Báo cáo tài chính riêng lẻ quý III/2019 của MBBank cho thấy, Ngân hàng ghi nhận lãi sau thuế 2.272 tỷ đồng, tăng 41% so với cùng kỳ 2018. Thu nhập lãi thuần tăng 16% lên 3.734 tỷ đồng, trong khi thu nhập từ hoạt động dịch vụ tăng 38% lên 368,4 tỷ đồng.
Lãi từ hoạt động kinh doanh khác tăng 1,5 lần lên 887 tỷ đồng, đồng thời hoạt động đầu tư góp vốn dài hạn cũng chuyển từ lỗ 48 tỷ đồng năm trước sang lãi 160 tỷ đồng trong năm nay. Tổng thu nhập hoạt động quý III/2019 tăng 41% lên 5.578 tỷ đồng, chi phí hoạt động tăng tương ứng lên 1.968 tỷ đồng. Trong kỳ, MBBank trích lập dự phòng 2.780 tỷ đồng, tăng 40%.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, MBBank lãi sau thuế 5.718 tỷ đồng, tăng 30% so với cùng kỳ 2018; tổng tài sản ở mức 385.516 tỷ đồng, tăng 9,4% so với cuối năm trước; tiền gửi khách hàng đạt 255.627 tỷ đồng, tăng 6,2%; dư nợ tăng 11% lên gần 230.143 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu của Ngân hàng mẹ ở mức 1,35%, tăng so với con số 1,22% cuối năm trước.
Tại Sacombank, lợi nhuận trước thuế 9 tháng đầu năm nay đạt 2.491 tỷ đồng, tăng 89,5% so với cùng kỳ năm trước.
Riêng thu từ dịch vụ đạt 2.131 tỷ đồng, tăng 21,1%; trong đó thu dịch vụ bảo hiểm đạt hơn 280 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 13,3% trong tổng thu dịch vụ; thu kinh doanh ngoại hối đạt 422 tỷ đồng, tăng 35%. Thu từ hoạt động khác đạt 845 tỷ đồng, tăng 176,2%. Tỷ lệ nợ xấu giảm từ 2,11% xuống 1,96%.
Ðứng đầu hệ thống về lợi nhuận đạt được 9 tháng đầu năm nay vẫn là Vietcombank với 17.592 tỷ đồng lãi trước thuế hợp nhất, tăng 50,6% so với cùng kỳ và hoàn thành 85,8% kế hoạch năm 2019.
Ðại diện Vietcombank cho biết, thu từ dịch vụ và bán lẻ đang đóng góp ngày một tích cực vào lợi nhuận Ngân hàng. Theo đó, Vietcombank đặt tham vọng đạt 2 tỷ USD lợi nhuận vào năm 2025, trong đó bán lẻ đóng góp khoảng 1 tỷ USD.
Chưa công bố con số cụ thể, nhưng ACB ước tính thu từ bancassurance trong 6 tháng qua tăng 2,5 lần cùng kỳ 2018, với doanh số bảo hiểm khoảng 350 tỷ đồng, đứng thứ tư thị trường và khả năng sinh lời nằm trong Top 2. Năm 2019, ACB dự kiến doanh thu mảng bancassurance sẽ đạt khoảng 600 tỷ đồng.
SSI Research đưa ra nhận định, việc bán bảo hiểm sẽ đóng góp nhiều hơn vào thu nhập từ dịch vụ của các ngân hàng trong năm nay. Năm ngân hàng dẫn đầu trong phân khúc này là Techcombank, VietinBank, BIDV, Maritime Bank và CitiBank.
Theo dự báo của đơn vị này, phí bảo hiểm thông qua kênh bancassurance sẽ tăng 30-40% và trở thành kênh bán hàng được ưa chuộng với tỷ trọng tăng lên 14% trong năm 2019.
Theo TS. Bùi Quang Tín, Ðại học Ngân hàng TP.HCM, việc Ngân hàng Nhà nước quản lý chặt chẽ tăng trưởng tín dụng, hạn chế tín dụng ở một số lĩnh vực có nhiều rủi ro như bất động sản, chứng khoán… đã ảnh hưởng tới lợi nhuận của các ngân hàng.
Ðể có thể cải thiện biên lợi nhuận, giảm phụ thuộc vào hoạt động tín dụng, các ngân hàng đã tập trung cắt giảm chi phí, phát triển mảng bán lẻ và dịch vụ, trong đó có việc đẩy mạnh bán chéo bảo hiểm (bancassurance), tăng cường các giải pháp tài chính như sản phẩm phái sinh, thu hộ, chi hộ…
Khảo sát mới đây của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, các tổ chức tín dụng (TCTD) đã giảm kỳ vọng tăng trưởng huy động và tín dụng trong thời gian tới.
Cụ thể, huy động vốn toàn hệ thống TCTD được kỳ vọng tăng bình quân 4,39% trong quý IV/2019 và tăng 13,06% trong năm 2019, giảm 0,42% so với mức kỳ vọng tại kỳ điều tra trước (nhưng vẫn cao hơn mức tăng thực tế 12,45% của năm 2018).
Dư nợ tín dụng được kỳ vọng tăng 4,85% trong quý IV/2019 và tăng 13,61% trong năm 2019, giảm 0,72% so với mức bình quân kỳ vọng 14,33% ghi nhận tại kỳ điều tra trước (thấp hơn mức tăng thực tế 13,88% của năm 2018).
Các TCTD cũng liên tục điều chỉnh giảm kỳ vọng về tốc độ tăng trưởng dư nợ tín dụng trong năm 2019 qua các kỳ điều tra từ 15,27% xuống 13,61% (tháng 9/2019), gần sát với mục tiêu tăng trưởng tín dụng toàn ngành năm 2019.
Kết quả khảo sát trên cũng cho biết, dự kiến đến cuối năm nay, 91% TCTD kỳ vọng lợi nhuận trước thuế của đơn vị tăng trưởng dương so với năm 2018, 3% TCTD kỳ vọng không đổi và 6% TCTD lo ngại suy giảm.