Thị giá nhiều cổ phiếu, trong đó có cổ phiếu ngân hàng, đã giảm sâu từ khi dịch Covid-19 bùng phát. Ảnh: Đức Thanh

Thị giá nhiều cổ phiếu, trong đó có cổ phiếu ngân hàng, đã giảm sâu từ khi dịch Covid-19 bùng phát. Ảnh: Đức Thanh

Lãnh đạo ra tay “đỡ giá” cổ phiếu vua

Trong bối cảnh dịch Covid-19 ngày càng phức tạp khiến chứng khoán nói chung và giá cổ phiếu ngân hàng nói riêng sụt giảm, không ít ngân hàng đã tăng mua cổ phiếu quỹ nhằm “đỡ giá” cổ phiếu vua.

Chi tiền tỷ mua cổ phiếu quỹ

Kết thúc phiên giao dịch cuối quý I (ngày 31/3), chỉ số VN-Index dừng tại 662,53 điểm, con số mà không nhà đầu tư nào có thể nghĩ tới trước khi bước sang năm 2020. Tại mức điểm này, định giá P/E của VN-Index chỉ còn 9,8 lần, thấp nhất trong vòng 5 năm. Trong bối cảnh này, giá cổ phiếu “vua” khó tránh bị ảnh hưởng, giảm xuống, buộc lãnh đạo nhà băng chi hàng trăm tỷ đồng “gom” cổ phiếu làm cổ phiếu quỹ.

TPBank vừa hoàn tất mua vào 10 triệu cổ phiếu quỹ đăng ký trước đó. Giao dịch thực hiện từ ngày 20/3 đến 26/3. Giá mua vào cao nhất là 22.700 đồng/cổ phần và thấp nhất là 21.300 đồng/cổ phần. Tổng số tiền TPBank vừa chi để mua cổ phiếu quỹ khoảng 220 tỷ đồng. Sau giao dịch, TPBank nâng lượng cổ phiếu quỹ sở hữu lên hơn 40 triệu đơn vị.

Chốt phiên giao dịch 3/4, giá cổ phiếu VPB ở mức 17.650 đồng/cổ phiếu. Đây cũng là một trong những mã trong nhóm ngân hàng giảm giá nhiều nhất trong tháng qua trong bối cảnh toàn thị trường chứng khoán lao dốc vì ảnh hưởng của dịch Covid-19. Cụ thể, trong tháng 3/2020, giá cổ phiếu VPB đã giảm gần 50%.

Trên thị trường chứng khoán, từ khi dịch Covid-19 bùng phát, thị giá nhiều cổ phiếu đã giảm sâu, trong đó có cổ phiếu ngân hàng, nên lãnh đạo các nhà băng và cổ đông lớn đã mạnh tay mua vào. Công ty của tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo là Sovico đăng ký mua thêm 10 triệu cổ phiếu HDB của HDBank trong thời gian từ ngày 3 - 29/4. Sau khi hoàn tất giao dịch, Sovico nâng tỷ lệ nắm giữ tại HDBank từ mức 13,34% lên 14,36%.

Các lãnh đạo khác của HDBank cũng đang tích cực mua gom cổ phiếu. Mới đây, ông Trần Hoài Nam, Phó tổng giám đốc HDBank đăng ký mua 500.000 cổ phiếu HDB, thời gian giao dịch dự kiến từ ngày 3-29/4, với mục đích đầu tư. Ông Nguyễn Hữu Đặng, Thành viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc HDBank; ông Phạm Văn Đẩu, Giám đốc Tài chính HDBank cũng tiến hành các thủ tục để đăng ký mua tổng cộng 1,5 triệu cổ phiếu HDB.

Lãnh đạo HDBank dồn dập đăng ký mua vào cổ phiếu khi thị giá cổ phiếu HDB giảm sâu theo đà giảm chung của thị trường do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Trưa ngày 3/4, giá cổ phiếu HDB ở mức 19.550 đồng/cổ phiếu, giảm gần 34% so với đầu năm nay.

Có đỡ được giá cổ phiếu “vua”?

