lợi nhuận quý III nhiều ngân hàng tiếp tục khả quan

Lợi nhuận quý III nhiều ngân hàng tiếp tục khả quan

(ĐTCK) Kết quả kinh doanh quý III/2019 của các ngân hàng đang dần hé lộ và không ngoài dự đoán, nhiều ngân hàng công bố con số lợi nhuận cao.

Tính đến thời điểm hiện tại, chưa ngân hàng nào có thể “qua mặt” Vietcombank về lợi nhuận. Ông Phạm Quang Dũng, Tổng giám đốc Vietcombank cho biết, lợi nhuận trước thuế của Ngân hàng mẹ đạt 17.250 tỷ đồng, tăng 51,9% so với cùng kỳ năm 2018 và hoàn thành 85,4% kế hoạch năm 2019.

Lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 17.592 tỷ đồng, tăng 50,6% so với cùng kỳ và 85,8% kế hoạch năm 2019. Với kết quả này, khả năng 

Vietcombank vượt kế hoạch lợi nhuận hợp nhất 20.000 tỷ đồng đặt ra cho năm nay được đánh giá cao, bởi hoạt động tín dụng thường tăng cao quý cuối năm và Vietcombank là một trong những ngân hàng có tỷ trọng nguồn thu từ dịch vụ cao.

Ngoài lợi nhuận, các chỉ số tài chính quan trọng khác của Vietcombank như tỷ số lợi nhuận ròng trên tài sản (ROA), tỷ số lợi nhuận ròng trên vốn chủ sở hữu (ROE) đạt tương ứng 1,65% và 25,75%, đều tăng mạnh so với năm 2018 và cao hơn mặt bằng chung hệ thống.

Tính đến cuối tháng 9/2019, tổng huy động vốn của Ngân hàng đạt 998.247 tỷ đồng, hoàn thành 101% kế hoạch quý III/2019; dư nợ tín dụng đạt 709.128 tỷ đồng, tăng 11,6% so với năm 2018 và hoàn thành kế hoạch 9 tháng. Ngân hàng đã thu hồi được 2.862 tỷ đồng nợ ngoại bảng, hoàn thành 82% kế hoạch năm.

Một ngân hàng có vốn nhà nước khác là Agribank vừa công bố lợi nhuận 8 tháng đầu năm 2019 với 8.820 tỷ đồng trước thuế, hoàn thành 80,2% kế hoạch lợi nhuận cả năm. Với mục tiêu lợi nhuận đưa ra cho năm nay tối thiểu là 11.000 tỷ đồng, đích đến của Agribank không còn quá xa, thậm chí có thể vượt kế hoạch đưa ra.

Tại nhóm ngân hàng tư nhân, kết thúc 3 quý đầu năm 2019, Sacombank đạt 2.491 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 89,5% so với cùng kỳ 2018 và chuẩn cán đích lợi nhuận cả năm là 2.650 tỷ đồng (tương đương hoàn thành 94% kế hoạch).

Tính đến 30/9/2019, tổng tài sản đạt 450.200 tỷ đồng, tăng 10,9% so với đầu năm; huy động từ tổ chức kinh tế và dân cư đạt 408.882 tỷ đồng, tăng 14,4%; cho vay đạt 290.934 tỷ đồng, tăng 13,1%. Các nguồn thu nhập của Sacombank tiếp tục tăng trưởng ổn định, trong đó thu dịch vụ đạt 2.131 tỷ đồng, tăng 21,1%; thu từ hoạt động khác đạt 845 tỷ đồng, tăng 176,2%.

Về xử lý nợ xấu, Sacombank xử lý được trên 15.000 tỷ đồng từ đầu năm đến nay, tỷ lệ nợ xấu tiếp tục giảm từ 2,11% xuống 1,96%. Tuy nhiên, do khối lượng nợ xấu để lại sau sáp nhập SouthernBank nên gánh nặng xử lý nợ vẫn lớn với nhà băng này.

Hiện Sacombank đang đẩy mạnh tái cơ cấu theo đề án đã được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt nên cổ đông Ngân hàng chưa thể kỳ vọng nhận cổ tức trong giai đoạn này, dù lãi lớn.

Tuy chưa chính thức công bố, nhưng một số ngân hàng khác như VPBank, Techcombank… cũng được dự báo sẽ đạt mức lợi nhuận cao trong 3 quý đầu năm.

Chẳng hạn, tại VPBank, đóng góp của “con gà đẻ trứng vàng” FE Credit đã tăng từ 45% trong cả năm 2018 lên 49% chỉ trong nửa đầu năm với con số lợi nhuận 2.131 tỷ đồng (tăng 36% so với cùng kỳ 2018).

Kết thúc 7 tháng đầu năm 2019, VPBank đạt 5.300 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tương đương 56% kế hoạch lợi nhuận cả năm. Tổng thu nhập hoạt động tính đến cuối tháng 7/2019 tăng lên 20.000 tỷ đồng. Nếu tính riêng tháng 7, mức lợi nhuận 1.000 tỷ đồng cũng cao hơn 42% so với cùng kỳ năm 2018.

Theo khảo sát mới đây của Ngân hàng Nhà nước, các tổ chức tín dụng (TCTD) đã giảm kỳ vọng tăng trưởng huy động và tín dụng trong thời gian tới.

Cụ thể, huy động vốn toàn hệ thống các TCTD được kỳ vọng tăng bình quân 4,39% trong quý IV/2019 và tăng 13,06% trong năm 2019, giảm 0,42% so với mức kỳ vọng tại kỳ điều tra trước (nhưng vẫn cao hơn mức tăng thực tế 12,45% của năm 2018).

Dư nợ tín dụng toàn hệ thống được kỳ vọng tăng trưởng 4,85% trong quý IV/2019 và tăng 13,61% trong năm 2019, giảm 0,72% so với mức bình quân kỳ vọng 14,33% ghi nhận tại kỳ điều tra trước (thấp hơn mức tăng thực tế 13,88% của năm 2018).

Các TCTD cũng liên tục điều chỉnh giảm kỳ vọng về tốc độ tăng trưởng dư nợ tín dụng trong năm 2019 qua các kỳ điều tra từ 15,27% xuống 13,61% (tháng 9/2019), gần sát với mục tiêu tăng trưởng tín dụng toàn ngành năm 2019. Tăng trưởng tín dụng toàn ngành tính đến 24/9/2019 đạt 8,64% so với cuối năm 2018.

Tuy kỳ vọng tăng trưởng tín dụng giảm, nhưng kết quả điều tra cho thấy, tình hình kinh doanh quý III/2019, theo nhận định của các TCTD, tiếp tục cải thiện so với quý II/2019.

Cụ thể, có 76,5% TCTD nhận định tình hình kinh doanh cải thiện hơn, trong đó 20,6% là “cải thiện nhiều”.

Trong quý IV/2019, có 82,3% TCTD kỳ vọng tình hình kinh doanh sẽ “cải thiện” và 87,1% TCTD kỳ vọng tình hình kinh doanh tổng thể năm 2019 “cải thiện” hơn so với năm 2018, trong đó 28,4-29,7% TCTD kỳ vọng “cải thiện nhiều” (cao hơn so với tỷ lệ 20-27,4% ghi nhận tại cuộc điều tra tháng 6/2019).

Cũng theo kết quả điều tra trên, có 91% TCTD kỳ vọng lợi nhuận trước thuế năm 2019 của đơn vị tăng trưởng dương so với năm 2018; 3% TCTD kỳ vọng không đổi và 6% TCTD lo ngại suy giảm.

Tin bài liên quan