Theo ước tính, có khoảng 30 doanh nghiệp công bố thông tin mua cổ phiếu quỹ trong hơn 1 tháng vừa qua, nhằm bình ổn giá cổ phiếu khi thị trường chứng khoán rơi vào đà giảm chung do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Nhưng liệu đây có phải là một “chiếc phao cứu sinh” cho giá cổ phiếu trong bối cảnh dịch bệnh chưa được khống chế?

Về tăng trưởng tín dụng, ở kịch bản cơ sở, có thể kỳ vọng mức tăng trưởng tín dụng cho cả năm 2020 ở mức 12,5-13%. Trong báo cáo chiến lược của Maybank Kim Eng (MBKE) hồi tháng 1/2020, công ty này cũng dự báo tăng trưởng trong khoảng 13-14% khi xem xét đến cho vay mảng thế chấp nhà ở và xây dựng sẽ tăng trưởng chậm lại.

Về lựa chọn cổ phiếu ngân hàng đầu tư, cách tiếp cận của MBKE là luôn chọn những ngân hàng có lợi thế cạnh tranh rõ ràng, có khả năng duy trì tăng trưởng, khả năng sinh lợi trong dài hạn và khả năng “chống sốc” trong ngắn hạn, mà trước tiên phải xem xét tỷ lệ nợ xấu và khả năng dự phòng rủi ro nợ xấu. Theo đó, 4 cổ phiếu ngân hàng được khuyến nghị mua là  VCB (Vietcombank), VPB (VPBank), MBB (MBBank) và ACB (Asia Commercial Bank).

Với tài sản chất lượng tốt và tỷ lệ dự phòng rủi ro nợ xấu tốt, Vietcombank và ACB có khả năng duy trì tăng trưởng lợi nhuận tốt trong năm 2020 (20-26%) và ROE (21-23%). ACB là một ngân hàng tốt, nhưng nhà đầu tư nước ngoài khó mua được vì hết room ngoại. Trong khi đó, câu chuyện của VPBank năm nay vẫn xoay quanh khả năng bán FE Credit với giá cao hơn rất nhiều so với định giá hiện tại của thị trường.

Với MBBank, xem xét định giá hiện tại, khả năng cạnh tranh của MBB, Công ty MBKE vẫn duy trì khuyến nghị mua dựa trên triển vọng tăng trưởng dài hạn của ngành. Nhóm nhà đầu tư ngoại liên quan đến Dragon Capital - cổ đông lớn MBBank cũng vừa có báo cáo về thay đổi tỷ lệ sở hữu tại ngân hàng này. Sau khi hoàn tất giao dịch, đến ngày 27/3, tỷ lệ sở hữu của nhóm thay đổi thành 146,8 triệu cổ phiếu, tỷ lệ sở hữu hơn 6%.

Theo Công ty cổ phần Chứng khoán MB (MBS), dù dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, nhưng phản ứng trên thị trường cho thấy sự “đề kháng” mạnh của nhóm cổ phiếu “vua” với dịch bệnh. Thay vì bán tháo, các nhà đầu tư lại tìm đến nhóm cổ phiếu ngân hàng. Tuy nhiên, không phải cổ phiếu ngân hàng nào cũng tăng giá trong thời gian tới. Do đó, các nhà đầu tư nên lựa chọn cổ phiếu ngân hàng chưa tăng giá mạnh, ngân hàng có dư địa tăng trưởng tín dụng cao và hoàn thành các chỉ tiêu sạch nợ xấu theo các tiêu chí của Basel II...

Cân nhắc giảm chỉ tiêu lợi nhuận năm 2020

Hiện các ngân hàng đã và đang cân nhắc chỉ tiêu lợi nhuận năm 2020 giảm so với năm 2019. Nam A Bank chỉ kỳ vọng đạt 800 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, giảm 100 tỷ đồng so với năm 2019. BIDV cho biết sẽ điều chỉnh mục tiêu lợi nhuận khi cần thiết so với mức dự kiến ban đầu trên 12.000 tỷ đồng. Trong bối cảnh khó khăn, MBBank sẽ tiết giảm chi phí hoạt động, duy trì nhân sự như năm 2019 và tăng năng suất lao động.

Tin bài liên quan